Vì sao "Thăng Long tứ quán" còn im tiếng?

Thứ Tư, 11/11/2009, 09:47
Báo CAND có bài "Di tích lịch sử phải sống động, hút hồn du khách Thăng Long", được dư luận bạn đọc Thủ đô và cả nước bày tỏ nhiều ý kiến đồng tình. PV Báo CAND xin tiếp tục trở lại vấn đề đặt ra, Hà Nội cần làm gì để các di tích lịch sử - văn hóa luôn đồng hành, phát triển trong dòng chảy của cuộc sống đương đại. Xin giới thiệu tiếp theo di tích lịch sử chùa Vua, một trong "Thăng Long tứ quán" nổi danh của kinh kỳ xưa…

>> Di tích lịch sử phải sống động, hút hồn du khách Thăng Long

Nằm giữa khu phố Thịnh Yên bán buôn sầm uất, chùa Vua được người dân Hà Nội tới lui thăm viếng vào mỗi tiết rằm, mùng 1 (âm lịch), hoặc các dịp lễ hội hàng năm. Chùa Vua là một trong "tứ quán" của thành Thăng Long xưa (cùng với Huyền Thiên quán nay đã thành chùa Huyền Thiên trên phố Hàng Khoai, Đồng Thiên quán nay là chùa Kim Cô trên phố Hàng Đường và Trấn Vũ quán tức đền Quán Thánh).

Tuy vậy, ngoài hai tấm biển ở hai bên tam quan có lưu dòng chữ: "Di tích lịch sử Cách mạng - chùa Vua - quán Đế Thích" và "Di tích đã được xếp hạng - Cấm vi phạm", không còn chỉ dẫn nào giúp khách viễn du có thể tường tận hơn những sự tích nhuốm màu huyền thoại của ngôi chùa cổ này...

"Thăng Long tứ trấn" từ lâu đã quen thuộc với cư dân Hà Nội. Bốn ngôi đền thiêng trấn giữ bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc của thành Thăng Long vẫn còn nguyên dấu tích và được truyền tụng đến hôm nay: Trấn Đông có đền Bạch Mã (hiện nằm trên phố hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm) thờ thần Long Đỗ - được coi như thành hoàng xưa nhất của Hà Nội. Trấn Tây có đền Voi Phục (nằm trong khuôn viên Thủ Lệ, quận Ba Đình), thờ hoàng tử Linh Lang, con trai thứ tư của vua Lý Thánh Tông.

Chùa Vua - Di tích lịch sử cách mạng độc đáo của Hà Nội - Một trong "Thăng Long tứ quán xưa".

Trấn Nam có đền Kim Liên (nằm tại phường Phương Liên, quận Đống Đa) thờ Cao Sơn Đại Vương. Trấn Bắc có đền Quán Thánh (trên đường Thanh Niên, quận Ba Đình) thờ Huyền Thiên Trấn Vũ.

"Tứ quán Thăng Long" ít được nhắc tới hơn, nhưng cũng là những di tích không thể lãng quên khi Hà Nội đón chào tuổi tròn thiên niên kỷ…

Chùa Vua thực ra bao gồm chùa Hưng Khánh thờ Phật và điện Thiên Đế (tức quán Đế Thích xưa) thờ Vua cờ Đế Thích. Chùa Vua mở hội từ ngày 5 đến 9 tháng Giêng âm lịch, với tục đấu cờ tướng nức tiếng khắp vùng, luôn thu hút được nhiều kỳ thủ tham gia.

Tuy nhiên, những chi tiết hấp dẫn và dễ ám ảnh lòng người như thế lại chưa thấy xuất hiện quanh khu vực chùa. Thiếu hoàn toàn những bia đá giới thiệu, những hàng chữ chú giải đầy đủ và cô đọng, hàng vạn khách du qua lại hè phố Thịnh Yên mỗi ngày đều vô tình bỏ lỡ một cách rất đáng tiếc cơ hội chiêm ngưỡng một di tích độc đáo…

Không chỉ chùa Vua, những di tích khác của "Thăng Long tứ quán" cũng đang chịu cảnh ngậm ngùi vì chưa thể khiến cho khách thập phương, cả du khách quốc tế tỏ tường hơn thân phận của chính mình.

Di tích chỉ có thể đồng vọng cùng cuộc sống đương đại, khi những người tham gia vào việc giữ gìn, quản lý giúp hiện vật cất tiếng, nói thành lời những bí ẩn đã được lưu giữ qua tháng năm.

Chuẩn bị cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, người dân cả nước đang ngày ngày hướng về Thủ đô… Những khoản kinh phí khổng lồ đã được chắt chiu từ nguồn vốn ngân sách, để các cấp, các ngành chung tay tu bổ, tôn tạo, giữ gìn hệ thống di tích rải đều khắp các nẻo đường Hà Nội.

Thế nhưng, đôi khi các cơ quan quản lý văn hóa Hà Nội mải mê lo việc lớn mà bỏ qua những chi tiết nhỏ. Chú giải, tóm lược giá trị của di tích… và giới thiệu ngay từ cổng vào, là một động thái rất nhỏ nhưng có thể giúp gây sự chú ý của những dòng người vẫn lại qua.

Làm sao để bước chân lại gần, du khách đã phần nào nắm bắt được bằng lời những câu chuyện bí ẩn của di tích, chứ không chỉ nhìn ngắm một cách thụ động và chỉ vỡ lẽ ra giá trị có một không hai khi đã trở về nhà, đọc lại một cuốn sách hay bài giảng giáo khoa nào đó…

N. Hương Sen
.
.
.