Võ cũng cần giữ đạo

Thứ Sáu, 21/01/2005, 13:54

Võ thuật là môn thi đấu ưu thế của thể thao Việt Nam. Nhiều võ sĩ Việt Nam đã mang về cho Tổ quốc những huy chương quý giá. Thế nhưng, mải chạy theo thành tích, không ít HLV, VĐV quên việc chăm chút cho cái gốc võ đức, cái đạo thầy trò. Những sự kiện đau lòng xảy ra gần đây không chỉ làm vẩn đục tinh thần võ đạo mà còn cảnh báo sự xuống cấp của đạo thầy trò trong làng võ.

Y có y đức, võ có võ đạo. Bởi dù là y hay võ thì cũng là những "thuật" vừa có thể cứu người, vừa có thể giết người. Sẽ là không quá nếu như nói rằng, trong thế giới võ thuật có trăm môn, vạn phái khác nhau nhưng đều lấy võ đức làm gốc, đặc biệt là những môn võ có nguồn gốc châu Á. Thật vậy, trải qua hàng ngàn năm tuổi, người làng võ vẫn thuỷ chung lấy chân lý "Đức trước nghệ sau" làm khuôn vàng thước ngọc để răn mình và dạy dỗ môn sinh.

Trong võ đức, tôn thầy trọng đạo là một trong những yêu cầu hết sức nghiêm ngặt. Thậm chí, ảnh hưởng sâu sắc "chữ Lễ" trong tư tưởng Nho gia, ở một vài môn, vài phái, đạo thầy trò còn được xếp ngang với đạo cha con. Ngược dòng thời gian, trong xã hội cũ, khi làm lễ bái sư học võ, thì điều đầu tiên trong môn quy mà người học trò được dạy là cấm khinh sư, diệt tổ (phản thầy). Đơn cử như thời Minh ở Trung Quốc, trong "Mười điều cấm của môn sinh Thiếu Lâm", người ta có thể đọc thấy giới điều: "Đối đãi với thầy và những người trên phải kính cẩn, không được có hành vi chống trả hay ngạo mạn". ("Võ thuật thần kỳ"; tác giả Trịnh Cần và Điền Vân Thành; Kim Dao dịch).

Lan man chuyện xưa để nói chuyện ngày nay. Mới đây, làng võ Tp.HCM chấn động khi hai HLV Judo bị gia đình phụ huynh học sinh tố cáo là có hành vi nhũng nhiễu đòi quà cáp. Tất nhiên, hai người thầy võ khăng khăng phản biện lại những lời tố cáo. Người nói có, kẻ bảo không, thế là hai bên lôi nhau ra đối chất trước sự chứng kiến của những quan chức Liên đoàn võ thuật Tp. Hồ Chí Minh. Đúng, sai thì chưa ngã ngũ, nhưng rõ ràng là ở đây đạo thầy trò của làng võ đã bị tổn thương nặng nề. Judo, trong tiếng Việt gọi là "Nhu đạo". Vâng, đạo-có một chữ "đạo" trân quý, ai đó có biết chăng?

Không nghiêm trọng bằng, nhưng chuyện xảy ra ở một giải thi đấu võ thuật có quy mô thành phố gần đây cũng khiến không ít người cảm thấy bàng hoàng và chua chát cho đạo thầy trò thời nay. Chẳng là từ việc bất đồng với quyết định của tổ trọng tài về một trận đấu có VĐV của mình tham dự, một HLV (mà còn lại là HLV đội tuyển Quốc gia) đã lớn giọng cự nự đại diện của Ban Trọng tài là tại sao cứ xưng hô "mày, tao" với anh ta, "chẳng tôn trọng chút nào".

Thực ra "lỗi" là do lúc xưa, vị đại diện này từng là thầy huấn luyện anh ta ở đội tuyển cấp thành phố nên vẫn "lưu giữ" kiểu xưng hô "nóng nảy" với học trò mà không để ý là "người ta" đã trưởng thành "đủ lông, đủ cánh", "quyền lực" trong giới còn to hơn cả thầy. Tuy nhiên, "đệ tử" mà thẳng băng "bắt lỗi" sư phụ từ "lời ăn, tiếng nói" như vậy, quả thực khiến người yêu võ đau đớn khi nhớ lại lời dạy của cổ nhân: "Một chữ cũng là thầy, nửa chiêu cũng là thầy".

Những sự việc trên có thể chỉ là những hiện tượng "con sâu làm rầu nồi canh", nhưng cũng chẳng thừa nếu đặt ra câu hỏi: Liệu võ có còn là võ nếu linh hồn của võ là võ đạo đã bị mất đi

Bảo Hân
.
.
.