Vĩnh biệt họa sỹ Mai Văn Hiến, người CTV một thời thân thiết của những người làm báo Công an

Thứ Sáu, 12/05/2006, 13:17
16h5’ ngày 8/5, hoạ sĩ Mai Văn Hiến (sinh năm 1923) sau thời gian dài lâm trọng bệnh, mặc dầu được gia đình và các bác sĩ tận tình chạy chữa, đã từ trần tại nhà riêng ở 65 Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Ông là họa sĩ tham gia cách mạng từ tháng 8/1945, từng được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 năm 2001... Lễ viếng họa sĩ Mai Văn Hiến được bắt đầu từ 7 giờ 30 phút ngày hôm nay, thứ sáu 12/5 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Gương mặt luôn luôn hằn lên những vết nhăn như thể lắm ưu tư đối với nhân gian nhưng lại chẳng bao giờ rời nụ cười hồn nhiên, có vẻ gì như hài hước trên môi - đó là điều mà tôi nhớ nhất về họa sĩ Mai Văn Hiến ngay từ lần đầu được trực tiếp gặp ông tại căn nhà ở 65 phố Nguyễn Thái Học.

Khi đó, vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, tôi là một phóng viên trẻ măng của Báo Quân đội nhân dân, cùng mấy bạn đồng nghiệp mặc áo lính tới để định bàn với nhà văn Nguyễn Đình Chính, con rể ông, về dự định chung tay làm một ấn phẩm thật "hoành tráng" từ trước tới nay chưa bao giờ có (!) Đã bàn việc thì tất nhiên là phải có rượu. Chúng tôi đang chén chú chén anh với nhau và thi đua tung ra "những lời có cánh" thì ông xuất hiện, dáng điệu vừa rất khoan dung vừa như hơi hơi giễu cợt... Con rể quý của ông mời ông nâng ly. Ông uống một hơi hết ngay và lại nở nụ cười...

Tôi cứ ngẩn ngơ mãi, thì ra người họa sĩ cực kỳ tên tuổi mà thuở bé tôi đọc trong sách báo và vẫn hình dung như một nhân vật không phải của thời nay hóa ra lại gần gũi, giản dị và "đời" đến thế (ngày nhỏ, không hiểu do đọc phải những sách gì mà suốt một thời gian dài, tôi không thể nào tin được rằng những tên tuổi của nền văn nghệ Việt Nam lừng lẫy một thời như họa sĩ Mai Văn Hiến lại có thể cũng chỉ là những người trông bên ngoài rất bình thường như chính những người ở quanh tôi thôi...) Và tôi đã cảm thấy rất hạnh phúc khi người hoạ sĩ tài danh ấy đã nói chuyện với tôi đầy tôn trọng và cởi mở, chỉ vài ba câu thôi mà ông đã giúp tôi cảm thấy mình như "cùng hội, cùng thuyền"...

Sau này, tôi đã không chỉ một lần được gặp họa sĩ Mai Văn Hiến, thường là vào những dịp lễ lạt của Báo Quân đội nhân dân. Hoá ra ông cũng là một trong những "trưởng lão" của làng báo quân đội: ông từng làm hoạ sĩ cho tờ Vệ Quốc quân ở chiến khu Việt Bắc. Trong đội ngũ những người làm báo Quân đội nhân dân đầu tiên thời kháng chiến chống Pháp cũng có họa sĩ Mai Văn Hiến...  Đóng góp của ông về mặt mỹ thuật cho các ấn phẩm đầu tiên của làng báo quân đội là rất quan trọng.

Vừa làm báo, ông lại còn sáng tác nữa (tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hiện vẫn trưng bày không chỉ một tác phẩm của họa sĩ Mai Văn Hiến, có bức vẽ từ thời "kháng chiến trường kỳ"). Xem lại những bức ký họa của ông thời ấy và biết thêm về ông, tôi càng tin một điều, đối với nghệ thuật đích thực, con người thế nào thì tất yếu tác phẩm sẽ là thế ấy, không có gì sai khác được...

Có lẽ những năm tháng thanh xuân trong đội ngũ những người lính làm văn nghệ đã tạo cho họa sĩ Mai Văn Hiến một nét phong cách mà thời gian không thể nào làm sai khác: tính chân thật và hồn nhiên trong mọi sự trên đời. Có cảm giác như ông lúc nào cũng hồ hởi với cuộc sống, sự sống. Là một hoạ sĩ tài danh và sau năm 1954, đã có những lúc giữ các cương vị quan trọng trong Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhưng Mai Văn Hiến bao giờ cũng gần với gió bụi cuộc đời và những cảnh ngộ thường ngày. Làm việc gì ông cũng nhiệt tình, thậm chí hăm hở.

Theo lời kể của Thượng tá Đặng Văn Lân, Trưởng ban Trị sự Báo CAND, người từng đảm nhận công việc trình bày makét cho báo từ trước những năm 80, họa sĩ Mai Văn Hiến đã là người cộng tác cực kỳ ruột thịt của những người Công an làm báo, cùng với các họa sĩ Văn Cao, Nguyễn Sỹ Ngọc, Nguyễn Thụ, Lê Văn Hiệp... Chính ông đã góp nhiều ý kiến bổ ích về cách trình bày, về mẫu chữ của Báo CAND, đã vẽ cho báo khá nhiều minh họa đặc sắc và thú vị.

Cũng theo lời kể của Thượng tá Đặng Văn Lân, họa sĩ Mai Văn Hiến vẽ minh họa bao giờ "cũng chỉ với những nét vẽ đơn giản nhưng rất đẹp. Ông thường ký tên ở góc minh họa, chỉ là một chữ h' ... Ông hay gọi tôi là "ông xe to" vì mỗi khi đến đặt tranh, tôi thường đi xe Voskhod 250 phân khối- xe nổ to. Khi đến cửa nhà ông ở 65 Nguyễn Thái Học, bao giờ tôi cũng thấy ông đã đứng đón sẵn ở ngoài; ông bảo: "Tớ ở trong nhà, nghe tiếng xe của cậu là tớ biết ngay...". Với anh Lân, cách làm của họa sĩ Mai Văn Hiến đã hay, nhưng cách "chơi" của ông còn thích thú hơn nhiều. Ở bên cạnh ông, ta luôn trở nên lạc quan hơn, dẫu cuộc sống có xảy ra chuyện gì đi chăng nữa...

Sinh ra ở tận Mỹ Tho nhưng từ hơn  60 năm nay gắn bó với Hà Nội, họa sĩ Mai Văn Hiến đã là một hình ảnh rất đẹp của làng hội họa đất Thăng Long. Bao giờ cũng vậy, khi những con người như họa sĩ Mai Văn Hiến ra đi vào cõi vĩnh hằng, họ luôn khiến chúng ta thực sự cảm thấy trên mặt đất này đã trống vắng đi cả một phần cuộc đời của mình nữa...

.
.
.