Vở nhạc kịch "Ngàn năm tình sử": 24 năm, tiếng sáo vẫn chưa già...

Chủ Nhật, 19/07/2009, 16:11
Dù chỉ là buổi diễn phúc khảo, nhưng "Ngàn năm tình sử" (kịch bản Nguyễn Quang Lập, đạo diễn NSƯT Thành Lộc) đã tạo được một hiệu ứng đặc biệt, báo giới và nghệ sỹ sân khấu đã chen chân đến chật kín khán phòng Nhà hát Bến Thành...

"Anh bị mất vợ mà. Đức vua có mất vợ bao giờ đâu mà biết được?"; "Em có biết anh phải làm gì để được vào Cấm thất và được gặp em không?... Anh không còn gì để cho em nữa cả, em biết không?"; "Mẹ tôi mất lâu rồi, em tôi vừa tử trận, tôi không còn ai để tìm..." và câu hát cuối "Chết trong ngày tình cờ" đã khép lại một chân dung tình yêu của Lý Thường Kiệt, nhân vật chính của "Ngàn năm tình sử", sẽ được sân khấu Idecaf (TP HCM) công diễn từ 1/8.

Một câu chuyện tình, một chữ yêu, đã làm nên mọi khổ đau, trong dòng chảy nhiều biến cố của cuộc đời một huyền thoại, một nhân vật khác thường. NSƯT Thành Lộc đã dựng nên một chân dung Lý Thường Kiệt khác những trang sách, đời hơn, người hơn và cũng đau đời hơn...

Thành Lộc đã tìm được một chiếc chìa khóa tốt để đưa câu chuyện đi một mạch dài ba giờ đồng hồ mà khán giả không mệt. Chỉ có một chữ duy nhất: Yêu! Không đi vào mô tả quá kỹ sự kỳ vĩ của một nhân vật lịch sử, Thành Lộc khai thác mối tình của Lý Thường Kiệt với Thuận Khanh.

Và hành trình cuộc đời Lý Thường Kiệt, với những sóng gió và bất trắc, trước những cảnh huống ngàn cân treo sợi tóc gắn với vận nước, vẫn có sự hiện hữu của Thuận Khanh, người con gái anh yêu, người vợ mà anh từng đính ước. Họ tưởng như có nhau, nhưng lại mất nhau vĩnh viễn. Họ ở trong cung cấm, nhưng để gặp được cung phi Thuận Khanh, Lý Thường Kiệt buộc phải yếm thân, trở thành thái giám, để suốt 24 năm anh ngồi bên hiên phòng thổi sáo cho Thuận Khanh nghe, để chờ được gặp người yêu, dù trong giây lát.

Suốt 24 năm, Thuận Khanh đã già, nhưng tiếng sáo của Lý Thường Kiệt mãi không già. Tình yêu của họ vẫn bâng khuâng như thế, vẫn da diết thế, nhưng điều họ cần trao cho nhau vĩnh viễn thì đã bị mất đi. Lần đầu tiên, tình yêu bị đánh cắp bởi một thứ quyền lực tối thượng, đó là lệnh tuyển cung phi của hoàng thượng. Lần thứ hai, tình yêu bị ngáng trở bởi sự hy sinh của Lý Thường Kiệt nhằm tìm cách được ở bên cạnh người yêu. Lần thứ ba, khi chinh chiến tan, đất nước thái bình, thì tuổi xanh đã già, Thuận Khanh lên chùa quy y, Lý Thường Kiệt về lại quê xưa, tóc phau phau bạc, chèo thuyền trên con sông cũ. Lý Thường Kiệt tắm gội lần cuối bằng chiếc bình gốm quê nhà, bằng dòng nước quê nhà rồi lặng lẽ trôi vào tịch lặng. Tình yêu của họ mãi mãi thuần khiết và lẫn vào những nỗi đau.

Ngược với tình yêu thuần khiết ấy, là tình yêu trong hờn ghen và uất hận của hoàng hậu Thượng Dương. Yêu trong cuồng si và đố kỵ, nhưng vẫn không giữ được người đàn ông ở lâu hơn với mình, cả đời Thượng Dương sống trong nỗi ấm ức ê chề và chính điều ấy đã đẩy bà vào tội lỗi.

Buổi dạ yến cuối cùng với những chung rượu độc đẫm nước mắt, kết thúc cuộc đời của Thượng Dương cùng đám cung tần mỹ nữ, là cách mà Thượng Dương lựa chọn, để chấm dứt tất cả, để giữ mãi tình yêu trong lòng mình. Vì một chữ tình mà yêu đến biệt ly mới tương ngộ. Và cũng vì một chữ tình, mọi bi kịch đã bắt đầu và có khi nó thổi bùng lên những ngọn lửa chết chóc.

Cảnh trong vở “Ngàn năm tình sử”. Ảnh: Thành Trung.

Sự giằng xé trong một chữ Yêu đã làm nên cảm xúc mạnh cho "Ngàn năm tình sử". Một vở diễn nhiều nước mắt, của nhân vật, của diễn viên, và của khán giả. Sau mỗi lớp diễn, những tràng vỗ tay lại rộ lên không dứt. Và khi các nghệ sỹ cúi chào tạm biệt, khán giả đứng dậy, vỗ tay chào họ rất lâu. Một không khí nghệ thuật thực sự. Một tình yêu thực sự với sân khấu.

Điểm quan trọng trong vở diễn là phần âm nhạc. Không quá nhiều và không quá cầu kỳ, âm nhạc như một nét duyên ngầm, dịu dàng buông vào những điểm nhấn quan trọng. Ca khúc "Có một chút" Đức Trí viết và từng quen thuộc với giọng hát Phương Vy, nay được xử lý thành nhiều màu khác nhau, nằm trong những hoàn cảnh khác nhau, khi dịu dàng trìu mến, lúc cay đắng và đau đớn, lúc dằn vặt xót xa... "Có một chút" như thực sự được viết cho chuyện tình của Lý Thường Kiệt - Thuận Khanh. Và đó là một điểm đáng nhớ trong vở diễn.

Lần đầu tiên Thành Lộc đảm nhận hai vai trò lớn, đạo diễn và diễn viên chính trong một vở kịch lịch sử, đòi hỏi phải diễn, múa và hát. Thách thức không nhỏ ấy đã được anh vượt qua và tạo được một dấu ấn thực sự. Thanh Thủy (vai Thuận Khanh) đã khiến không ít khán giả phải lạnh người với lối diễn tinh tế, những nỗi đau được tiết chế vừa đủ, không gào thét và không cố tình rơi nước mắt. Hữu Châu (vai thái sư Lý Đạo Thành) cũng là một sự tiết chế vừa đủ trong một vở diễn quá nhiều cảnh bi thương...

Điểm mạnh nhất của vở diễn chính là cách kể chuyện, một câu chuyện đầy cảm xúc và dẫn dụ người xem vào những cung bậc khác thường của câu chuyện tình khác thường. Tình yêu, trong những lúc nghiệt ngã nhất của số phận vẫn đẹp. Và rốt cùng, tình yêu thuần khiết của Thuận Khanh dành cho Lý Thường Kiệt sẽ là một tình yêu vĩnh cửu. Họ không đến được với nhau theo nghĩa của một cặp vợ chồng. Nhưng họ đã dành cả cuộc đời nhiều biến động để yêu và nghĩ về nhau. Tình yêu đó mãnh liệt hơn rất nhiều sự sống và cái chết... Điều quan trọng không kém, đó là sự kỹ lưỡng trong dàn dựng. Những màn vũ đạo đông người cầu kỳ đã được dàn dựng công phu và trang phục của nhân vật cũng được thực hiện đặc biệt hơn rất nhiều những vở diễn lịch sử khác.

Thực ra, còn những câu chuyện khác, những thông điệp khác về xã tắc, về thiên hạ, về lòng người và nỗi bất bình trước một triều đình nhiễu nhương, nhưng Thành Lộc chỉ dừng lại ở một mức độ vừa phải. Câu chuyện tình yêu trước những biến cố vẫn là câu chuyện quan trọng nhất. Thành Lộc đã buộc khán giả phải đối mặt với những góc khuất tận cùng của số phận nhân vật.

NSƯT Thành Lộc chia sẻ, thực ra câu chuyện tình yêu giữa Lý Thường Kiệt và Thuận Khanh rất ít sử sách ghi chi tiết. Và anh cũng không có ý định dựng chân dung một Lý Thường Kiệt anh hùng. Anh muốn xây dựng một số phận nhân vật thông qua một chữ Tình. Và anh đã thành công...

Hoài Phố
.
.
.