Vietnam Idol: Kết thúc một trò chơi truyền hình!

Thứ Năm, 04/10/2007, 08:06

Với cuộc thi thần tượng âm nhạc - Vietnam Idol, người chiến thắng cũng chỉ là người may mắn và được yêu thích của một cuộc chơi truyền hình.

Sau sáu tháng "chạy" chương trình, Vietnam Idol đã kết thúc vào tối qua (3/10) tại nhà hát Hòa Bình, TP HCM. Trong lúc phần lớn khán giả cứ ngỡ cuộc chơi này được "bày" ra để tìm kiếm một giọng ca mới, một thần tượng cho thị trường nhạc trẻ Việt, thì sự thật Vietnam Idol chỉ là một cuộc chơi, một chương trình truyền hình nhằm quảng bá cho các nhãn hàng tiêu dùng...

Tìm kiếm thần tượng âm nhạc - Vietnam Idol du nhập vào VN chỉ bởi Công ty Unilever với các nhãn hàng dầu gội Clear, trà Lipton... đang cần "hàng độc" (khi các chương trình ca nhạc và game show đã quá nhàm chán) trên sóng truyền hình nhằm quảng cáo cho các nhãn hàng của mình. Và Idol được chọn bởi sự lôi cuốn của nó trên toàn thế giới.

2 triệu USD cho... siêu quảng cáo

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, Unilever đã chi không dưới 400.000 USD để có bản quyền Idol. Cộng với các chi phí tư vấn từ đơn vị giữ bản quyền Idol toàn cầu là Fremantle và 19 Entertainment cùng chi phí thực hiện, Unilever đã bỏ ra khoảng 2 triệu USD cho chiến lược siêu quảng cáo này. Và Công ty Đông Tây được "thuê” thực hiện chương trình tại VN với vai trò nhà sản xuất. Còn HTV thực chất chỉ là đơn vị cung cấp sóng truyền hình.

Là đơn vị giữ bản quyền Idol toàn cầu, Fremantle có hẳn một công ty chuyên xử lý số liệu cho Idol là I-pop. Tại VN, I-pop có công ty con là Gapit và Gapit đã thông qua VNPT để xử lý tin nhắn và điện thoại bình chọn.

Bởi "người mua" bản quyền Idol là một công ty sản xuất hàng tiêu dùng (Unilever) nên cái họ cần ở cuộc chơi Idol này là khả năng đánh bóng thương hiệu cho Clear (tài trợ chính) và trà Lipton (tài trợ phụ).

Còn đơn vị giữ bản quyền (Fremantle và 19 Entertainment) thì chỉ quan tâm đến chất lượng sản xuất (âm thanh, ánh sáng, hình ảnh...) mà phía VN có thể đáp ứng theo đúng chuẩn của chương trình hay không. Đông Tây vì thế mà "tối mặt tối mày" với việc thực hiện cho bằng được một chương trình theo đúng chuẩn và khuôn mẫu (format) của Idol toàn cầu.

HTV chỉ cung cấp sóng và hỗ trợ các nhóm quay. Và ai cũng đã đạt được mục đích của mình: Unilever có được một chương trình "hot" và tạo được sự chú ý của không ít bạn xem đài và dư luận; Đông Tây được đánh giá là đơn vị sản xuất tốt bởi các clip đều đạt chất lượng và kỹ thuật, các chương trình truyền hình trực tiếp với hình ảnh đẹp, âm thanh tốt, ánh sáng như ý...; HTV "bán" được sóng với các thỏa thuận về quảng cáo và tin nhắn; các đơn vị viễn thông cũng thỏa mãn về các số thu ăn chia có được từ tin nhắn và điện thoại bình chọn.

Chẳng ai thật sự quan tâm đến ai là "thần tượng âm nhạc VN", trừ khán giả! 

Thần tượng... một đêm

Với các đơn vị tổ chức, Idol là một show truyền hình (thỏa những yếu tố: hoàn hảo về mặt hình ảnh và nhiều kịch tính với đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố nhằm thu hút tối đa sự quan tâm từ người xem) nhằm mang lại cho khán giả những giây phút thư giãn. Idol không được xem là một giải thưởng âm nhạc hay một danh hiệu âm nhạc chính thống của bất cứ quốc gia nào.

Cho nên dù mang tiếng là cuộc thi hát, nhưng trong 60 phút của chương trình chỉ có khoảng 20 phút dành cho thí sinh trổ tài ca hát, còn lại là trò chuyện, tâm sự, phê bình, đánh giá, giao lưu... "Idol - thần tượng" với ý nghĩa là được nhiều bạn xem đài yêu thích. Và sự yêu thích không hẳn nằm ở giọng hát mà đôi khi còn ở phong cách lạ, ngoại hình không giống ai, câu chuyện về nhân vật xúc động...

Nhưng khán giả VN lại kỳ vọng ở VN Idol là một cuộc thi ca hát nghiêm túc hơn là một show truyền hình giải trí. Và trong lúc dư luận tỏ ý nghi ngờ, giận dữ về sự không minh bạch trong kết quả và khả năng "mua bình chọn" để có danh hiệu từ một vài thí sinh, thì phía tổ chức lại tỏ ra rất hài lòng vì hiệu ứng đạt được: khán giả "điên" lên vì chương trình!

Với ban tổ chức, họ không tin rằng sẽ có thí sinh nào đó sẵn sàng bỏ vài tỉ ra để "mua bình chọn" mà không chắc rằng mình có thắng ở cuộc thi được ăn cả, ngã về không này hay không (những tuần đầu trung bình 200.000 lượt bình chọn mỗi kỳ, số lượt bình chọn càng tăng vào những tuần cuối và con số dự kiến ở tuần cuối cùng là trên 500.000 lượt với 3.000 đồng/tin nhắn và 1.000 đồng/cuộc điện thoại). Người chiến thắng cũng chỉ là người may mắn và được yêu thích nhất của một cuộc chơi truyền hình.

Không có gì hứa hẹn người chiến thắng sẽ thành công sau cuộc chơi, đặc biệt khi "lịch sử" đã ghi nhận xưa nay chỉ có Kelly Clarson của mùa American Idol đầu tiên là một thần tượng âm nhạc thật sự. "Thần tượng âm nhạc VN" chỉ là "thương hiệu" được vinh danh trong một đêm, chứ làm gì có loại thần tượng nào dễ dàng đến thế!

Phương Vy đăng quang "Tìm kiếm thần tượng âm nhạc - VN Idol"

Hơn 2.000 khán giả tại nhà hát Hòa Bình (TP HCM) và hàng triệu bạn xem đài cả nước đã chứng kiến đêm đăng quang của thí sinh Nguyễn Ngọc Phương Vy tại cuộc thi "Tìm kiếm thần tượng âm nhạc - VN Idol" lần đầu tiên vào tối 3/10.

Phương Vy đã nhận được sự bầu chọn 53,44% trên tổng số 723.024 lượt bình chọn từ tin nhắn và điện thoại của khán giả, vượt qua khoảng 6.000 thí sinh tham dự cuộc thi, Phương Vy được nhận phần thưởng trị giá 10.000 USD, bao gồm tiền mặt và một hợp đồng ghi âm với Công ty Music Face cùng hoa hồng trên tổng số album bán được.

Đêm công bố kết quả và trao giải VN Idol 2007 cũng phô diễn được tài năng, niềm đam mê cũng như triển vọng của mười thí sinh được chọn vào chung kết.

Q.N. (Tuổi trẻ)

Theo Quỳnh Nguyễn (Tuổi trẻ)
.
.
.