Vietnam’s Got Talent 2014: Ngày càng khan hiếm tài năng?

Thứ Năm, 30/10/2014, 11:55
Chiếm khung giờ vàng trên VTV, sau The Voice Kids đình đám, Vietnam’s Got Talent được phát đúng giờ phát sóng của The Voice Kids. Sau The Voice Kids, khán giả thấy tiếc, thấy nhớ những Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Anh tóc xù hay Thiên Nhâm ngọt ngào dân ca, tưởng sẽ phải hẫng hụt mất một thời gian, nhưng không phải chờ lâu, Vietnam’s Got Talent - một chương trình đậm chất giải trí được thế chân. Cũng vẫn là bộ tứ giám khảo tên tuổi Hoài Linh, Thành Lộc, nhạc sĩ Huy Tuấn và Thúy Hạnh. Đúng là chương trình giải trí nên nhiều tiết mục rất gây cười cho khán giả, nhưng không phải là cái cười sảng khoái, sung sướng…

Chương trình đang phát sóng đến tập thứ ba, nhưng đã có rất nhiều những điều đáng nói. Những em bé nhí 7 tuổi hát và múa như người lớn, từ động tác đến nhạc đệm, cũng múa may, quay cuồng, xoay người cùng những điệu nhạc hip hop. Rất nhanh chóng, các giám khảo đã nhận xét phần thi này, rằng đó là phần nhảy dành cho các thanh niên, thể loại hip hop với tóc vàng, quần Jean bụi phủi chứ phần thi không dành cho các cháu thiếu nhi lứa tuổi lớp 1 như thế này. Giám khảo Hoài Linh đã phải gọi mẹ cháu bé ra và góp ý vào việc hướng cháu trong những sở thích, trẻ em phải sống đúng tuổi và múa, hát cũng phải hát những bài hát đúng lứa tuổi của các em.

Lại nữa, một phần thi chẳng biết có phải là thi tài năng không, khi một cô giáo dạy nhạc, dẫn một đội nhí ra thi. Các em đang ở lứa tuổi mầm non, lớn thì ở tuổi mẫu giáo nhỡ, có em còn bé hơn. Ra thi cũng đồng phục, múa hát. Các giám khảo thấy các thí sinh nhỏ tuổi, nhìn đáng yêu, hát một bài hay biểu diễn một bài múa như vậy, điều này có thiếu gì ở các trường mầm non. Và chăng, nếu các giám khảo có yêu quý mà cho vào vòng trong, thì vào vòng sau các em sẽ biểu diễn tiết mục gì; hoặc nếu lỡ bị loại, tâm lý các cháu sẽ ra sao. Đây gọi là phần biểu diễn thì đúng hơn. Các cháu bé không có lỗi, lỗi là tại người lớn, lỗi ở các cô giáo dạy đã dẫn các em đi thi.

Ban Giám khảo Tìm kiếm tài năng Việt 2014.

Trong tập 3 của chương trình, có một phần thi cũng khá gây cười. Đó là phần thi của các “thí sinh” ở độ tuổi 60 tuổi trở lên. Và tiết mục của các bác là nhảy hip hop theo nhạc. Các thí sinh ra và giới thiệu nhóm của mình. Nhóm có đến 5, 6 thành viên. Và khi nhạc nổi lên, họ biểu diễn với những động tác nhanh, mạnh, và rất dứt khoát. Đến nỗi Giám khảo Huy Tuấn còn phải thốt lên: “Một tiết mục nhiều cảm xúc. Vừa xem cháu vừa lo không biết các cô có dựng cây chuối và xoay mấy vòng không nữa…”.

Có một cô bé đăng ký tham gia thi, phần thi tài năng hùng biện. Không hiểu tài năng hùng biện ở đâu, nhưng riêng phần phát âm của cô bé hoàn toàn ngọng giữa “n” và “l” đã khiến khán giả cười lăn cười bò vì phần thi này. Nhưng khi phải nhận 4 nút “X” cùng màu đỏ (tức là bị loại), thí sinh này vẫn rất vui vẻ ra về và còn chia sẻ rất nhiều ở phần hậu trường cuộc thi. Có lẽ với thí sinh này, chỉ cần 1 lần được đứng trên sân khấu là đủ?

Ngoài các phần thi theo kiểu cây nhà lá vườn, có gì thi nấy, chương trình cũng có một số tiết mục khá đặc sắc, gây được ấn tượng cho người xem. Tuy nhiên, rất ít tiết mục được thực sự  đầu tư, hay có một chiến dịch đầu tư lớn, chỉ là tài năng bột phát. Có những tiết mục dự thi mà thí sinh tham gia hoàn toàn bắt chước thần tượng, từ giọng hát đến phong cách biểu diễn, rồi hình thức bề ngoài. Tiết mục của anh chàng bắt chước giọng ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, đến nỗi giám khảo bảo thí sinh này hát một bài khác, nhưng khi vừa cất giọng lên được 2 câu thì Hoài Linh đã nhận ra “chất” của Đàm Vĩnh Hưng. Và anh chàng bán vịt quay này chỉ còn biết ngậm ngùi trở về với sự không đồng ý của cả 4 giám khảo.

Ở các mùa trước, dễ dàng nhận thấy rất nhiều tài năng, ngoài khả năng thiên bẩm, thì các thí sinh đều được trải qua sự học tập, rèn luyện như cô bé hát ca trù Nguyễn Kiều Anh, mà mọi người vẫn quen gọi là “ca nương”. Cô bé được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát ca trù, với 7 đời liên tiếp truyền nhau. Giọng hát trong trẻo, cộng với ngoại hình xinh xắn, ngay từ biểu diễn đầu tiên, Kiều Anh đã lọt vào mắt xanh của Ban Giám khảo. Khi cô bé xuất hiện, ăn mặc rất hiện đại nhưng lại ca một bài cực kỳ cổ, với phần phụ đàn đáy của chính người chú ruột cô bé. Vượt qua nhiều vòng, Kiều Anh đã đi tới chung kết. Ai cũng nghĩ cô bé sẽ đoạt quán quân, nhưng Kiều Anh chỉ dừng lại ở vị trí Á quân. Điều đó không làm người ta nghi ngờ phần tài năng của cô bé, mà thay vào đó là cảm giác tiếc nuối, vì không nghi ngờ gì, nhiều người đều nghĩ Kiều Anh sẽ đoạt ngôi vị này. Sau này, nhạc sĩ Quốc Trung đã làm mới rất nhiều ca khúc với thể loại Worl Music và “ca nương” Kiều Anh là sự lựa chọn của nhạc sĩ Quốc Trung. Giờ đây, Kiều Anh vẫn là sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, khoa Đàn tranh và thường xuyên tham gia vào các sự kiện âm nhạc cũng như một số chương trình giải trí.

Hay như cô bé Nguyễn Huyền Trang thổi sáo Plus, với bản Hồ thiên nga cả hội trường phải lặng người khi lắng nghe. Huyền Trang cũng là sinh viên của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Rất tiếc là Huyền Trang không thể vào đến chung kết chương trình này.

Vietnam’s Got Talent năm nay, ở vòng loại khu vực phía Bắc, các tiết mục được biểu diễn chỉ ở mức tự học, tự tạo, chưa tài năng nào được rèn giũa trong môi trường chuyên môn thực thụ, nhất là nhiều tiết mục tham gia theo kiểu “mong muốn được một lần đứng trên sân khấu”, nếu may mắn được Ban Giám khảo gật đầu theo kiểu động viên thì không biết đến vòng trong, các thí sinh sẽ có phần tài năng gì để thi nữa. Nhưng cái chính là ở những người làm chương trình, khi thấy tiết mục làm quá kém, hay quá nhí nhố thì có thể cắt đi, chứ để khán giả phải xem cả những hạt sạn của chương trình như thế này, nghe chừng là không ổn

Khánh Linh
.
.
.