Vĩnh biệt một phận đời sử thi ở đại ngàn Tây Nguyên

Thứ Hai, 01/09/2008, 17:20
Hay tin thầy giáo Điểu Kâu - một nghệ nhân, dịch giả bậc thầy về sử thi M'Nông đã ra đi về cõi vĩnh hằng rạng sáng 28/8, tôi cùng nhiều đồng nghiệp ở Tây Nguyên thật xúc động và nhớ tiếc đến ông. Xin bày tỏ lòng kính trọng của mình với người nghệ sĩ tài hoa đặc biệt ở Tây Nguyên này qua bài viết như một nén hương tâm linh tiễn biệt một phận người, một phận đời sử thi…

Dù cái nghèo và sự bất trắc cuộc đời luôn đeo đuổi, bám riết nhưng ông vẫn sống trọn nghĩa tình với sử thi M'Nông. Ông là nghệ nhân Điểu Kâu, người con M'Nông của núi rừng Tây Nguyên đại ngàn.

Cả cuộc đời ông, từ khi sinh ra cho đến khi phải từng ngày chống chọi với căn bệnh nan y ung thư phổi về phút cuối đời, lúc nào ông cũng nhớ, cũng nghĩ đến sử thi M'Nông.

Những ngày nằm ở Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh trong cảnh đau thương khó tả nhưng ông vẫn mang theo "hồn" sử thi M'Nông mọi lúc mọi nơi. Lúc ngấm thuốc, đỡ mệt là ông ngồi dậy đọc dịch ca dao, sử thi M'Nông...

Những ngày lặng thầm chịu đựng trong bệnh tật nghiệt ngã ở cuối đời nghèo khó, Điểu Kâu cũng thật nhớ món quà của Báo CAND mang đến cho mình khi nằm bệnh viện tại TP HCM. Cũng nhờ báo chí, nhiều người được biết đến ông lâm bệnh và giúp đỡ, sẻ chia một phần khó khăn…

Hồi còn sống, Điểu Kâu có lần kể với tôi, khi ông còn thiếu niên, nghe hát sử thi ở bon có thể nhịn ăn 3 ngày vẫn không thấy đói. Nhà Điểu Kâu cả thảy có bốn anh chị em, ai cũng mê sử thi M'Nông, mỗi lần cha mẹ hát thì cả nhà hát theo, kể theo.

Đêm đêm bên ánh lửa hồng rực rỡ, cùng ché rượu cần M'Nông thật nồng ấm, cả gia đình Điểu Kâu thay phiên nhau say sưa với những câu sử thi của dân tộc mình cho bà con trong bon thưởng thức với niềm tự hào dân tộc.     

Cuốn sách sử thi M'Nông đầu tiên ra đời mang tựa đề "Sử thi cổ sơ M'Nông" do Đỗ Hồng Kỳ và Điểu Kâu đứng tên, thực chất là do Điểu Kâu dịch. Cuốn sách đầu tiên gắn với bao mồ hôi và nước mắt ra đời đã mở ra cho "các nhà nghiên cứu" một dự án sưu tầm, nghiên cứu sử thi M'Nông với nguồn kinh phí khổng lồ hàng chục tỷ đồng. Nhưng không ai khác, người dịch cũng là Điểu Kâu.

Từ năm 2001 dự án ra đời, Điểu Kâu đã dịch, in hàng chục tập sách vừa được ra mắt công chúng tại TP HCM đầu tháng 12 năm vừa qua. Năm 2003, Điểu Kâu được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Văn hóa dân gian. Điểu Kâu cũng là người có công lớn trong việc đưa tiếng dân tộc M'Nông lên sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam 8/2006.

Điểu Kâu tâm sự rằng, sử thi, dân ca, ca dao M'Nông không biết bao giờ mới cạn nên ông còn sống ngày nào là dịch thêm những trang mới. Ngoài ra, Điểu Kâu còn dịch cho Sở Văn hóa Thông tin Đắk Lắk xuất bản các tập sách sử thi như: "Cây nêu thần", "Mùa rẫy bon Tiăng", "Bán tượng gỗ" và hàng ngàn trang sử thi khác mà Sở đang lưu giữ. Ông đã làm việc hết mình cho đến ngày đang cận kề cái chết vì niềm đam mê sử thi M'Nông mà không cần tiền bạc, không cần danh vọng, tiếng tăm...

Ông mất khi ở tuổi 74, trong tay còn dở dang hàng chục bộ sử thi M'Nông chưa dịch xong và hiện vẫn chưa tìm ra người thay thế. Ông vĩnh viễn trở về với cõi vĩnh hằng trong niềm thương tiếc của nhiều người dân Tây Nguyên và cả nước

Ngọc Như
.
.
.