Vĩnh biệt người đưa hình ảnh Bác Hồ đến đồng bào miền Nam

Thứ Sáu, 14/08/2009, 09:23
Với những người hiểu sâu hoặc hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh thì Nguyễn Thế Đoàn là niềm tự hào của ngành. Với những kẻ "ngoại đạo" như chúng tôi thì cái tên Nguyễn Thế Đoàn chỉ được biết đến trong thời gian gần đây, khi câu chuyện về những thước phim đầu tiên về cuộc sống sinh hoạt đời thường của Bác Hồ do ông thực hiện thời trai trẻ bắt đầu gây xôn xao dư luận. Cũng nhờ đó, tôi có may mắn được gặp ông…

Khi ấy, trong căn nhà nhỏ yên bình trên con phố Tôn Thất Tùng, TP HCM, ông vẫn còn vui vẻ "khoe" rằng, ở cái tuổi 99 này mà mỗi ngày ông không đọc 3 tờ báo là trong người bứt rứt khó chịu. Ông vẫn tỉnh táo, minh mẫn và sẽ còn sống vui, sống khỏe như thế vài chục năm nữa.

Bí quyết trường thọ của ông rất đơn giản: ít sân si với đời chừng nào tốt chừng ấy. Thế nhưng, trời không chiều lòng người. Chỉ chưa đầy một tháng sau đó, chúng tôi lại bàng hoàng nhận tin ông đã đột ngột ra đi. Chị Thu Lan, con gái út và cũng là người cận kề với ông những năm cuối đời cho biết: Ông cụ ra đi rất thanh thản, cứ như thể người ta nằm ngủ vậy. Có lẽ đó cũng là cái "phúc" của ông…

Còn nhớ, do có chút nhầm lẫn khi chuyển tải thông tin về thời gian xin hẹn gặp nên phải sau gần một tiếng đồng hồ, chúng tôi mới kịp tới nơi. Chị Thu Lan, con gái út của ông Nguyễn Thế Đoàn phải thuyết phục rất lâu ông mới chịu vào trong nghỉ. Chị cho biết, tính ông xưa nay vẫn thế. Thương con, quý cháu nhưng rất nghiêm khắc, đặc biệt là tuân thủ về mặt giờ giấc trong sinh hoạt lẫn công việc. Ông không cấm đoán con cái làm gì nhưng muốn làm thì phải hỏi ý kiến đàng hoàng, đi đâu, làm gì, thời gian bao lâu phải rõ ràng.

Trước đây như thế, cho đến nay, chị đã ở cái tuổi xế chiều cũng vẫn phải tuân thủ nguyên tắc ấy. Đi quá giờ về là y như rằng ông cụ gọi điện, hỏi cặn kẽ mới chịu thôi. Gần đây, sức khỏe ông đã yếu, ít đi lại chứ trước đó, ông vẫn một mình đạp xe lọc cọc đi về, làm cầu nối cho các buổi sinh hoạt của hội điện ảnh người cao tuổi thành phố. Sau này, không còn sức đi lại xa, ông mới chịu ở nhà nhưng cũng ít chịu ngồi yên mà lại dồn tâm sức chăm sóc "vườn" cây kiểng trong nhà.

Gọi là "vườn kiểng" nhưng thực ra đó chỉ là khoảng không nhỏ bên cạnh khu vực chuyên dành cho chuyện bếp núc của gia đình. Căn nhà của người lão thành cách mạng cũng thật đơn giản.

Nếu không có mấy bức ảnh ông Nguyễn Thế Đoàn thời trẻ đang quay phim Bác Hồ treo trên tường, có lẽ không ai nghĩ rằng đây lại là căn nhà của một trong những người đầu tiên góp phần xây dựng nền điện ảnh Nam Bộ.

Những kỷ vật nhắc nhớ về những tháng ngày hoạt động trong ngành Điện ảnh của ông cũng hoàn toàn vắng bóng. Những sáng kiến cải tiến kỹ thuật in tráng phim từng khiến không ít đồng nghiệp của ông khâm phục một thời nay chỉ còn thấp thoáng đâu đó trong đôi ba câu chuyện ông kể cho con cháu hay mỗi khi hàn huyên với bạn bè, đồng nghiệp. Dường như Nguyễn Thế Đoàn không giữ và chưa hề giữ chút gì làm của riêng.

Đôi lúc, con cháu có cật vấn, ông cũng chỉ cười cười rồi bảo: Đó là nhiệm vụ tất nhiên mà ông cần phải làm. Có ích cho nhà nước thì nhà nước giữ lại, không hữu ích nữa thì thôi.

Là một trong những người đặt "viên gạch" đầu tiên xây dựng nền điện ảnh Nam Bộ nhưng cho đến ngày cầm quyết định nghỉ hưu, Nguyễn Thế Đoàn mới chỉ giữ chức vụ Trưởng phòng kỹ thuật cho một hãng phim. Ông lặng lẽ rời xa phố xá, về lại Vũng Tàu, tìm một mảnh đất bình yên và vắng vẻ, ăn chay trường, ngày ngày trồng cây, hoa cỏ, bốc thuốc chữa bệnh giúp người nghèo. Chỉ đến khi con cái có nhu cầu học hành trên thành phố, ông mới lại cặm cụi gõ cửa khắp nơi để xin lấy một căn nhà trên phố làm nơi sinh sống cho cả gia đình.

Ngay cả khi những thước phim ông kỳ công thực hiện về Bác Hồ góp phần làm nên tên tuổi cho một số đồng nghiệp, được hàng trăm hãng thông tấn trong và ngoài nước sử dụng trong khi tên tuổi người thực hiện chúng lại gần như bị quên lãng, bạn bè đồng nghiệp bất bình lên tiếng, ông cũng chỉ một mực im lặng.

Vợ con hỏi chuyện, ông cũng lại bảo: Đó là nhiệm vụ ông may mắn được nhận. Hình ảnh của Bác đến được với đồng bào miền Nam ngày ấy, nghĩa là ông đã hoàn thành nhiệm vụ của mình. Phim được yêu thích, được sử dụng nhiều trong ngày hôm nay chỉ là sự chứng tỏ những cố gắng của ông là xứng đáng.

Trao đổi về Nguyễn Thế Đoàn, hầu như tất cả những người biết ông, từ bạn bè, đồng nghiệp cho đến người thân đều có chung một nhận xét: Suốt cả cuộc đời, ông chỉ biết tập trung chăm chút cho những "đứa con" của điện ảnh, gần như không màng những chuyện hơn thua.

"Không sân si", sống vui, sống khỏe, sống có ích cho đời, đó là tôn chỉ sống, là bài học ông luôn nhắc đi nhắc lại cho con cháu lúc cuối đời nhưng đó cũng là bài học quý cho các lớp thế hệ nghệ sĩ trên con đường nghệ thuật hôm nay và mai sau

N.H.
.
.
.