Vệ sỹ và nghệ sỹ

Thứ Ba, 18/11/2008, 14:27

Điều gì cũng có thể xảy ra ở một thành phố như TP HCM. Thế nên một vệ sỹ chuyên hộ tống các ngôi sao bỗng chốc đắt show quảng cáo, và trở thành ngôi sao phim truyền hình cũng là chuyện hoàn toàn tin được.

Và rồi ngôi sao tóc bạc cỏ lau, dáng cao thước tám, nụ cười điềm tĩnh ấy lại rời trường quay đầy ảo vọng để về đúng vị trí của mình ở công ty vệ sỹ, quản lý 2.500 con người với đủ mọi hỉ, nộ, ái, ố của ngày thường, không vướng bận danh tiếng, cũng chẳng phải chuyện khó tin nhưng có thật. Nguyễn Văn Tùng là một trường hợp như vậy, từ một vệ sỹ vô danh anh trở nên quen thuộc với người dân TP Hồ Chí Minh.

Vệ sỹ

Hầu hết khán giả đều biết đến anh qua những vai diễn trên phim truyền hình. Nhưng với các ngôi sao thì Nguyễn Văn Tùng từng là một bảo chứng cho sự an toàn. Đã hơn 10 năm làm công việc của một vệ sỹ, anh quen thuộc với các ca sỹ và trở thành người không thể thiếu trong các liveshow của họ, từ Phương Thanh cho đến Mỹ Tâm.

Nguyễn Văn Tùng cũng là người tiếp cận hầu hết các ngôi sao quốc tế khi họ đến Việt Nam như Lê Minh, Cổ Thiên Lạc, Jang Dong-gun, Kim Nam-joo và mới nhất là Bi Rain, ngôi sao từng được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 gương mặt nổi bật nhất làng giải trí thế giới.

Show diễn của Bi Rain đã khiến Nguyễn Văn Tùng và hơn 600 cộng sự của anh ở Công ty Vệ sỹ Yuki Sepre phải vất vả đưa ra tất cả những phương án an toàn nhất nhằm bảo vệ ngôi sao, đồng thời không làm tổn thương người hâm mộ. Phương án đó đã được lập trước hàng tháng. Anh cử nhân viên tới khách sạn Omni để quay hình, lên sơ đồ chi tiết cho việc bảo vệ phòng ở, lối đi lại của Bi Rain. Đồng thời, anh đã đưa đội hình tốt nhất, lập phương án chi tiết để bảo vệ Bi Rain từ sân bay Tân Sơn Nhất về khách sạn. Mọi đường đi lối lại đều phải được thực hiện nghiêm ngặt. Nhưng dẫu vậy, nhiều khán giả quá hâm mộ Bi Rain đã tìm mọi cách để… lách qua hàng rào bảo vệ nhằm tiếp cận được ngôi sao gần hơn. Và giải pháp được đưa ra là làm sao ngăn các fans không được quá cuồng nhiệt, nhưng phải mềm dẻo để họ không cảm thấy bị xúc phạm và ngăn chặn thô bạo. Hàng rào vệ sỹ được đưa ra. Và anh đi sát bên cạnh ngôi sao để bảo vệ vòng trong cùng. Và cho tới khi Bi Rain lên máy bay về nước, nhiệm vụ của anh và các cộng sự mới hoàn thành.

"Sao nam bảo vệ vất vả gấp nhiều lần sao nữ. Ngày trước thì người ta chỉ tìm cách tiếp cận ngôi sao. Giờ thấy tôi quen mặt, họ cũng tìm cách… nhéo ngang hông cho bõ tức" - anh vừa cười vừa nói.

Làm vệ sỹ là công việc nghiêm khắc, tiếp cận ngôi sao nhưng không bao giờ được làm phiền, xin chữ ký, trừ khi thân chủ có nhã ý mời. Khi ấy người vệ sỹ cảm thấy ấm lòng. Như khi anh được Jang Dong-gun hay Kim Nam-joo mời chụp hình làm kỷ niệm. Với các ngôi sao "quốc nội" thì sức ép đến từ sân khấu. Làm thế nào để việc biểu diễn, giao lưu giữa ngôi sao và khán giả được diễn ra thân thiện, nhưng ngôi sao không bị nuốt chửng giữa biển người. Nhưng nhiều năm, từ việc làm một vệ sỹ tiếp cận bình thường cho đến khi trở thành người "cầm quân", Nguyễn Văn Tùng luôn được giới nghệ sỹ yêu mến. Như liveshow Phương Thanh, anh là người điều hành toàn bộ các đầu mối bảo vệ. Như live show Mỹ Tâm, anh như một người anh quán xuyến mọi công việc để hàng vạn khán giả đến sân Giảng Võ xem cô hát một đêm say mê.

Nhưng công việc của một vệ sỹ thì không chỉ có thế. Bảo vệ các địa điểm cơ quan xí nghiệp, siêu thị, building mới là công việc chính của họ. Và cũng từ trong môi trường ấy mới có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các công ty vệ sỹ. Nguyễn Văn Tùng nói, mặt bằng của các công ty vệ sỹ không đều nhau, rất nhiều công ty tuyển người mà không đào tạo lấy một ngày, cho ra hiện trường làm việc luôn. Chính vì thế hình ảnh vệ sỹ trong mắt người dân trở nên méo mó.

Hơn 10 năm làm công việc từ một vệ sỹ đứng bốt cho đến khi làm tổ trưởng rồi hiện giờ làm phó giám đốc chi nhánh của Yuki tại các tỉnh, thành phía Nam, Nguyễn Văn Tùng hiểu mọi góc khuất của nghề.

Anh còn nhớ, khi công ty anh triển khai công tác bảo vệ cho một siêu thị mới ở Biên Hoà, các đối tượng lưu manh trộm cắp trong khu vực rất nhiều. Có đối tượng đã dùng hung khí vào siêu thị để dọa nhân viên bán hàng và lấy đồ mang đi. Và đó là đối tượng nghiện ma tuý. Lần đó, phải mất nhiều tâm sức, anh mới thuyết phục được đối tượng và phối hợp với Công an cơ sở giải quyết được êm thấm. Sau lần đó dường như các đối tượng lưu manh lảng vảng quanh siêu thị cũng không còn lộng hành.

Nguyễn Văn Tùng nói, làm vệ sỹ cần biết võ thuật, nhưng vũ lực không phải là cách đắc dụng. Bởi hành lang pháp lý dành cho người vệ sỹ chưa nhiều. Phải biết tìm cách để hóa giải và thuyết phục được người khác. Anh học Vịnh Xuân Quyền từ năm 13 tuổi, đi làm huấn luyện viên võ thuật và thể hình nhiều năm, công việc đó dạy anh một thực tế là phải lấy nhu thắng cương. Và khi làm vệ sỹ anh học được thêm chữ Nhẫn và chữ Hòa.

Từ khi anh lên nắm giữ công việc điều hành, dường như anh không có ngày nghỉ, công việc được hoạt động 24/24h mỗi ngày. Và áp lực công việc nặng nề đến mức mái đầu xanh của anh đã bạc trắng ở tuổi mới ngoài 40. Nhiều người nói mái tóc ấy là điểm dễ nhận ra ở anh, nó là một mái tóc đẹp. Còn anh thì chỉ thấy mình có quá nhiều việc, tóc bạc thì để bạc tự nhiên, không nhuộm lại, mất công chăm tỉa nhiều. Nguyễn Văn Tùng nói chậm, sống chậm, mọi việc điềm tĩnh và nghiêm túc. Có lẽ hình ảnh đó hợp với vị trí của anh trong công việc hiện tại. Và cũng hợp những vai diễn của anh trên màn ảnh. 

Nghệ sỹ

Nguyễn Văn Tùng là người mẫu cho khoảng 20 nhãn hàng nổi tiếng tại Việt Nam. Dường như ngày nào cũng có thể gặp anh trên tivi với những mẫu quảng cáo và anh luôn đóng vai người đàn ông mẫu mực. Từ một mẫu quảng cáo sữa, đạo diễn Lưu Trọng Ninh phát hiện ra anh và cuộc đời của một diễn viên bắt đầu. Vai Danh, người đàn ông từng trải và đa tình làm say đắm biết bao cô gái trẻ trong bộ phim "Dốc tình" là vai đầu tiên, nhưng đã thành công hơn mọi mong đợi.

Vào vai Danh, anh hồi hộp tới mức không ngủ được. Ngày nghỉ cuối tuần, anh đi theo xe đò Sài Gòn - Đà Lạt đêm, lên tới nơi là 3h sáng. Anh ngồi ở ghế đá công viên chờ trời sáng, nhẩm lại thoại và bồn chồn lo lắng cho lần đầu tiên đi đóng phim. Nhưng cuối cùng, vai Danh lại là vai đáng nhớ nhất trong bộ phim nhiều tập với dàn người mẫu trẻ trung và lộng lẫy. Vai Danh cũng là vai thành công nhất của Nguyễn Văn Tùng tính đến thời điểm này.

Nguyễn Văn Tùng kể về một loạt vai trong phim "Bỗng dưng muốn khóc", "Ảo ảnh", "Những cô gái chân dài"... những vai diễn nhẹ nhàng không làm anh khó xử. Nhưng đến vai ông nhà văn trong "Sóng gió thương trường" (do FPT Media sản xuất, sẽ phát sóng trên HTV vào cuối năm 2008) thì anh bật cười. Đó là một ông nhà văn già nhưng thời thượng. Hằng ngày ông online viết lách và "chat chit". Vợ ông (nữ diễn viên Diễm My thủ vai) là một bà chủ giàu có kinh doanh vàng bạc. Một ngày đẹp trời, bà về nhà và phát hiện ra chồng bà đang ngoại tình. Oái oăm nhất là ông đang ôm ấp một... chàng trai trẻ (do người mẫu Hoài Nam thủ vai). Đó là vai khó khăn nhất của Nguyễn Văn Tùng, vì nó trái ngược quá lớn với cảm xúc của anh. Dù chỉ có vài chục phân cảnh, nhưng anh đã phải bỏ rất nhiều công sức cho nó.

Anh nói, phim ảnh là cái cơ duyên, anh không tìm kiếm mà cơ hội tự đến. Anh không từ chối bất cứ lời mời nào dù là vai nhỏ. Bởi anh coi đó là một niềm vui bên cạnh những niềm vui khác anh có được từ nghề vệ sỹ...

Bỗng dưng nổi tiếng

Nguyễn Văn Tùng nói, anh đi làm vệ sỹ bảo vệ các show ca sỹ hoài, mọi người truyền tai nhau và giới casting đem hình anh đi làm casting quảng cáo. Từ đó anh trở thành diễn viên đóng quảng cáo. Và rồi thì phim ảnh cũng là những dịp may tình cờ. Gia đình anh không ai mong chờ sự nổi tiếng của anh trong phim ảnh. Nhưng rồi mọi việc đã đến như buộc nó phải thế. Giờ nói đến Yuki là nói đến Nguyễn Văn Tùng, anh như một thứ đại diện hình ảnh cho công ty. Và giờ anh đi, trên đường phố, trong siêu thị hay các miền quê người ta đều nhận ra anh. Và anh cũng có không ít fans hâm mộ.

Có nhiều cô gái mới lớn xem xong phim "Dốc tình", tìm mọi cách để xin điện thoại và tiếp cận. Có cô bé còn theo về tận nhà và lắm khi cứ đứng chờ anh ở cửa công ty, chỉ để được nhìn thấy anh, rồi lại đi về. Có một dạo các bà nội trợ đến Công ty Yuki tìm anh, bởi có tin đồn anh... đã lên bàn thờ (vì đóng quảng cáo bánh ngọt). Rồi mới đây là anh phải thay số điện thoại vì bị... khủng bố, mỗi ngày vài trăm cuộc điện thoại từ khắp nơi, chỉ vì số của anh trót hiện trên phim "Bỗng dưng muốn khóc".

Sự nổi tiếng có lẽ không phải là điều mà Nguyễn Văn Tùng mong đợi. Anh thích cuộc sống trầm tĩnh hơn. Anh tập thể thao mỗi ngày, tập thiền, đọc sách và sống khá giản đơn. Anh kể, ngày trước từ Gia Lai tay trắng vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, cuộc sống cơ hàn quen, đến khi có chút tiền thì nghĩ thừa thãi quá, anh lại tìm cách bao bọc mấy đứa trẻ mồ côi. Thấy vậy yên lành hơn. Và anh làm như vậy trong suốt cuộc đời như tìm một chữ An trong tâm hồn.

Anh nói thấy cuộc sống như hiện tại là đủ và ổn, chỉ mong nó tốt như vậy thôi. Chứ già thì cũng già rồi, tóc bạc cũng đã bạc rồi, mà thấy đời vẫn rất ổn nên không có gì lo lắng. Có vẻ như anh không nghĩ mình là một ngôi sao như nhiều người vẫn gọi. Nguyễn Văn Tùng trả lời mạch lạc, ngắn gọn. Trả lời xong thì chào từ biệt, ra về. Có lẽ cuộc sống ở thành phố này dạy anh thói quen ngăn nắp về thời gian. Hoặc cũng có thể anh là người biết mình nên dừng ở một điểm nào đó trong cuộc sống...

Thiên Ý
.
.
.