Viết thơ vì không thể không viết

Chủ Nhật, 21/03/2010, 22:28
Rõ ràng là không có gì có thể thay thế vai trò của thi ca trong cuộc sống của con người, dẫu rằng, lắm khi chúng ta rất khó rành rẽ định nghĩa thế nào là thơ. Nhưng muốn nói gì thì nói, trong đời sống tinh thần của con người, thi ca, chất thơ luôn phải là những gì tinh túy nhất còn lại sau mọi biến thiên dâu bể.

Năm 1999 tại kỳ họp toàn thể lần thứ 30 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa của LHQ (UNESCO) đã quyết định chọn ngày 21/3 hàng năm là Ngày Thơ Thế giới. Lần đầu tiên Ngày Thơ Thế giới đã được tiến hành tại Paris, nơi có trụ sở của UNESCO. Năm nay, trước dịp lễ trọng của thi ca quốc tế này, ngày 17/3/2010, bà Inna Bokova, Tổng Giám đốc UNESCO đã gửi thông điệp, trong đó có đoạn:

"Ngôn ngữ nào cũng có thi ca của mình, con người nào cũng có thế giới thi ca của mình. Thi ca trong cả những hình thức giản dị lẫn những hình thức thanh cao lưu giữ lại những kinh nghiệm nhân gian khó được phản ánh nhất. Thi ca diễn tả những gì khó diễn tả nhất vốn vẫn tạo nên cơ sở trong điều huyền bí của con người".

"Chúng ta hãy cùng nhớ lại trong Ngày Thơ Thế giới 2010 rằng, thơ, đó là xứ sở vạn năng mà trong đó các dân tộc có thể gặp nhau thông qua những từ ngữ đầy màu sắc, nhịp điệu và âm nhạc, những từ ngữ mà không phụ thuộc vào việc chúng được nuôi dưỡng trong thứ tiếng nào, cũng đều vươn tới trạng thái tinh hoa của nhân loại và phẩm giá của mỗi một con người…"

Với cam kết thúc đẩy các nguyên tắc dân chủ của phẩm giá, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, UNESCO coi thơ là nguồn tài nguyên quan trọng. Thơ lan tỏa ở mọi nơi, không có biên giới và rào cản. Thơ là phương tiện giao lưu, phương tiện chuyển tải trí thức và phát hiện về người khác…".

Bà Inna Bokova cho biết, năm 2010 đã được LHQ tuyên bố là Năm Quốc tế xích lại gần nhau giữa các nền văn hóa. Thơ là bộ sưu tập vang vọng các âm hưởng chung của nhân loại nên nó phải được thu thập, nghiên cứu, xuất bản và dịch nhiều hơn nữa.

Với chương trình mới cho hai năm 2010 và 2011 về các nhà thơ nổi tiếng thế giới Rabindranath Tagore (Ấn Độ), Pablo Neruda (Chilê) và Aime Cesaire (Martinique), UNESCO đặc biệt khuyến khích các phương tiện đa chiều nhằm làm cho thơ dễ tiếp cận hơn và tăng được tác động của nó. Thơ cũng làm cho con người trở nên nhân văn hơn. Vì vậy thơ phải được dành cho một vị thế xứng đáng trong các chương trình giáo dục chất lượng cao…

Rõ ràng là không có gì có thể thay thế vai trò của thi ca trong cuộc sống của con người, dẫu rằng, lắm khi chúng ta rất khó rành rẽ định nghĩa thế nào là thơ. Nhưng muốn nói gì thì nói, trong đời sống tinh thần của con người, thi ca, chất thơ luôn phải là những gì tinh túy nhất còn lại sau mọi biến thiên dâu bể. Đúng như nhà thơ Tây Ban Nha Leon Felipe (1884-1968) đã viết:

"Hãy chẻ bài thơ ra từng từ một.
Vứt ngay thể loại,
điệu,
vần.
Cả ý cũng vứt đi, đừng ngại.
Rồi tãi từ ra gió.
Nếu khi ấy vẫn còn điều gì đó
thì đấy
thi ca!.."

Còn nhà thơ Hungarie Lajos Kassàk (1887-1967) đã từng làm bài thơ dài nói lên quan niệm thi ca của mình. Đó là bài "Thơ tôi":

"Tôi phải cứu những gì còn có thể
vậy mà tôi lại
ngồi lì
như tảng đá
như con chim khổng lồ
con chim tôi đã làm bị thương hồi trẻ khiến máu chim đỏ
hồng cây cỏ lác.
Trong yên lặng mênh mang của thế giới vô danh
tôi viết những dòng thơ cùng một lúc tồn tại cả ở hai chiều văn học
cả ở hai chiều của những định luật đã quen
của sự điên cuồng của bầy ngốc nghếch.
Đã có bao nhiêu ấn tượng cổ truyền
nhiều đến nỗi gần trở nên tuyệt đẹp.
Thơ tôi sinh ra không từ những bụi cơn mơ hoa lá đỏ xanh 
rắc rối
mà từ những định luật hình học vô cùng cân đối
thơ tôi lột vỏ trái cây
dựng nên hình chiếu
giàn bày đồ vật trong không gian
dọn những mảnh vỡ quá khứ
hứa hẹn tương lai tuyệt vời.
Đó chính thực là bản chất thơ tôi
nội dung từ ngữ
ý nghĩa của những lời tôi thổ lộ -
những lời thổ lộ giả như vô nghĩa -
đó chính là cơn mưa lửa trào tuôn
thành phố ồn ào
theo đúng luật của mâu thuẫn
cùng tồn tại
cùng lấp đầy
cả những phần thế giới vô danh
cả những phần đã rõ. 

*

Giờ thì không chỉ trái tim ca
và không riêng lưỡi
dòng nước xanh tuôn tự mắt tôi
màu răng tôi trắng rắn
thân hình tôi với những đường cổ điển
bản thể hồn tôi không ai thấu được bao giờ
triệu triệu sợi tóc trên đầu tôi chen chúc
và mười ngón tay tôi
mười kẻ đồng loã điên cuồng
như dàn giao hưởng
cùng một lúc vang lên
để báo về tôi
cho toàn thế giới.

Tôi hát
giữa nắng chói chang
trong vùng râm mát
cho những ai không may mắn được sinh ra
cho ai phải sống đời không may mắn
cho người mù
cho người điếc
cho người mất hết lòng tin
cho những nạn nhân thói hồn nhiên
cho những ai tự đỉnh cao lao mình vào cái chết
và cho những người không dám rời động tối mù đen. 

Tôi sẽ hát
cho tới khi tự thăm thẳm hang sâu
số phận ai đó khác tôi vang lên thành tiếng vọng
tôi biết hướng thơ tôi
tới bờ
nơi quằn quại trong cơn đau sinh nở lòng mẹ của thời đại
chúng ta
nơi hạt giống rơi xuống đất nảy mầm
nơi kho vựa không chịu nổi khoá
nơi người chăn không bỏ rơi đàn súc vật
nơi con người nhận ra được nhau
cầm lên tay
dụng cụ
và nguyên liệu
để tạo nên
những dấu hiệu
của ý nghĩa cuộc đời
đỏ vì máu
đen bầm vì những thương đau..."

Tác phẩm thi ca là sự an ủi cho những nỗi đau riêng và cho cả nỗi đau chung của nhân loại. Người có thiên mệnh thi nhân sẽ không thể nào yên nếu không thực hiện nhiệm vụ chân truyền của mình là viết lên những câu chữ có khả năng huyền diệu giúp con người "nhận được ra nhau". Nhà thơ Bulgarie, Andrey Germanov, đã rất có lý khi bộc bạch:

"Em bảo: Anh là nhà thơ!
Thế thì sao nhỉ?
Thế giới thiếu gì thi sĩ.
 
Đám con gái thích thơ anh, em bảo.
Thế thì sao nhỉ?
Họ đọc xong đâu có tới hôn anh.

Em bảo: Anh đã nổi danh!
Thế thì sao nhỉ?
Hai ta trước sau vẫn chung một căn phòng.

Nhưng chắc anh được hơn mọi người, em bảo.
Đúng vậy, em.
Được bệnh huyết áp cao và đau đầu hơn tất cả.

Thiên hạ rồi nhớ tên anh, em bảo.
Em biết không,
Dưới hai tấc đất
Xung quanh toàn im lặng thôi.

Thế thì sao - em đỏ mặt nhìn anh -
Anh không thể nào không viết?
Em hiểu chăng,
Điều đó chính anh không biết.
Không đủ sức!

Viết đâu chỉ là việc của riêng anh.

Ai đó đọc,
Đọc,
Buộc anh phải chép!..."

Viết để nói lên tâm sự của mình, đó ít ra cũng là lối thoát. Nhà thơ Hy Lạp Costas Steriopulos trong những năm tổ quốc của mình phải sống dưới chế độ độc tài của các "đại tá đen" đã phải thốt lên như thế khi ông và các nhà thơ đồng thời lắm khi phải buộc im tiếng:

"Câm lặng
Rơi xuống đời chúng ta
bầu lặng yên đặc quánh
như lặng yên
sau tràng súng nổ.

Bầu lặng yên vô tận.
Ta phải làm gì đây
đành đi lại từ đầu
để ít ra còn sống sót.

Chúng ta thành lũ lưu vong
ở ngay đây
trên quê kiểng chính mình
chỉ còn nghe thấy tiếng linh cẩu vằn và chó sói gào thét.

Những người đánh trống không có trống.
Những người thổi kèn không có kèn.
Những chiến binh không kiếm.

Nói
đó ít ra cũng là một lối thoát…" 

Thi ca, đó là một cánh cửa giúp cho nhân loại đi tới tình yêu và hòa bình. Đó còn là vũ khí để con người bảo vệ phẩm giá của mình. Thi ca, đó là giọt máu tinh thần của con người, đúng như nhà thơ Ba Lan Jaroslav Iwaszkiewicz đã viết:

"Hãy nếm thử giọt máu của tôi
thấy chăng vị đường trong đó
thấy chăng vị muối mặn mà
thấy chăng vị đất đai màu mỡ

thấy chăng cảnh xôn xao lá đổ
tiếng những mũi tên thuở nào xé gió
ánh sáng đèn đống lửa vì sao
nghe chăng trong đó những lời
những giọng nói tự lâu rồi đã tắt

Trong đó có tất cả
giữa giọt máu này
tất cả ẩn trong
và tất cả náo động lên trong đó
vì thế nó không tươi đỏ
mà bầm đen…".

Những bản dịch thơ trong bài do nhà thơ Hồng Thanh Quang chuyển ngữ từ bản tiếng Nga
Hà Nội ngày 20/3/2010
.
.
.