Vợ chồng Tư lệnh

Thứ Hai, 22/06/2009, 09:21
Hôm thanh toán công cho thợ, tiền hết, đồ đạc nhìn quanh chả còn gì đáng giá, mà thợ thì thích cái quần vải pho ông đang mặc. Ông ái ngại bảo: "Để tôi giặt sạch rồi mang sang cho anh", nhưng thợ vẫn cứ chắc lép đòi lấy ngay để tự mình mang về giặt. Nhìn chồng cởi cái quần đang mặc ra đưa cho thợ mà nước mắt bà không kìm được cứ trào ra.

Bà xởi lởi, dễ gần, dễ chuyện, đặc biệt hay nhắc về "hồi ấy". Mà mỗi khi nhắc về "hồi ấy", bà thường bị xúc động, miệng cười đấy mà nước mắt thì cứ chực trào ra. Tôi có cảm giác bà luôn luôn tìm cách giải phóng quá khứ mà vẫn chưa giải phóng xuể. Còn ông thì ngược lại, kiệm lời, gần như ngồi bất động cạnh vợ. Có một cái gì đó rất lạ toát ra từ ông, ở giọng nói đằm đằm, nằng nặng, ở cả phong thái ngồi ung dung, tự tin với cái nhìn thẳng thắn và nụ cười lành hiền. Ông là vị Tư lệnh nổi tiếng của Binh đoàn nổi tiếng trên đất Tây Nguyên. Một Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới của một Binh đoàn Anh hùng lực LLVTND trong thời kỳ đổi mới. Tôi đang nói tới Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang và vợ ông, bà Hoàng Thị Hồng.

Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang (thứ 2 từ trái sang).

Đất Quảng Bình sinh ra nhiều bậc kiệt hiệt. Dân Quảng Bình trọng nghĩa tình, ai cũng yêu quê, không chối quê mặc dù đất ấy nghèo quá, nghèo đến mức đôi khi cứ nghĩ nó là một mảnh của mặt trăng văng xuống. Mà cái xã Dương Thủy, Lệ Thủy của ông bà thì hình như là điển hình của tỉnh Quảng Bình.

- Nhà ông ấy nghèo, nhà tôi cũng nghèo - Bà Hồng kể thế khi tôi lân la hỏi, còn ông thì im lặng nhường lời cho vợ, tuồng như tiểu sử đời ông đã thuộc về bà - Nhưng nhà ông ấy khó khăn hơn nhà tôi. Mẹ ông ấy mất lúc ông còn quá bé, bà cụ mất vì kiệt sức khi đang đi mót sắn.

Ông trở thành đứa trẻ mồ côi mẹ khi mới 3 tuổi và cái ký ức tuổi thơ mờ nhòa còn đeo bám suốt cuộc đời ông. Năm 1969, ông nhập ngũ, được phiên vào Tiểu đoàn 219, tỉnh đội Quảng Bình, một thời "ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam". Phần lớn thời "đầu xanh tuổi trẻ" của ông là dành cho trận mạc. Hết phơi mình ra đánh nhau ở Cửa Việt trắng cát lại quần xà lỏn, ba lô kệnh lưng, AK khoác dọc thân, gậy cầm tay, giong ruổi cả dải Trường Sơn.

Mới "tí tuổi đầu", như cách nói âu yếm của bà, ông đã làm tiểu đội trưởng, một tiểu đội trưởng thuộc loại gan cóc tía, chả biết sợ là cái chi. Những người còn sót lại trong đơn vị ông ai cũng nhớ cái lần tiểu đội trưởng Nguyễn Xuân Sang nộ khí xung thiên "tay bo" với một thằng địch to gấp rưỡi mình. Ấy là sau ngày ký hiệp định Paris, những cuộc đọ súng, đánh thọc sâu, đánh úp đầy khốc liệt kết thúc, hai bên dàn quân cắm cờ đường phân giới. Nhưng rồi bên Việt Nam Cộng hòa giở trò tháu cá, gây hấn, thi thoảng lại di cờ lấn sang ta. Ông nóng tiết lắm nhưng lệnh trên bắt phải điềm tĩnh, chỉ được phép nhắc nhở bên kia, tuyệt không được manh động.

Lần ấy cái tay to cao như con gấu, mặc quần cộc, áo may ô, ngang nhiên vác cờ định cắm lấn sang ta. Ông quặc hắn thì hắn lầu bầu: "Ông lớn biểu tui cắm thì tui cắm, chứ tôi biết chi mô". Ông quát: "Bảo ông lớn của mày ra đây nói chuyện". Tay lính chày cối khoát tay ra sau: "Ông lớn ở tít trên, làm sao mà gọi được". Đôi co một hồi, tay lính vẫn cứ cắm lấn sang. Ông bỏ súng lại, lao lên "uýnh lộn" với hắn. Chả hiểu thế nào mà ông hạ được cái tên to cao gấp rưỡi mình, quật hắn xuống, giần cho một mẻ nên thân. Từ đấy bên Việt Nam Cộng hòa không dám ho he vác cờ lấn sang nữa. Bà bảo tôi:

- Lần nghe anh Vưu tiểu đội phó thời ấy đến nhà chơi kể lại chuyện này bằng cái giọng tỉnh khô, như kể lại chuyện hai đứa nhỏ đánh lộn mà tôi cứ vã hết cả mồ hôi, dù vẫn biết đó chỉ là kỷ niệm của mấy chục năm trước. Chẳng may ông ấy thua, bị chúng nó bắt thì chắc đời này kiếp này bọn tôi không có duyên gặp được nhau.

Từ nãy, ông nhấm nháp ly rượu, lắng nghe, vẻ mặt không thay đổi, cứ bình lặng vậy, bình lặng như đó đúng là chuyện hai đứa nhỏ đánh lộn. Sau rồi ông phẩy tay đùa:

- Chính vì có duyên cho nên tôi mới thắng được cái thằng to con ấy để sau này tôi với bà gặp nhau đấy thôi.

Bà im lặng, đặt tay lên vai ông, nhìn bâng quơ ra ngoài. Không khí im ắng, lâu lâu mới lọt vào tiếng người qua đường, rời rạc, thưa thoảng. Chỉ bằng cảm giác, tôi vẫn biết trong trùng trùng bóng tối vây bủa, những dòng nhựa cao su đang chảy, bền bỉ, kiên nhẫn và xả thân. Những cây cao su của Binh đoàn ông đang xanh mướt mát, đang tận hiến sức lực của mình cho dải đất bazan bốc lửa này.

- Thời đó ai cũng thế cả, không xả thân thì làm sao đất nước giải phóng được - ông rủ rỉ nói - Chỗ nào có địch là tới đánh, đánh suốt, hầu như chẳng hình dung được ngày về. Mà dạo ấy tất cả đều xác định là sẵn sàng hy sinh bất cứ lúc nào.

- Hy sinh thế nào được - Bà lại phản đối một cách nghiêm túc - ông hy sinh thì tôi bỏ đi mô?

Ông lại cười hiền khô. Dạo ấy ông còn là một chàng lính trẻ, lầm lì, kiệm lời, suốt ngày chỉ biết đến trận mạc. Sau ngày đất nước giải phóng, đơn vị ông lại tiếp tục truy quét FULRO, rồi sang Lào làm nhiệm vụ. Cái chuyện ông với bà gặp nhau rồi nên vợ nên chồng cũng hơi kỳ kỳ. Ông về phép, có người bạn hỏi: Đã dấm được đám nào chưa? Ông lắc đầu. Người bạn bảo: Tao có con em họ, tao dắt mày qua xem mặt, nếu ưng thì để tao làm mai làm mối cho.

Bà nhớ, hôm ấy đang giảng bài cho học sinh thì thấy các em cứ nghển hết ra ngoài cửa sổ, cô giáo Hoàng Thị Hồng cũng tò mò ngó theo, chỉ thoáng thấy hai người đàn ông cùng mặc áo trắng, sơ vin, đi xe đạp qua. Hết giờ dạy, cô giáo Hồng về thì thấy ông anh họ mình cùng một chàng trai lạ mặt đang ngồi nói chuyện với mọi người trong nhà. Khi đó trông anh chàng Nguyễn Xuân Sang vừa hiền vừa là lạ. Họ cũng chỉ nói với nhau dăm ba câu thăm hỏi xã giao.

Sau đó vài tuần cô giáo Hồng nhận được một lá thư, không đề tên người gửi. Cô tò mò đọc, thấy nội dung cũng bâng quơ, "hoa lá cành". Mới 17 tuổi, cô giáo Hồng chưa biết yêu đương là cái chi mô nên mang lá thư đó qua hỏi bà chị, thì bà chị bảo: Thư của thằng Sang chứ của ai nữa. Có tới 6 lá thư viết cho cô giáo Hồng mà không đề tên người gửi như thế. Cô im lặng, đến lá thư thứ 7 mới trả lời.

Sau rồi khi gặp lại, cô trách tại sao gửi thư mà không đề tên người gửi thì chàng lính Nguyễn Xuân Sang thật thà bảo: Không đề tên người gửi mà tìm ra là ai gửi mới giỏi. Họ yêu nhau và thành vợ thành chồng năm 1976.

- Lấy nhau được đúng 6 ngày, 6 ngày chứ không phải 60 ngày đâu - Bà nhắc lại rõ ràng-ông ấy đã khoác ba lô theo đơn vị sang Lào công tác.

Ông đi hơn 2 năm sau mới trở về, khi ấy đứa con đầu lòng của họ đúng 2 tuổi. Bà nội láu lỉnh bảo: "Khi mô thằng Sang về thì cứ nói là con của hàng xóm qua chơi, xem nó có nhận ra không". Bà nội đùa hôm trước, hôm sau ông lù lù khoác ba lô về. Bà nội mừng quá, cuống quýt, buột miệng: "Bố con bé về rồi". Ông ôm lấy con mà nó khóc ré lên vì nghĩ bị một người lạ ôm. Ông dốc sức làm một căn nhà khang trang cho vợ con, có bao nhiêu tài sản đem bán hết để dồn vào ngôi nhà. Quần áo của ông cũng bán sạch, vậy mà còn thiếu.

Hôm thanh toán công cho thợ, tiền hết, đồ đạc nhìn quanh chả còn gì đáng giá, mà thợ thì thích cái quần vải pho ông đang mặc. Ông ái ngại bảo: "Để tôi giặt sạch rồi mang sang cho anh", nhưng thợ vẫn cứ chắc lép đòi lấy ngay để tự mình mang về giặt. Nhìn chồng cởi cái quần đang mặc ra đưa cho thợ mà nước mắt bà không kìm được cứ trào ra. Đó là khoảnh khắc không bao giờ bà quên được, và đó cũng là khoảnh khắc bà nhận ra rằng họ không thể thiếu nhau ở đời này, kiếp này.

Căn nhà dựng xong, ông ở đúng 19 ngày, lại khoác ba lô về đơn vị. Nhưng trời già khéo bày trò thử lòng người, chỉ hơn năm sau, cơn bão lớn tràn qua đã dọn sạch ngôi nhà đó. Ông về, thấy nhà mình như vừa bị trúng bom rải thảm, tan hoang, tơi bời, vợ và mấy đứa con nhỏ thì đang túm tụm bên nồi cơm độn khoai ở cạnh đống đổ nát ngổn ngang ấy. Ông chỉ biết lẳng lặng ôm đứa con nhỏ nhất chạy nhanh ra sau chuồng lợn và lén lau nước mắt.

Năm 1985 được điều về công tác tại Binh đoàn 15 vừa thành lập ở Tây Nguyên, ông quyết định chuyển gia đình vào theo. Buổi đầu lên đây, cuộc sống túng thiếu đủ thứ, đến sắn ngô cũng hiếm, phải dè sẻn từng bữa. Bà xắn tay áo lên, làm nương làm rẫy cùng bà con dân tộc, rồi nuôi lợn, rồi buôn bán... đại khái xoay xở đủ kiểu để chèo chống cho gia đình.

Rảnh việc cơ quan ông lại tranh thủ giúp bà, khi thì đèo hàng, khi thì cho lợn ăn, khi lo tắm rửa cho mấy đứa nhỏ. Bất cứ lúc nào có thể đỡ được cho bà là ông đỡ, không nề hà, không một lời ca cẩm. Ngay cả khi lên đến chức Chủ nhiệm Chính trị Binh đoàn, công việc bộn đầu mà ông vẫn tranh thủ thời gian đi bỏ mối hàng cho bà.

Hàng chục năm trời chưa bao giờ vợ chồng ông bà đón giao thừa ở nhà mình, toàn phải đón ngang đường. Bà làm chân phân phối hàng, đến tối 30 mới gom đủ tiền của các mối nhỏ lẻ, sau đó lại đem nộp ngay cho đại lý chính. Trước khi ra khỏi nhà, lần nào vợ chồng cũng nhủ cố về kịp đón giao thừa cùng các con nhưng lần nào cũng mới được nửa đường đã thấy pháo nổ, súng bắn ran trời ran đất. Khi các gia đình sum vầy chúc tụng nhau thì hai vợ chồng ông còn chầy trật ngoài đường với chiếc xe máy cà tàng.

Ông thú nhận với tôi, những lúc ấy trong ông đầu cứ lởn vởn ý nghĩ: Cả cuộc chiến dằng dặc mình không dính viên đạn nào, khéo giờ lại dính phải cú đạn hân hoan đón năm mới của ai đó. Nhưng đấy là ý nghĩ thầm kín, không thổ lộ với vợ vì sợ bà hoang mang. Chỉ khi lên đến chức Phó Tư lệnh thì ông mới không đi bỏ mối hàng cho vợ nữa. Xem ra đường đường một Phó Tư lệnh mà lam lũ đi bỏ mối hàng có vẻ không ổn. Thế là đành thôi, chứ thực ra ông rất muốn tiếp tục giúp bà.  

- Hồi ấy cực quá chừng là cực.

Bà than lên, giọng vời vợi. Ông đỡ lời bà, nói rằng cực thế đã thấm tháp gì với bao nhiêu người khác. Luôn luôn ông tâm niệm: Mình còn nguyên vẹn bước ra khỏi cuộc chiến đã là hạnh phúc lắm rồi, không so bì nhìn ngó làm gì nữa. Cứ thế mà làm việc, cứ thế mà sống thôi, được bao nhiêu cũng là quá lãi so với những đồng chí, đồng đội đã vĩnh viễn nằm xuống. Mà số bạn bè ông ngã xuống thì nhiều hơn số bước ra khỏi lửa đạn cùng ông.

Sau bao thăng trầm, ông rút ra cho mình một điều: Cái giá trị nhất chính là tình nghĩa. Vì tình nghĩa mà ông, trên cương vị Tư lệnh, đề ra công thức: suối - dân - bộ đội. Nghĩa là từ mép suối trở lên 100 đến 150m là đất tốt, lại gần nước, thì dành cho dân sản xuất, bộ đội thì ở vòng ngoài. Cái công thức đó rồi sẽ trở thành một thứ huyền thoại mới tô điểm thêm cho vẻ đẹp bất tuyệt của hình ảnh người lính Cụ Hồ thời bình. Không thể phủ định được rằng chính ông và Binh đoàn của mình đã góp công lớn trong việc tái sinh cho cả một vùng đất Tây Nguyên mênh mông, hùng vĩ nhưng từ lâu xơ xác vì chiến tranh và đời sống cổ hủ, lạc hậu.

Nhân nhắc đến biến cố năm 2004, bà "tố cáo" ông là người liều lĩnh. Tôi không nghĩ ông liều lĩnh mà cho rằng ông can đảm thì đúng hơn. Năm 2004, khi hàng chục nghìn bà con dân tộc do hiểu lầm mà tiến về thị xã Pleiku khiến nhiều người hoang mang lo sợ. Vậy mà ông dám xuất hiện giữa đám đông.

Trước khi đi, lái xe đã cẩn thận tháo biển số đỏ, lắp biển số dân sự để tránh mọi kích động. Ông không đồng ý, ra lệnh lắp lại biển số quân sự, mặc quân phục chỉnh tề để đi gặp người dân. Ông bảo: "Mình là quân đội của dân, phục vụ nhân dân, mình xuất hiện công khai, đàng hòang để bà con thấy và nói chuyện thẳng thắn, tình cảm, việc gì khuất tất mà phải thay biển số, mặc áo quần dân sự".

- Mấy mẹ con tôi ở nhà, nghe người quen trên thị xã gọi điện thoại tả "xe của ông Sang đang đi giữa đám đông" mà tim cứ thắt lại vì lo lắng.

Rồi mọi chuyện cũng đâu vào đấy, hiểu lầm được giải tỏa. Những người dân có mặt trong cuộc tụ tập trái phép ấy vẫn nhớ hình ảnh vị Tư lệnh Binh đoàn bình tĩnh, đĩnh đạc và chân thành đứng giữa họ ngày hôm đó. Bây giờ, người dân tộc nào cũng coi "tướng Sang" là anh em của mình, đơn giản vì ông chịu khó xuống làng bản thăm hỏi, trò chuyện với họ.

Ông thuyết phục họ bằng cái tình, không phải bằng lý. Nói lý với người dân tộc xem ra không vào, nhưng cái tình thì dễ lay động, chuyển đổi con người ta hơn. Trong dịp về dự hội nghị các già làng trưởng bản ở Tây Nguyên, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có đến thăm nhà riêng của ông bà và căn dặn làm sao để tình nghĩa giữa bà con dân tộc với Binh đoàn ngày càng chặt chẽ, thắm thiết hơn, quả thực đã khích lệ, động viên ông rất nhiều.

- Không có tình nghĩa, không làm được cái chi cho ra hồn hết. Không có tình nghĩa, con người ta không thể cất mình bay cao lên được.

Ông điềm tĩnh nói với tôi, vẻ tâm đắc. Khi tôi hỏi bà chọn phần nào ở ông, một người chồng hay một người anh hùng thì bà cười, nắm chặt tay ông, hóm hỉnh đáp:

- Tôi chỉ dám sở hữu phần chồng, phần cha trong ông ấy, còn phần Tướng tá, Tư lệnh hay Anh hùng chi đó thì là của Binh đoàn, tôi không dám động tới.

Đã khuya, rời khỏi nhà ông bà, lòng tôi bâng khuâng. Tôi nghĩ hành trình của vợ chồng ông bà chính là hành trình của nghĩa tình giữa con người với con người

Nguyễn Bình Phương
.
.
.