Về nơi bảo tồn cồng chiêng lớn nhất Tây Nguyên

Thứ Hai, 29/09/2008, 08:49
Cồng chiêng gắn bó như máu thịt với đồng bào Tây Nguyên, nhưng lại không chính tay người dân ở đây làm ra. Phần lớn cồng chiêng có được và lưu giữ trong mỗi gia đình ở Tây Nguyên hôm nay là do lưu truyền của dòng tộc từ đời này sang đời khác hoặc qua quá trình mua bán, giao thương với các nơi, các quốc gia khác...

Vì thế việc bảo vệ và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang là một vấn đề hết sức quan trọng. Ở Kbang, Gia Lai, vùng căn cứ cách mạng phía Đông Tây Nguyên được xem như chiếc nôi lưu giữ và bảo tồn cồng chiêng lớn nhất Tây Nguyên ngày nay.

Ngày đi rẫy, tối về đánh chiêng

Vượt qua nhiều dốc núi, chúng tôi đến ngôi làng Bông khi ông mặt trời cũng vừa bắt đầu lặn. Làng Bông hiện hữu những ngôi nhà tranh nho nhỏ đơn sơ, tĩnh lặng trong bóng đêm giữa đại ngàn. Thôn trưởng Đinh Kluân 34 tuổi, mới vừa đi rẫy về nhanh chóng dắt chúng tôi đến gặp gia đình vợ chồng Đinh Nhâm, người có nhiều cồng chiêng nhất làng.

Bà Đinh Cheo (vợ Đinh Nhâm) năm nay hơn 70 tuổi đã đưa những bộ chiêng đẹp ra đánh và dạy lũ trẻ trong làng. Vợ chồng Đinh Nhâm, Đinh Cheo hiện còn lưu giữ 5 bộ chiêng quý. Nhiều lúc có người tìm đến hỏi mua nhưng ông bà vẫn không bao giờ chịu bán. "Chiêng của ông bà để lại cho con cháu không thể bán được", già Cheo nói.

Thôn trưởng Đinh Kluân cho biết, cư dân làng Bông có 62 hộ, hơn 380 khẩu, phần lớn ai cũng biết đánh chiêng, mê tiếng chiêng như khúc hát câu dân ca của mẹ ru con lúc đầu đời.

Sống với cồng chiêng

Làng Bông hiện có 32 bộ chiêng, nhà nhiều nhất có 5 bộ, là làng có số cồng chiêng lớn nhất ở huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Đặc biệt nhà ông Đinh Gơng có 1 bộ chiêng cổ quý nhất Tây Nguyên.

Già Gơng kể rằng bộ chiêng quý của gia đình mình đã được lưu truyền từ nhiều thế hệ qua và xem như gia sản đặc biệt của gia đình. Vừa nói, già Gơng vừa mang từng chiếc chiêng một ra gõ trong sự sung sướng và nói: "Chiêng này ngân vang thanh lắm, xa lắm!".

Ông đưa nhẹ từng ngón tay áp nâng niu vào mặt chiêng ánh màu kim loại đồng ưng ửng trong mơn trớn mãn nguyện như được chạm vào da thịt của thần linh. Tôi hỏi già Gơng bộ chiêng này từ đâu ra, ông chỉ biết trả lời: "Ông bà đã truyền lại. Mất nó là nhà mình không làm ăn được".

Theo thống kê của Phòng Văn hóa Thông tin huyện Kbang, Gia Lai. Hiện toàn huyện còn lưu giữ 919 bộ cồng chiêng, trong đó có 17 bộ cồng chiêng thuộc loại quý hiếm.

Gặp gỡ những đồng bào Bah Nar ở buôn làng nơi đây ai cũng mê "hồn chiêng". Các già làng kể rằng, hồi xưa có lần được mùa lúa, nuôi được đàn trâu, bò là đem đổi hết lấy cồng chiêng về cất. "Thần lúa cho ta lúa, thần sức khỏe cho ta mạnh khỏe để làm ra của cải nhưng thần chiêng thì không cho chính tay bà con mình làm được…", già Nhâm nói.

Bà con trong làng ở đây quý cồng chiêng hơn vàng nên ai mua cũng không bán, họ chỉ muốn mua thêm, đổi thêm nhưng bây giờ tìm không ra chiêng cổ. Cồng chiêng được đồng bào Bah Nar lưu giữ trong nhà và quý giá như một thành viên sống của gia đình.

Và mỗi ngày, sau những giờ lao động vất vả trong cuộc sống bộn bề của đời thường, đêm đêm họ lại vui và thư giãn bên âm vang của những tiếng cồng, tiếng chiêng. Những ngày lễ hội, họ được sống hết mình với cồng chiêng, yêu quý cồng chiêng và cảm thấy thật hạnh phúc khi được thưởng thức cồng chiêng.

Lẽ sống tưởng chừng như giản đơn ấy ở những ngôi làng Bah Nar nơi vùng rừng núi Kbang, Gia Lai này thật hiếm thấy và thật đáng trân trọng, có một không hai ở Tây Nguyên

Ngọc Như
.
.
.