Vợ nhà văn Chu Lai: Đứng sau danh tiếng của chồng

Thứ Hai, 05/12/2005, 12:03

"Nhiều người tưởng tôi hay ghen với gã. Tôi đâu có ghen, thậm chí tôi còn 'đánh bóng' cho hình ảnh các người đẹp của ông ấy đấy chứ. Chính ông ấy mới là kẻ hay bắt nạt vợ. Lúc nào tôi cũng để cho gã thắng. Còn gã thì hay huênh hoang rằng gã có biệt tài biến vợ thành mẹ, để vợ có thể tha thứ cho những lỗi lầm của mình...” chị Vũ Thị Hồng, vợ nhà văn Chu Lai, hóm hỉnh nói.

Chu Lai là một cái tên có lẽ được nhắc đến nhiều nhất trên văn đàn Việt Nam những năm gần đây. Báo chí, truyền hình, Internet, sân khấu kịch, điện ảnh... nơi nào cũng gặp ông nhà văn "Ăn mày dĩ vãng". Có người đùa rằng, nếu làm một bản thống kê, tần số xuất hiện của Chu Lai trên báo chí chẳng kém gì một ngôi sao ca nhạc.

Chính nhà văn Chu Lai cũng có lần phải thốt lên, tôi đã chán việc trả lời trên báo chí, và thanh minh vì cái tính "cả nể" của mình. Hiếm có nhà văn nào được độc giả "nhẵn mặt" trên báo chí như Chu Lai.Nhưng, trong ngôi nhà nhỏ trong ngõ 23B ở phố nhà binh Lý Nam Đế không chỉ có một nhà văn Chu Lai. Còn một nữ nhà văn đại tá, chẳng mấy khi xuất hiện trên báo chí, vui lòng đứng phía sau danh tiếng của đức ông chồng, và tự nhận là một nhà văn "rất xoàng". Chị là nhà văn Vũ Thị Hồng.

Thỉnh thoảng tôi có bắt gặp chị Vũ Thị Hồng trên truyền hình, trong chương trình truyền hình Quân đội nhân dân, nghe chị nói về các hoạt động của chị em phụ nữ Quân đội. Chị mặc quân phục, trông mạnh mẽ và uy nghiêm. Tôi đồ rằng rất ít người xem truyền hình, đặc biệt các khán giả trẻ biết chị là một nhà văn, phu nhân của tác giả "Cuộc đời dài lắm" và là con dâu của nhà soạn kịch nổi tiếng Học Phi. Chị nói về tất tần tật mọi chuyện (trừ văn chương), từ chuyện xóa mù chữ, xóa đói giảm nghèo đến chuyện phòng chống tệ nạn xã hội trong các gia đình quân nhân... Không có gì khó hiểu, vì hơn 10 năm qua, chị giữ vai trò là "chị cả" của chị em phụ nữ trong Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng ban Công tác phụ nữ Quân đội.

Chúng tôi thỏa thuận với nhau không nói nhiều về văn học. Vì theo chị Hồng, thì "Tôi thuộc tuýp người thích được làm việc một cách lặng lẽ. Tôi nghĩ làm được chút gì hãy để bạn đọc tự đánh giá. Tôi viết ít, số lượng tác phẩm khiêm tốn, thành tựu không có gì đáng kể, quan điểm lại bảo thủ, không phá cách, cho dù tôi rất thích đọc những cái mới. Văn chương chưa bao giờ là công việc duy nhất và lớn nhất trong cuộc sống của tôi. Nó chỉ giống như một nhu cầu tự thân, lúc nào thích thì viết, không thiết tha với việc phải cố gắng viết ra một tác phẩm. Tôi tự nhận là riêng trong công việc sáng tác văn học, ý chí của tôi "hơi bị kém". Vả lại, trong nhà có một người nổi tiếng (ý nói nhà văn Chu Lai - BNT) cũng đủ mệt lắm rồi. Lúc ông ấy ngồi viết, tôi cũng phải xăng xái cơm nước cho ra một bà vợ đảm chứ. Chả lẽ ông ấy viết tôi cũng ngồi vào bàn thì nhà cửa, con cái sẽ ra sao nhỉ?". Sau câu nói ấy là một nụ cười rất vô tư của nữ nhà văn. Tôi nhận ra rằng chị rất hài lòng trong vai một người vợ với lo lắng đầu tiên là giữ cho cái bếp nhà mình luôn ấm áp, không so đo, tính đếm, cũng không quá đề cao cái Tôi mạnh mẽ của mình, như một vài nữ nhà văn tôi từng biết.

Là con cả trong một gia đình 6 anh chị em, có bố và mẹ đều làm việc trong Quân đội, từng chứng kiến cái chết của người cha liệt sĩ trong một trận giội bom của đế quốc Mỹ tại số nhà 94 phố Huế, Vũ Thị Hồng sẵn có một niềm thôi thúc được ra mặt trận, trở thành một người lính. Năm 1970, sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, chị Hồng theo học lớp đào tạo phóng viên cấp tốc cho chiến trường miền Nam (trại viết văn khóa 4) do Ban tổ chức Trung ương và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.

Nhà văn Vũ Thị Hồng tâm sự: "Hồi ấy gia cảnh nhà tôi rất nghèo, bố tôi bị địch giết hại, mẹ tôi phải gánh gồng nuôi 6 đứa con, nhà không có, phải đi ở nhờ nhà một người bác họ, nhưng các con của bác sợ chúng tôi chiếm nhà nên chúng tôi lại phải ra đi. Khoác ba lô lên đường, tôi rất thương mẹ, nhưng tôi nghĩ đến cái chết của cha nhiều hơn. Trước khi đi B, tôi phát hiện ra mình bị viêm màng bồ đào mắt, bác sĩ khuyên nên ở nhà điều trị, nhưng tôi đã trốn khỏi bệnh viện. Chiến trường vẫy gọi tôi và tôi chỉ có một mong muốn được trở thành một người lính và viết về người lính".

Nữ nhà báo 21 tuổi hành quân vào chiến trường khu V, trở thành phóng viên Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng Quân khu V. Chị thường đi theo các quân đoàn chủ lực, luôn có mặt ở tuyến đầu để tham gia chiến đấu và viết về cuộc sống gian khổ của anh em chiến sĩ. Là con gái tuổi Dần, chị Hồng nổi tiếng với tính cách quyết liệt, can đảm. Cả trung đoàn chỉ có mình chị là nữ, nhưng không trận địa ác liệt nào chị không có mặt. Có khi trung đoàn trưởng phải ra "nghị quyết" yêu cầu chị ở lại tuyến sau để đảm bảo an toàn cho nữ phóng viên, nhưng chị vẫn trốn đi. Chị tải đạn, gánh gạo, kể cả cầm súng, bất cứ việc gì cũng thành thạo.

Đại tá Vũ Thị Hồng tâm sự: "Mặc dù là một phóng viên chiến trường và công việc đặc thù của tôi là cầm bút, nhưng tôi lại nghĩ mình trước hết phải là một người lính. Và đi có nghĩa là Sống. Phải Sống trước đã rồi hãy viết. Sống nghĩa là phải nếm trải đủ những cung bậc buồn vui, những gian khổ, hy sinh, mất mát mà mỗi người chiến sĩ phải đối mặt. Phải hiểu được cảm giác cận kề với cái chết. Hiểu người lính là để hiểu Quân đội, khi mình đứng trong hàng ngũ ấy. Có như vậy thì mới có thể viết hay, viết chân thực về cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại của dân tộc".

Ngay cả những năm chiến tranh gian khổ, sống và chứng kiến một hiện thực lớn của đất nước, những trang viết của Vũ Thị Hồng cũng không ồ ạt như nhiều nhà báo khác. "Có thể trong tư duy của tôi thiếu sự mơ mộng. Tôi luôn luôn bám vào thực tế, vì vậy mà thú thật, khi đã ở trong một thực tế vĩ đại, là cuộc chiến đấu kiên cường của nhân dân ta chống kẻ thù, viết thế nào tôi cũng cảm thấy là tôi không bao giờ có thể viết hay hơn thực tế mà tôi đang sống".--PageBreak--

Các nhà văn trưởng thành và bước ra từ các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm thường hay có cảm giác "mắc nợ", và muốn được trả nợ cuộc sống bằng chính các trang viết của mình. Tôi cũng muốn đặt câu hỏi này với nhà văn Vũ Thị Hồng, liệu chỉ với 3 tập truyện ngắn và 1 tiểu thuyết trong suốt chặng đường dài hơn 30 năm cầm bút, chị cảm thấy mình đã trả xong "món nợ" chiến tranh trên vai nhà văn Quân đội hay chưa? Chị Hồng nói: "Chắc chắn là chưa. Tôi nghĩ tôi sống hết cả cuộc đời này cũng không thể trả được món nợ ấy. Là một người lính sống và chiến đấu ở những nơi ác liệt nhất, có quá nhiều kỷ niệm với nhân dân, với đồng đội khiến tôi không bao giờ quên và cũng không cảm thấy thanh thản được.

Tôi mắc nợ đồng bào và đồng đội tôi. Những người lính quân đội chúng tôi sống qua gian khổ, đói rét là nhờ có sự thương yêu đùm bọc của đồng bào, ở bất cứ nơi nào chúng tôi đặt chân đến. Khi tôi viết tiểu thuyết "Trở lại là em", tác phẩm được giải A cuộc thi viết về đề tài người phụ nữ làm công tác an ninh (NXB Công an nhân dân) tôi đã tưởng nhớ đến những người phụ nữ anh hùng với những hy sinh âm thầm trong chiến tranh. Họ là những người tôi đã gặp đâu đó trên đường hành quân, trong những ngôi làng thân yêu.

Rất nhiều đồng đội của tôi đã nằm xuống ngoài chiến trường. Một trung đoàn có khi hy sinh hết sau một trận đánh. Có người bạn vừa nói chuyện với mình xong đã im lặng vĩnh viễn. Rắn cắn, cây đổ, lũ cuốn... cũng có thể cướp đi sinh mạng người lính, đâu chỉ là đạn bom. Thỉnh thoảng đi qua một cánh rừng lại gặp một vài chiếc võng đang đung đưa, trên chiếc võng ấy là một bộ xương người. Anh lính nào đó trong khi làm nhiệm vụ bị thương, kiệt sức, đã chết như vậy. Lại có khi trên đường hành quân, tôi bắt gặp một ụ mối hình người... Cái chết chính là điều hiển nhiên và dễ dàng nhất trong chiến tranh. Hòa bình, có lúc ngồi lần giở những kỷ niệm chiến trường, tôi không bao giờ nghĩ, tôi, và nhiều nhà văn Quân đội khác, có thể nói được hết những hy sinh của đồng đội mình".

Năm 1972, nhà văn Vũ Thị Hồng bị thương ở chiến trường Quảng Nam trong một trận đánh quyết liệt. Chị bị một mảnh bom B52 xuyên qua bắp tay. Đồng đội chuyển chị về phía sau sơ cứu. Chị nhớ lại, khi tỉnh dậy, chị thấy bên cạnh mình là hai người lính nằm lặng im. Các anh đã hy sinh. Trở thành thương binh, nhà văn Vũ Thị Hồng được chuyển ra Bắc, chị về công tác tại NXB Quân đội nhân dân, Phòng Văn nghệ. Chính ở nơi này chị đã gặp nhà văn Chu Lai, biên tập những cuốn sách đầu tiên của anh và họ... nên vợ nên chồng.

Chị luôn luôn là độc giả đầu tiên của đức lang quân khi anh viết xong một tác phẩm mới. Chị góp ý, biên tập, sửa chữa, và cũng không kém phần hồi hộp khi nhìn ngắm đứa con tinh thần của anh đi vào đời sống văn học như thế nào. Về "ông chồng xù xì" Chu Lai, chị Hồng hóm hỉnh: "Nhiều người tưởng tôi dữ dằn và hay ghen với gã. Tôi đâu có ghen, thậm chí tôi còn "đánh bóng" cho hình ảnh các người đẹp của ông ấy đấy chứ. Chính ông ấy mới là kẻ hay bắt nạt vợ. Tôi hay đùa rằng, dòng họ nhà ông có truyền thống bắt nạt vợ. Lúc nào tôi cũng để cho gã thắng. Còn gã thì hay huênh hoang rằng gã có biệt tài biến vợ thành mẹ, để vợ có thể tha thứ cho những lỗi lầm của mình mỗi khi mắc phải. Thỉnh thoảng thấy gã trả lời phỏng vấn, nói về em này em kia, hoặc những mối tình xưa cũ, tôi lại bảo: "Ông hết chuyện rồi hay sao mà phải đem tình yêu ra bán đấy?".

Chúng tôi không giữ được thỏa thuận ban đầu, không nói chuyện về văn học. Vì ngẫm cho cùng, trong câu chuyện của một nhà văn, dù muốn hay không, vẫn luôn có một điểm tựa tất yếu, ấy là chuyện sống và viết. Tôi nhận thấy tình yêu đối với văn học nơi nhà văn, Đại tá Vũ Thị Hồng chưa lúc nào vơi cạn, cho dù, đã rất lâu rồi không thấy chị xuất hiện trở lại văn đàn. Lắng nghe những kỷ niệm trận mạc của một người lính, với những day dứt không nguôi về chuyện mất - còn của đời người nơi chị, tôi nghĩ, một ngày nào đó, khi đã bớt đi những bận rộn của một người làm công tác quản lý, nhà văn Vũ Thị Hồng tiếp tục ngồi vào bàn viết, và những mạch ngầm từ vốn sống dày dặn của một người lính đi qua chiến tranh lại tuôn chảy trên từng trang giấy.

Và biết đâu, khi đó, chính là nhà văn Chu Lai sẽ thay vợ giữ cho bếp lửa nhà mình luôn ấm áp, trong lúc nghỉ ngơi để tiếp tục hoài thai một tác phẩm mới?

Bình Nguyên Trang
.
.
.