Vụ án gián điệp ảo

Thứ Năm, 29/01/2015, 08:13
(Nhân đọc cuốn tiểu thuyết “Đèn kéo quân” của nhà văn Lương Sĩ Cầm, Giải A - Bộ Quốc phòng - 2009-2014)

Vừa qua, Bộ Quốc phòng đã tổ chức lễ trao giải thưởng văn học nghệ thuật và báo chí 5 năm (2009 -2014). Cuốn tiểu thuyết “Đèn kéo quân” của nhà văn Lương Sĩ Cầm đã được trao giải A, chuyên đề văn học. Đây là một cuốn tiểu thuyết sử thi dựng lại cuộc chiến đấu của quân dân Liên khu V thời chống Pháp, mở cuộc tấn công lên Tây Nguyên để phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ.

Cùng lúc diễn ra cuộc chiến đấu bằng súng đạn để giải phóng thị xã Kon Tum, quân dân ta còn phải đối phó với một vụ án gián điệp ở vùng tự do. Cuộc chiến đấu trên mặt trận bí mật đã được triển khai với sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan bảo vệ Quân đội và lực lượng Công an. Nội dung diễn biến vụ án như sau: Bọn thực dân Pháp lo sợ trước sức mạnh của chiến tranh nhân dân Việt Nam nên đã tìm mọi cách để phá hoại ngành Đường sắt của ta, hòng ngăn chặn việc vận chuyển vũ khí cùng lương thực và quân trang phục vụ bộ đội trên chiến trường.

Mặc dù đã cho máy bay ngày đêm ném bom, bắn phá các nhà ga, cầu cống trên tuyến đường xe lửa dài 300 cây số, nhưng không ngăn nổi luồng giao thông vận tải của quân dân ta. Thực dân Pháp đã tung ra nhiều tài liệu giả mạo, dựng lên một tổ gián điệp ảo của tình báo Pháp đánh vào ngành hỏa xa.

Nhà văn Lương Sĩ Cầm.

Dựa vào tên Thôi, một con buôn đường dài, ra vào vùng tạm chiếm là mật báo viên của Phòng Nhì Pháp, địch nắm được danh sách cán bộ chủ chốt ngành Đường sắt ở vùng tự do Liên khu V, từ đó dựng lên một ổ gián điệp giả. Do không tỉnh táo trước âm mưu thâm độc của bọn Phòng Nhì Pháp, cơ quan chức năng của chính quyền nhân dân đã bắt bớ hàng loạt cán bộ, công nhân viên ngành Đường sắt. Hậu quả tức thì là các mặt hàng quân sự bị ứ đọng, hàng tiếp tế cho mặt trận bị bế tắc.

Trước tình hình ấy, cơ quan bảo vệ Quân đội và lực lượng Công an đã hợp lực phá án. Nhân vật chính nắm được đầu mối mạng lưới gián điệp của địch lại là nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết: Chiến sĩ Trần Văn Bỉnh. Trước đây, Bỉnh là một cán bộ đại đội có thành tích chiến đấu xuất sắc, được cử ra Việt Bắc dự tập huấn.

Trên đường về lại Liên khu V, giữa núi rừng Trường Sơn, Bỉnh bắt quen và có quan hệ với một cô gái đi buôn đường dài tên là Bích Mậu. Anh đã vi phạm kỷ luật đạo đức và nặng hơn là đã vi phạm luật lệ tài chính vì đã giúp cô gái đổi tiền Đông Dương. Anh không hề biết Bích Mậu là một ả gián điệp do Phòng Nhì Pháp tung ra vùng tự do. Bỉnh bị kết án tù. Do lập công đặc biệt lúc ở tù, Bỉnh được tha tù sớm. Anh lại tiếp tục lập công, bắt được một tên đào ngũ.

Từ chỗ tên này khai nhận là tay sai của Phòng Nhì, cơ quan Công an đã nắm được đầu mối của vụ án ảo. Bỉnh được biệt phái vào Đà Nẵng bắt liên lạc với Bích Mậu và điều được một số tay chân của Phòng Nhì ra vùng tự do. Bắt được bọn này, vụ án được làm sáng tỏ.

Vụ án miêu tả trong cuốn tiểu thuyết sử thi “Đèn kéo quân” chứng tỏ, trong cuộc chiến tranh nhân dân của dân tộc ta, cuộc chiến đấu vũ trang luôn gắn bó chặt chẽ với cuộc chiến trên mặt trận bí mật. Tinh thần đoàn kết chiến đấu giữa hai lực lượng Quân đội và Công an là một đảm bảo chắc chắn cho mọi thắng lợi của cách mạng.

Đó cũng là điểm nổi bật để cuốn tiểu thuyết “Đèn kéo quân” của nhà văn Lương Sĩ Cầm được Bộ Quốc Phòng đánh giá là “đã thể hiện xuất sắc đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng”.

Xuân Nguyên
.
.
.