Viết dã sử như thế có nên không?

Chủ Nhật, 15/11/2009, 12:07
Mới đây, nhà giáo Trịnh Hải, 76 tuổi, hậu duệ trực hệ đời thứ 9 của Ân vương Trịnh Doanh đã tìm tới Tòa soạn Báo CAND để trình bày điều đang làm ông bức bối, liên quan tới một bài viết trong cuốn "Các chuyện tình vua chúa Hoàng tộc Việt Nam" của tác giả Đinh Công Vĩ do Nhà xuất bản Phụ nữ tái bản tới lần thứ 2. Đó là bài viết "Truyền thuyết Bà Đế - Mấy kiếp oan tình phải báo".

Theo nhà giáo Trịnh Hải, câu chuyện dã sử trên trong cuốn sách của ông Đinh Công Vĩ đã "vu khống, bôi xấu một nhân vật lớn của lịch sử Việt Nam là Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm". Nhà giáo Trịnh Hải cho biết, tại đền Bà Đế ở Hải Phòng có phát cho khách tâm linh thập phương bản tóm tắt: "Sự tích đền Bà Đế Đồ Sơn Đông nhạc Đế Bà - Trịnh Chúa phu nhân".

Đó là một truyền thuyết đẹp lưu truyền trong dân gian nhiều trăm năm nay, kể về mối tình dang dở giữa Ân Vương Trịnh Doanh (sinh năm 1720) và một người là thôn nữ tài sắc vẹn toàn Đào Thị Hương (Bà Đế). Thế nhưng, khi chép truyền thuyết này vào sách của mình, tác giả Đinh Công Vĩ vì lý do gì đấy đã lại kể như thể có một mối quan hệ giữa Bà Đế với Minh Khang Thái Vương Trịnh Kiểm (sinh năm 1503), tổ 9 đời của Ân Vương Trịnh Doanh(?).

Theo những gì tác giả Đinh Công Vĩ viết, dường như Bà Đế đã bị hãm hiếp bởi Thái Vương Trịnh Kiểm (???). Những lầm lẫn này thực lạ lùng ngay cả đối với những người bình thường chứ không chỉ với một nhà nghiên cứu lịch sử có bằng cấp như tác giả Đinh Công Vĩ.

Nhà giáo Trịnh Hải bày tỏ nguyện vọng muốn được có những sự giải thích và đính chính chính thức từ những cá nhân và tập thể liên quan tới việc biên tập và xuất bản tác phẩm "Các chuyện tình vua chúa Hoàng tộc Việt Nam" của tác giả Đinh Công Vĩ. Thiết tưởng, nguyện vọng này là chính đáng. Rất mong có được sự hồi âm từ tác giả Đinh Công Vĩ cũng như Nhà xuất bản Phụ nữ

P.L.
.
.
.