Vì sao cải lương bị “hắt hủi”?

Thứ Sáu, 25/04/2008, 21:45

Chiếc áo bà ba xẻ sâu hết cỡ, mái tóc được ép thẳng mượt cùng với đôi guốc cao 5 phân của cô Nhàn trong "Không bán tình em" khi nhân vật là cô gái nghèo bán rau. Còn trong "Tô Ánh Nguyệt", nhân vật người yêu của Tâm lại mặc chiếc áo dài cách tân của khoảng năm 2000 trong khi bối cảnh lại là thời phong kiến…

Lâu nay, chúng ta vẫn thường đọc hoặc nghe những câu đại loại như: "Về đâu hỡi cải lương", "Cải lương đang thoái trào xuống dốc?"… Sự quay lưng của khán giả với cải lương một phần là do người trong cuộc, đã đẩy xa khán giả từ những chi tiết thật nhỏ mà nhiều nghệ sĩ (NS) tưởng chừng như không mấy người quan tâm.

Xa rồi thời thổn thức cùng nhân vật

Tôi còn nhớ vào thập niên 80 của thế kỷ trước, để mua được một vé xem cải lương không dễ như bây giờ, mà phải xếp hàng như mua nhu yếu phẩm vậy, rồi còn phải mua trước mấy ngày hoặc lấy giấy giới thiệu của cơ quan nhà nước mới mua được nhiều vé cho gia đình. Có khi may mắn mua được vé nghệ sĩ với giá gấp đôi nhưng khán giả vẫn đông nghẹt dù lúc ấy tình hình chung kinh tế còn rất khó khăn.

Lúc đó mỗi NS có một cái khay đựng mỹ phẩm hóa trang, trong những lon sữa bò cũ, chứ ít có nhà hát nào có phòng hóa trang như bây giờ. Micro thì được cột thòng từ trần sân khấu xuống rồi kéo theo sự diễn xuất của diễn viên, cảnh trí thì chỉ mang tính tượng trưng, trang phục thì đơn giản tùy bối cảnh của mỗi vở diễn…

Nói ra tất cả những điều này cho thấy rằng khó khăn là thế, thiếu thốn là thế nhưng khán giả vẫn đến với cải lương bởi sự diễn xuất rất có thần của các nghệ sĩ. Tôi đã từng xem vở "Ai giết nàng Kiều" của đoàn Trung Hiếu (lúc ấy nghệ sĩ Minh Tâm - Cẩm Thu làm kép chánh) đến 3 lần nhưng vẫn giữ nguyên cảm xúc ban đầu cùng nhân vật…

Đó là những chuyện ở rạp, còn ai không có điều kiện thì ở nhà xem tivi chỉ duy nhất tối thứ 7 là có cải lương nhưng chỉ có vài tuồng như: "Lá sầu riêng", "Tô Ánh Nguyệt", "Tiếng trống Mê Linh", "Kiều Nguyệt Nga", "Thoại Khanh - Châu Tuấn", "Vương Thúy Kiều"… được chiếu đi chiếu lại nhưng vẫn có khán giả, thậm chí có người còn thuộc từng câu, từng đoạn trong mỗi tuồng hát...

Xin đừng bỏ qua những chi tiết nhỏ

Phải nói rằng, lớp NS cải lương trẻ hiện nay được ưu đãi về vật chất rất nhiều so với thế hệ NS đàn anh, nhưng khi lên sân khấu thì chưa thực sự nhập tâm vào nhân vật, có khi họ sợ xấu mình nên đôi lúc hóa trang chưa đúng với nhân vật.

Thế mới có cảnh khá buồn cười như: Chiếc áo bà ba xẻ sâu hết cỡ, mái tóc được ép thẳng mượt cùng với đôi guốc cao 5 phân của cô Nhàn trong "Không bán tình em" khi nhân vật là cô gái nghèo bán rau. NS N.G. khi đóng vai bà nhà quê, làm ruộng nhưng đầu lại nhuộm vàng, tay sơn đỏ chót (chắc quên bôi). Còn trong "Tô Ánh Nguyệt", nhân vật người yêu của Tâm lại mặc chiếc áo dài cách tân của khoảng năm 2000 trong khi bối cảnh lại là thời phong kiến, hay cảnh chèo xuồng nhưng mang giày tây, ở nhà lá mà mặc đầm, quần jean, gánh chôm chôm đi bán mà mang giày cao gót, xõa tóc thướt tha…

Đó là những hình ảnh thường bắt gặp trong băng đĩa cải lương hiện nay.

Một yếu tố đẩy cải lương tuột dốc còn nằm ở khâu kịch bản. Gần đây có khá nhiều tuồng mới ra đời nhưng hầu như khán giả xem xong lại quên ngay, bởi không có điểm nhấn mà na ná giống nhau nào là yêu đương - phụ bạc - mất trí nhớ - hối hận - tha thứ…

Tại sao những tuồng xưa tích cũ hát lại vẫn có người xem là do mỗi  tuồng nó có cốt riêng của nó, không lẫn lộn với bất cứ tuồng nào. Điều đó cho thấy nhiều tác giả, soạn giả ngày nay quá thiếu và yếu; thiếu vốn sống, thiếu chuyên môn, thiếu lăn lộn vào cuộc sống nên đời sống sáng tạo cũng yếu theo, đó là điều dễ hiểu.

Có nhiều kịch bản viết theo kiểu mì ăn liền hay theo đơn đặt hàng của NS chứ không phải là phút xuất thần của tác giả nên nó được viết một cách dễ dãi và hời hợt… Còn nhiều NS thì do chạy sô quá nhiều nên không có thời gian tập tuồng, khi diễn mắt cứ liếc vào cánh gà để nghe nhắc lời, chẳng khác nào cái máy… 

Vẫn còn đất thơm cho nghệ sĩ yêu nghề

Gần đây, để kéo khán giả trở về với cải lương đã có nhiều chương trình mang tính đột phá, như hai vở đầu tư tiền tỷ được sân khấu hóa là: "Kim Vân Kiều" và "Chiếc áo Thiên Nga" nhưng chỉ gây sự tò mò cho khán giả hơn là thưởng thức nghệ thuật.

Rồi chương trình "Vầng trăng cổ nhạc" ban đầu thì rầm rộ lắm nhưng cũng đuối dần và nay thì không thấy đâu nữa.

NS Vũ Luân thì lập ra nhóm "Thắp sáng niềm tin" để tạo đất cho NS trẻ hằng đêm ở rạp Hưng Đạo nhưng cũng không mấy khả quan.

Mới đây, chương trình "Sân khấu vàng" ra đời khác với các chương trình là chỉ diễn nguyên vở chứ không phải là những trích đoạn cải lương như những chương trình trước và số đầu tiên đã thành công, không biết tương lai thế nào.

Sắp tới đây lại có chương trình "Nghề truyền nghề" mỗi tháng hai lần tại nhà hát Hưng Đạo theo phương thức xã hội hóa - có sự góp mặt của nhiều NS lão thành, NS đàn anh để dìu dắt lớp nghệ sĩ trẻ; dự kiến đêm đầu tiên sẽ diễn ra ngày mai, 26/4 do NS trẻ Tú Trinh làm bầu.

Hy vọng mọi nỗ lực của những NS yêu nghề ấy sẽ được đền đáp xứng đáng. Bởi cho dù ngày nay có nhiều loại hình giải trí làm phân tâm khán giả, nhưng mỗi bộ môn nghệ thuật đều có lượng khán giả riêng, nhất là cải lương những ai đã lỡ mê rồi thì không dễ gì thay đổi khi họ được thưởng thức những vở tuồng thật sự có giá trị về mặt chuyên môn, thẩm mỹ và hơn hết là sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của người nghệ sĩ

Phi Yến
.
.
.