Việt Nam giúp tôi lạc quan hơn khi viết về đất nước mình

Thứ Bảy, 25/02/2012, 14:46
Chính những chuyến đi đến Việt Nam, sự cởi mở, những nụ cười của con người ở đây đã giúp Nhà văn Nhật Bản Masatsugu Ono có những trải nghiệm mới, cảm hứng về nhịp sống mới hơn.

Sinh năm 1970, được nhắc đến như một nhà văn đương đại Nhật Bản năng động trong lĩnh vực văn chương qua khá nhiều vai trò: viết văn, dịch tác phẩm văn học nước ngoài, phê bình văn học, Masatsugu Ono sở hữu khá nhiều giải thưởng văn học tại Nhật Bản: giải thưởng Mishima Yukio, Cây bút mới của báo Ashahi, đề cử giải thưởng Akutagawa… Ngày 23/2, tại Trường Đại học Hoa Sen, TP Hồ Chí Minh, nhà văn đã có buổi trò chuyện, giao lưu, chia sẻ với đông đảo bạn đọc Việt Nam về văn chương cũng như cách viết của mình.

Nhà văn đến từ xứ sở mặt trời mọc mở đầu câu chuyện không phải bằng tác phẩm hay đất nước của mình mà bằng những ấn tượng đặc biệt của bản thân sau nhiều lần đến Việt Nam. Masatsugu Ono cho biết, trước đó, anh ít có dịp tìm hiểu về văn học Việt Nam nhưng đã rất thích tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn Bảo Ninh.

Nhà văn Masatsugu Ono giao lưu với bạn đọc Việt Nam ngày 23/2.

Đọc “Nỗi buồn chiến tranh”, Ono bắt gặp một Việt Nam không thuần nhất, không phải là chốn bình yên cho tất cả mọi người có thể yên tâm ngủ vùi trong đó mà là một xã hội, cộng đồng Việt Nam khác đã, đang nảy sinh những vết nứt khiến người ta cảm thấy ám ảnh, bất an. Nhưng cũng chính những cảm giác bất an ấy lại khiến người ta buộc phải nhìn lại, để rồi chợt phát hiện ra vẫn còn rất nhiều điều mới mẻ quanh mình…

Thực ra, không phải chỉ với riêng tác phẩm của nhà văn Bảo Ninh mà khi đọc nhiều tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng thời cận đại và đương đại hay khi viết văn, Ono cũng đều có cảm giác ấy. Anh chia sẻ rằng, nhà văn sáng tác cũng giống như một động vật cặm cụi đào hang trong lòng đất. Động vật đào hang để tạo ra một chốn bình yên cho mình, nhưng để bảo vệ chính mình thì phải cần có nhiều giải pháp để phòng thủ, những lối rẽ, ngóc ngách khác để thoát hiểm khi cần thiết.

“Cái hang” (tác phẩm) của nhà văn chính là cộng đồng được xây dựng bằng ngôn từ, được viết ra, xây nên từ những gì gần gũi nhất. Với Ono cũng thế. Khi viết “Tiếng hát người cá”, tập truyện mới nhất vừa được dịch và xuất bản bằng tiếng Việt, Ono lấy phần lớn bối cảnh là vụng biển nhỏ, quê hương của mình. Ở đó, cũng giống như rất nhiều ngôi làng khác của Nhật Bản trong thời kỳ toàn cầu hóa: vắng bóng thanh niên, trẻ em ít, người già nhiều.

Ở đó, cùng với con đường quốc lộ chạy qua, hàng loạt cửa hàng nhỏ lẻ, buôn bán mang tính cá thể, truyền thống đã bị thay thế bằng hàng loạt hệ thống cửa hàng khác hiện đại hơn. Sự náo nhiệt ấy cũng kéo theo nhiều “mất mát”: phong cảnh, phong tục bị biến đổi… Hơn thế, những khủng hoảng kinh tế, thiên tai động đất, sóng thần vẫn như đám mây đang che phủ xã hội Nhật Bản.

Và Ono, với tư cách của một công dân, hơn thế là một người cầm bút của cộng đồng ấy, không thể nói là không bị ảnh hưởng bởi đám mây mù đó. Nhưng, cũng như các nhà văn khác, nhà văn vẫn cặm cụi viết. Cặm cụi sáng tác như người đào hầm trong lòng đất. Chỉ có điều, các nhà văn kiệt xuất đào được những đường hầm xuyên suốt đến trái tim người đọc thì rất nhiều lúc, Ono thấy lúng túng trong chính cái hang của mình, thậm chí có thể chết ở trong cái hang ấy.

Chính những chuyến đi đến Việt Nam, sự cởi mở, những nụ cười của con người ở đây đã giúp Ono có những trải nghiệm mới, cảm hứng về nhịp sống mới hơn. Ở cách xa nước Nhật một khoảng cách nhất định cùng với những cảm hứng mới, Ono đã nhìn về quê hương với con mắt khác hơn. Tập truyện vừa “Những người còn lại”, Ono vừa hoàn thành tiếp tục khai thác, lấy bối cảnh là một nơi hoang hóa, khá cô lập. Nếu độc giả thấy được những nụ cười nào đó, những cảm xúc lạc quan hơn thì đấy chính là cảm xúc, là cái nhìn lạc quan từ Việt Nam mang lại trong những chuyến đi đến đất nước này của Ono gần đây.

Nhà văn khẳng định: “Trong một xã hội già hóa này (xã hội Nhật Bản – PV), tôi thích, hay có thể nói, tôi thấy thoải mái khi viết những câu chuyện về người già và địa phương, cách tôi mang tiếng cười vào tác phẩm của mình”. Tinh thần và thử nghiệm văn học của Masatsugu Ono đã được thể hiện trong “Tiếng hát người cá”, tập truyện được Nhà xuất bản Trẻ dịch và xuất bản tháng 2/2012

Hoa Nguyễn
.
.
.