Về nơi nghe rối nước kể chuyện anh hùng bắn máy bay B52

Thứ Hai, 24/12/2012, 19:01
Hoạt cảnh 20 phút “Điện Biên Phủ trên không” qua vở diễn múa rối nước của các nghệ nhân trên ao đình làng Đào Thục (Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội) những ngày tháng Chạp đã tái hiện sống động một sự kiện lịch sử hào hùng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cách đây 40 năm hút người xem vào một thế giới kỳ ảo, sinh động và đầy hào hứng.

Những chú rối nước biết kể chuyện lịch sử

Làng quê đang yên ả, thanh bình. Những người nông dân vui vẻ cấy cày, mấy cô thôn nữ áo mớ ba mớ bảy đang xay, giã, dần, sàng. Bỗng tiếng kẻng vang lên chói tai, tiếng loa thúc giục hối hả: “Máy bay địch đang tiến vào Hà Nội…”. Khung cảnh thanh bình bỗng xáo trộn rồi nhanh chóng biến mất. Những người nông dân bỏ cày cuốc, lăm lăm tay súng, người già trẻ em tìm nơi ẩn nấp… Những đoàn máy bay hùng hổ kéo tới cắt bom. Những tiếng nổ làm trời đất rung chuyển. Từ dưới mặt đất tên lửa, pháo cao xạ đanh thép đáp trả. Một chiếc máy bay trong tốp trúng đạn bốc khói đen sì cố chạy ra biển nhưng chỉ được một đoạn thì nổ tung thành một quầng lửa giữa trời…

Hoạt cảnh 20 phút “Điện Biên Phủ trên không” qua vở diễn múa rối nước của các nghệ nhân trên ao đình làng Đào Thục (Thụy Lâm, Đông Anh, Hà Nội) những ngày tháng Chạp đã tái hiện sống động một sự kiện lịch sử hào hùng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cách đây 40 năm hút người xem vào một thế giới kỳ ảo, sinh động và đầy hào hứng.

Lịch sử đã tốn nhiều giấy mực để nói về sự kiện này. Nhưng sức truyền cảm từ những con rối nước nơi làng quê nhỏ bé xa xôi kia vẫn thật mãnh liệt bởi nó được tái hiện qua hồi ức của một nghệ nhân làng rối - người anh hùng diệt B52 Đinh Thế Văn, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 77 anh hùng - người hai lần tham dự chiến dịch Điện Biên Phủ (1954 và Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 12/1972) và trở về trong tư thế chiến thắng, tác giả của ý tưởng dựng kịch bản rối nước cảnh bắn rơi máy bay B52 trên bầu trời Hà Nội tháng 12/1972.

Nhắc lại kỷ niệm không thể nào quên cách đây 40 năm mà chính ông là người tham chiến và nhân chứng sống của sự kiện lịch sử hiếm hoi, người sỹ quan dạn dày trận mạc vẫn cảm thấy chiến thắng ấy là điều kỳ diệu.

Trận địa của Tiểu đoàn do ông Đinh Thế Văn phụ trách được đặt ở Chèm, Thụy Phương là trận địa xung yếu có 3 nhiệm vụ: bảo vệ cơ quan đầu não của Trung ương Hà Nội, bảo vệ Đài Phát thanh và bảo vệ nơi yên nghỉ cuối cùng của Bác Hồ”. Dường như Đức Thành Chèm, vị thần linh thiêng với sức mạnh huyền thoại đã làm bao kẻ thù phải kinh hồn bạt vía lui bước từ hàng ngàn năm trước, lúc này đã tiếp thêm sức mạnh niềm tin và sự sáng suốt cho các chiến sỹ của ta. Dù căng thẳng hơn dây đàn trước nốt nhạc cao, dù áp lực phải chiến thắng khiến mồ hôi trán họ toát ra đầm đìa ngay giữa những ngày đông giá lạnh nhưng lý trí của họ thì vẫn tỉnh táo sắc lạnh. Những trắc thủ trên đài quan sát vẫn chăm chú quan sát, dò tìm phát hiện dải nhiễu di động, ngắm đúng cự li, xác định toạ độ chính xác báo về đài chỉ huy.

Đồng chí Đinh Thế Văn (quê xã Thụy Lâm) cùng kíp chiến đấu Tiểu đoàn 77, đơn vị Anh hùng LLVTND đã bắn rơi 4 máy bay B52 của Mỹ trong 12 ngày đêm tháng 12/1972.

Người chỉ huy khớp lệnh nhanh chóng, ra lệnh nhấn nút đầu tiên. Hai quả đạn vọt lên xé màn đêm đen như con rồng lửa nhằm thẳng mục tiêu là giải nhiễu khổng lồ khi nó cách Hà Nội chừng 32km. Ra-đa ngừng phát sóng sau vài giây khiến kẻ thù không kịp xác định chính xác vị trí trận địa của ta để bắn trả. Một quầng lửa bùng lên cùng tiếng rít dài chói tai. Chiếc máy bay khổng lồ trúng đạn lao như mũi tên xuống mặt đất rồi nổ bùng. Hàng trăm chiếc máy ảnh máy quay phim đã bám theo và chớp được. Tiếng reo hò của quân và dân cũng những người nín thở chứng kiến vỡ oà trong niềm vui hân hoan chiến thắng. Áp lực phút chốc trở nên nhẹ bỗng. Bài toán máy bay B52 đã có đáp án chính xác. Chiến thắng này là khúc dạo đầu hùng tráng cho những thắng lợi giòn giã tiếp theo của quân và dân miền Bắc.

Thời khắc lịch sử ấy chỉ có một. Nó có tầm vóc vượt lên cả chiến thắng Điện Biên Phủ mà tôi đã tham dự cách đó 18 năm, ông Đinh Thế Văn cho biết. Những ký ức về “Điện Biên Phủ trên không” thì vẫn rõ mồn một trong tôi như cách đây 40 năm về trước. Ý tưởng phải ghi lại về nó để không bao giờ được phép lãng quên cứ thôi thúc trong tôi. Sau khi tâm sự với cha tôi, được ông ủng hộ, tôi đã hào hứng tìm cách thực hiện. Trong 2 năm sau có ông Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long sau này về Đào Thục quê tôi học nghề múa rối nước của cha tôi. Ông Hùng cũng bị cuốn theo ý tưởng ấy cùng tôi bắt tay vào làm rối và viết kịch bản biểu diễn và vở diễn ra đời…

Với vở diễn “Điện Biên Phủ trên không” ông Văn đã may mắn trở thành người 3 lần tham dự trận địa Điện Biên Phủ. “Không phải tôi say sưa với chiến thắng mà muốn giữ mãi kỷ niệm chiến tranh. Là bởi trong mỗi thế hệ chúng ta dòng máu anh hùng vẫn chảy trong huyết quản. Ở đất nước đầu sóng ngọn gió này, luôn tiềm ẩn những kẻ thù rình rập. Bài học lịch sử không thể để xóa mờ, quên lãng. Chúng ta ghi lại bằng chính sử hay bằng nghệ thuật cũng vậy. Những con rối nước kia sẽ giúp tôi nhớ mãi, sẽ nói hộ chúng tôi, những thế hệ đi trước gửi lời nhắn nhủ đến thế hệ mai sau rằng: nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng chiến thắng”.

Ông Đinh Thế Văn giới thiệu sân khấu rối nước mới được xây dựng.

Anh hùng của làng rối Đào Thục

Câu chuyện của những con rối nước không dài nhưng sinh động bởi những người nghệ sĩ nông dân đã biết yêu quê hương biết duy trì nó. Những con rối nước có thể đã bị xếp xó cho mối xông vài chục năm nay khi Đào Thục trở thành ốc đảo giữa Thủ đô bởi sự nghèo nàn lạc hậu và ngăn cách địa lý với nhịp sống chuyển mình của thời cuộc.

Nghề rối nước có lẽ đã đến lúc suy tàn trước luồng gió đổi mới vì nhiều ngành nghệ thuật hiện đại ào vào như cơn lốc thời mở cửa.

Nỗi trăn trở của người chơi, của cụ thân sinh ra ông Đinh Thế Văn đã nhắc nhở thôi thúc người con hiếu thảo của quê hương kế tục và phục dựng lại nghề của làng.

Đầu năm 1990 người lính già sau khi hoàn thành nghĩa vụ trở về quê. Tinh thần người bộ đội Cụ Hồ trong ông vẫn bừng bừng cháy đến mức ông đau đáu tìm con đường phát triển mới của làng, hướng ra của rối nước. Sao cho người bốn phương biết đến và tìm về với rối nước để cho người nghệ nhân múa rối nước sống được bằng nghề của làng. Hàng chục năm trời ông Văn cùng các nghệ nhân tâm huyết đã đi gõ khắp các cửa cơ quan chức năng, nhà hảo tâm, những người nghệ sỹ có tâm hồn đồng cảm… kêu gọi ủng hộ làng nghề.

Cố gắng của ông đã dần được đền đáp. Nhiều đoàn khách thập phương, bạn bè năm châu đã tìm về Đào Thục. Rối nước của làng sống dậy rực rỡ dưới ánh đèn nê ông rồi đèn điện, ao đình rộn rã tiếng đàn sáo thâu đêm. Người nghệ nhân đã được mời đi khắp trong nước và quốc tế để biểu diễn… Hởi lòng hởi dạ, người cha già của ông sau khi chứng kiến cảnh hưng thịnh của cái nghề ông nâng niu theo đuổi gần 90 năm cuộc đời, đã ngậm cười yên nghỉ.

Với ông Đinh Thế Văn, việc làm ấy là nghĩa vụ ông tự đặt lên vai. Còn với nhiều nghệ nhân và bà con Đào Thục, ông là anh hùng đã chiến thắng trong chiến tranh trở về và vẫn mãi là anh hùng của làng rối nước Đào Thục

Hải Hằng
.
.
.