Viet Nam Idol: Ngoa ngôn?

Thứ Ba, 21/08/2007, 14:54
Với ê-kíp hùng hậu, hàng trăm con người đã được huy động để phục vụ cho Viet Nam Idol từ ngày mới đầu. Tiền của đổ vào cũng không ít để bây giờ, khi chương trình sắp đi đến hồi kết thì cuộc tìm kiếm "thần tượng âm nhạc Việt Nam" vẫn không khác mấy các cuộc thi học đường.

Đầu tiên cần phải ghi nhận rằng chưa có cuộc thi tiếng hát nào từ trước đến nay tốn nhiều nhân lực lẫn tiền nong (của nhà tài trợ phải chi lẫn những khán giả phải móc hầu bao để bình chọn bằng nhiều hình thức) như trong cuộc thi Viet Nam Idol.

Một sân chơi thoáng như không thể thoáng  hơn đã thu hút đến trên dưới 6.000 nghìn người tham gia thi. Một cuộc hành trình dài đi qua đến 4 thành phố lớn: Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ... và trải rộng ra thành nhiều vòng, ê-kíp thực hiện lên đến hàng trăm người đủ để khẳng định rõ ràng rằng đây là cuộc thi có tầm cỡ vào bậc nhất nước ta từ trước đến nay.

Xuân Linh là thí sinh mới nhất phải nói lời chia tay với Vietnam Idol.

Nếu như gần 20 năm nay, cuộc thi Tiếng hát truyền hình truyền thống của Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) không có những gì thay đổi đáng kể, vẫn một bệ giám khảo, vẫn một cách thức được dùng đi dùng lại trong nhiều năm liền buộc khán giả từng nghĩ đó chỉ là một sân chơi dành riêng cho một số nhạc sĩ thì Viet Nam Idol đã làm được điều này.

Sự hướng mình về phía công chúng bao giờ cũng đáng được ghi nhận. Bộ ba: Hà Dũng, Siu Black, Tuấn Khanh (BGK ở vòng thi đầu trở thành các nhà tư vấn chuyên môn cho những vòng sau) dù có những dư luận trái chiều về cách nhận xét các thí sinh nhưng nhìn chung cho đến lúc này, họ đã làm việc rất công tâm.

Tất cả đều có chung một mục đích tốt đẹp là từ cuộc thi này, chúng ta phát hiện ra những thần tượng âm nhạc tương lai của công chúng.

Nhưng, thật tiếc là với những gì mà chúng ta đang nhìn thấy khi cuộc thi đang bước vào chặng cuối cùng thì dường như mục đích trên vẫn chỉ  là nằm trong mơ. Khi xét về ngoại hình của các thí sinh lọt vào vòng trong của cuộc thi thì hầu như toàn "xinh và bảnh", còn xét về phong cách lẫn giọng hát thì còn nhiều điều phải bàn.

Có thể thông cảm vì những bài hát được yêu thích đã bị "đóng đinh" bởi những người đi trước trong khi những thí sinh này còn quá non về tuổi đời lẫn mới bắt đầu tuổi nghề mà yêu cầu họ phải bộc lộ được cái tôi rõ ràng là điều hơi khắt khe.


Nhưng cũng nên nhớ rằng cuộc thi là tìm ra những thần tượng âm nhạc chứ không phải là đi tìm cái bóng của những thần tượng trước đó, nên dấu ấn cá nhân phải được đặt lên hàng đầu.

Các thí sinh trong chương trình.

Ai cũng biết Đàm Vĩnh Hưng là một ca sĩ đang rất "hot", luôn hát hết mình nhưng anh vẫn là một bản sao vụng về của đàn chị (người mà ca sĩ luôn xem là thần tượng) thì thí sinh Duy Khánh lại rơi vào thế hệ lai tiếp theo. Với lối trình diễn phớt đời cộng với trang phục tây ta lẫn lộn, có lẽ thí sinh này đang cố gắng cho khán giả biết rằng đó là một phong cách rất riêng.

Thí sinh Ngọc Minh có thể xem là mẫu hình ca sĩ khá nam tính, nhưng với việc thể hiện ca khúc Không phải em (Thái Thịnh) - ca khúc này cũng là bài ruột của Mr. Đàm, đã cho thấy ngoài cách hát "hào sảng" tỉ lệ thuận với vóc dáng của mình còn những thứ còn lại đã trôi tuột khỏi lòng khán giả bởi sự vô hồn.

Các thí sinh nữ còn lại cũng rơi vào tình huống tương tự như Trà Mi và Dường như ta đã (Mỹ Tâm), Phương Vy với Rồi mai thức giấc (Tường Văn), Thảo Trang với Một ngày bình yên (Minh Châu).

Trong mặt bằng về giọng hát như vậy, lại có giọng hát có thực lực bị rớt oan bởi kết quả chỉ dựa vào tin nhắn. Có thể lý giải cho vấn đề này rằng do phần đông khán giả tham gia "bấm bấm, click chuột" thường nằm ở lứa tuổi teen.

Điều này có thể thấy rõ hơn khi nhạc sĩ Tuấn Khanh rất kiệm lời khen trong những lần nhận xét. Anh cũng không quên nhắc đông đảo khán giả hãy tham gia bình chọn vì sợ các thí sinh bị rớt oan.

Minh chứng thuyết phục nhất cho lý do này phải kể đến trường hợp của Chung Thanh Phong. Một thí sinh thừa rườm rà nhưng thiếu đủ thứ về giọng hát đã đi đến được vòng 9 người rồi mới chịu dừng chân.

 

Thanh Phong (giữa) và hai MC của chương trình.

Dù tự nhận mình đã tạo dựng được phong cách riêng (điều mà không ít các ca sĩ chuyên nghiệp hiện nay còn chưa có được) nhưng trong đêm Gala tuần trước, có thể nói đây là thí sinh ăn mặc phản cảm nhất, đồng thời đưa ra một giọng hát lai tạp, yếu kém không biết khen chê vào đâu được.

Thí sinh này đã đưa ra lý do mà mình bại trận ở vòng này trên webside của ban tổ chức cuộc thi: "Em có lượng fan tuổi teen nhất định. Nhưng hiện tại đang có những sân chơi khác thu hút họ như Tiếng hát học đường. Có lẽ đó cũng là một lý do mà lượng bình chọn cho em bị giảm sút"!?

Ở một cuộc thi khác đã từng tìm kiếm ra những giọng hát đầy đủ nội lực và vượt trội về đẳng cấp như Khánh Linh, Vương Dung, Ngọc Khuê... nhưng khi được giải họ chỉ được gọi là các "Sao Mai". Họ phải phấn đấu rất nhiều mới gọt được chữ "mai" để trở thành "sao" thực thụ.

Trở lại với cuộc thi này, dù biết rằng mục đích của Ban tổ chức của cuộc thi này là rất đẹp nhưng cho đến giờ phút này, kết quả đã không như chúng ta mong đợi. Tức hành trình đi tìm cái gọi là thần tượng âm nhạc Việt Nam chỉ mới tìm được những giọng hát mới, trẻ trung dành cho tuổi teen...

Vậy thì cái danh xưng "thần tượng âm nhạc Việt Nam" mà chúng ta đang cố đặt lên những đôi cánh mỏng manh này liệu có là ngoa ngôn?

Theo Cao Thái Hà (Thể thao văn hóa)
.
.
.