Vở “Đứa con tôi”: Day dứt về số phận con người

Thứ Bảy, 23/07/2005, 07:49

Không phải những tình tiết lãng mạn đến mộng mị, cũng không phải khúc tao loạn lâm ly, vở kịch "Đứa con tôi" (tác giả: Sĩ Hanh; đạo diễn: Nguyễn Văn Bộ; Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Thái Nguyên dàn dựng) chỉ là một câu chuyện dung dị như vô vàn chuyện đời thường, mà cứ lắng lại nơi người xem bao suy tư, ngẫm ngợi.

Chuyện kịch ngay lập tức cuốn hút người xem vào nỗi xót xa, thương cảm với cảnh mở đầu là một bé trai lang thang đi tìm mẹ. Bị bỏ rơi từ lúc mới vài ngày tuổi, nên em khát khao tình mẹ đến cháy bỏng. Được giới thiệu về bác Đức, một chiến sĩ Công an rất thương người và có thể sẽ giúp em tìm được mẹ, trí óc non nớt của cậu bé 10 tuổi nghĩ rằng, cách tốt nhất để gặp được bác là bị bắt. Thế là nó cướp món đồ chơi trên tay một cô bé - con của vợ chồng ông giáo sư. Bà vợ giáo sư xô lại đánh thằng bé. Ngay sau đó, bà sững sờ nhận ra nó chính là đứa con bà đã dứt ruột đẻ ra từ câu chuyện tình lầm lỡ hơn 10 năm trước. Xót xa, nhưng bà đành lòng quay đi trước số phận đứa trẻ, chỉ vì sợ gia đình tan nát.

Hoàn cảnh bất hạnh của thằng bé cứ day dứt Thiếu tá Đức. Anh đã mở vòng tay nhân ái nuôi dạy đứa trẻ tội nghiệp, dù "trong nhà chẳng có gì đáng giá", và còn cố gắng tìm cha mẹ cho em. Trớ trêu thay, mất bao công sức mới biết được cha em là một giám đốc, thì ông này, vì thói ích kỷ, đã từ chối giọt máu của mình. Khó khăn lắm mới tìm ra mẹ của em, nhưng bà cũng không dám nhận con. Không đành lòng nhìn giấc mơ về mái ấm gia đình đổ vỡ trong lòng cậu bé, Thiếu tá Đức đến gặp vị giáo sư. Tấm lòng nhân ái của người chiến sĩ Công an đã lay động tình cảm của vị giáo sư, để ông bao dung đón đứa bé về nuôi: "Tôi đã từng là đứa trẻ. Nên tôi biết, tôi hiểu cháu nó cần gì. Đó là mái ấm gia đình!".

Vở kịch kết thúc có hậu trong cảnh gia đình sum vầy như ao ước bao năm của cậu bé, khiến người xem hài lòng mà vẫn phải ngẫm ngợi. Không chỉ là thông điệp cần mang lại hạnh phúc cho trẻ thơ, mà nhiều vấn đề xã hội đặt ra từ vở kịch. Nói như nhà biên kịch Sĩ Hanh: "Mỗi câu chuyện đều có bao điều lớn lao để suy ngẫm". Tình người mãi là dư vị ngọt ngào nhất trên đời, để người ta tin yêu mà sống. Trách nhiệm bảo vệ, giúp đỡ trẻ em không chỉ riêng của lực lượng Công an, mà của toàn xã hội và tế bào đầu tiên là gia đình. Đừng bao giờ bỏ rơi những đứa trẻ vô tội.

Không ồn ào, Đứa con tôi của Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Thái Nguyên đã mang đến Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp năm 2001 ở Nam Định một góc nhìn mới về cuộc sống và con người, và ngay lập tức, được giới chuyên môn đánh giá cao. Đức Lợi (vai Thiếu tá Đức) và Ánh Thiệp (vai bé trai) đoạt Huy chương vàng, ngoài ra, còn 3 Huy chương bạc dành cho các diễn viên khác. Riêng Đức Lợi, ngoài Huy chương vàng, anh còn nhận được giải thưởng của Bộ Công an cho vai diễn Công an hay nhất, giải thưởng của Báo Nhân dân và của Công an Nam Định. Đạo diễn Nguyễn Văn Bộ đã được trao giải Đạo diễn trẻ.

Bước vào Liên hoan sân khấu lần này, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Thái Nguyên tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng để vở diễn được xứng tầm. Chủ đề được làm rõ hơn qua các tuyến kịch logic, chặt chẽ và nhân văn. Bằng lối biểu cảm tâm lý tinh tế và chân thực, kỹ thuật bứt phá và đài từ đẹp, Đức Lợi tiếp tục chinh phục người xem qua tấm lòng nhân ái của Thiếu tá Đức, trong từng hành động, lời nói. Trước một đứa bé bụi đời, người đàn ông trải nghiệm này đã nhìn thấu khát khao tình cảm của em và nguyên nhân đưa đẩy em vào con đường phạm tội, để bao dung trước lỗi lầm và để thương yêu em nhiều hơn. Đó là điều giúp khán giả tin và yêu hơn hình tượng người Công an.

Như nhiều vai diễn từng đảm nhiệm, lần này, nhân vật bé trai của Ánh Thiệp lại gây xúc động cho khán giả. Sự hóa thân đến tận cùng của Thiệp thực sự đánh thức sự xa xót của người xem trước số phận cậu bé bụi đời, để nhận ra rằng, nỗi bất hạnh của cậu đâu chỉ là vấn đề của một gia đình, mà là của cả xã hội: "Thật ra cháu muốn làm người tử tế lắm chứ. Nhưng mà ai cho? Mới 8 tuổi đầu cháu đã bị quăng ra ngoài hè phố. Với cái tuổi ấy cháu biết làm gì?…".

Xuất hiện không nhiều nhưng NSƯT Văn Tiến đã lột tả thành công bản chất đê tiện của gã Giám đốc trước số phận của đứa con ruột, làm nên nút thắt đầy kịch tính cho vở diễn.

Chia tay với chúng tôi vào thời điểm Liên hoan sân khấu đang ở rất gần, đạo diễn Nguyễn Văn Bộ, Phó trưởng Đoàn Nghệ thuật tổng hợp Thái Nguyên tâm tình: "Liên hoan lần này là một sân chơi mà Ban tổ chức đã tạo cho các nghệ sĩ thể hiện tài năng. Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ càng để tự tin bước vào Liên hoan với tư cách một đoàn nghệ thuật địa phương miền núi. Nhất định chất lượng vở diễn sẽ hơn trước"

Ngô Thanh Hằng
.
.
.