Về "Vũ Đại" tìm lại nhân vật trong "Chí Phèo"

Thứ Tư, 08/12/2004, 10:55

Các nhân vật trong Chí Phèo đều được Nam Cao xây dựng từ nguyên mẫu ngoài đời. Thị Nở là bà cô của nhà văn. Chí Phèo là một người làng. Bá Kiến là hình tượng hư cấu của Nghị Bính. Họ đều đã mất nhưng vẫn “sống” trong những câu chuyện của dân làng “Vũ Đại”…

Ngày 30/11, lễ khánh thành Nhà tưởng niệm nhà văn, liệt sỹ Nam Cao đã diễn ra tại xã Hoà Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 53 ngày nhà văn anh dũng hy sinh. Sau 47 năm ông nằm với những chiến sỹ vô danh trong một nghĩa trang của huyện Gia Viễn (Ninh Bình), đến ngày 18/1/1998, hài cốt của nhà văn mới được xác định.

Và hôm nay, trên mảnh đất ông đã cất tiếng khóc chào đời, công trình nhà tưởng niệm đặt cạnh phần mộ của nhà văn trong khu vườn yên tĩnh bên bờ sông Châu đã hoàn thành. Thăm nhà tưởng niệm, lần đầu tiên chúng tôi được chiêm ngưỡng bức tượng đồng chân dung nhà văn do tập thể cán bộ, chiến sỹ Nhà xuất bản CAND kính tặng. Ngoài những tác phẩm của Nam Cao do các nhà xuất bản trong nước gửi đến, nơi đây còn trưng bày những hiện vật gắn liền với cuộc đời của nhà văn..

Tên khai sinh của nhà văn Nam Cao là Trần Hữu Tri. Nơi ông chào đời là làng Đại Hoàng xưa thuộc tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân. Nhớ ơn đất mẹ sinh thành, ông đã chọn chữ đầu tên huyện, tên tổng thành bút danh Nam Cao.

Trên văn đàn, Nam Cao là cây bút hàng đầu của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Cuộc đời cầm bút của ông tuy ngắn ngủi (chỉ khoảng 15 năm) nhưng các tác phẩm để lại cho hậu thế luôn ẩn chứa sức sống, sức bền của một giá trị văn chương. Thông điệp mà ông gửi vào tác phẩm là niềm khát vọng cháy bỏng của những con người lam lũ bình thường về một ngày mai tốt đẹp hơn. Ước vọng ấy giờ đây đã trở thành hiện thực.

Nhà văn Nam Cao đã góp thêm vào dòng văn học hiện thực phê phán một lối viết văn hàm súc chua chát đến lạnh lùng nhưng chứa chất lòng trắc ẩn, lắng sâu chất trữ tình, tinh tế mà khái quát. Nam Cao là một trong chín nhà văn được lựa chọn tác phẩm để giảng dạy trong chương trình phổ thông với tư cách là tác gia lớn của văn học dân tộc. Đã có khoảng 200 công trình khoa học, bài báo của nhiều tác giả, nhà nghiên cứu về nhà văn Nam Cao. 53 năm qua, những tác phẩm của Nam Cao luôn được bạn đọc nhiều thế hệ trân trọng, đặc biệt là tác phẩm Chí Phèo.

Rời khu nhà tưởng niệm, theo chân ông Nguyễn Thế Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh Hà Nam, chúng tôi tìm đến làng "Vũ Đại" trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao. Ngôi làng này nay đã thay da đổi thịt, quê hương Hòa Hậu của nhà văn Nam Cao đã vinh dự được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Hồi ấy, Nam Cao ở với bà ngoại, ngôi nhà nơi ông được sinh ra bây giờ do ông Trần Hữu Đạt (em ruột của nhà văn trông coi). Dường như trong căn nhà ấm cúng này lúc nào cũng có hình bóng của người thanh niên Trần Hữu Tri đang miệt mài đèn sách. Hầu hết những đồ đạc, hiện vật trong nhà vẫn được bày biện như hồi nhà văn Nam Cao còn sống.

Người dân địa phương kể lại rằng: toàn bộ những nhân vật trong tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao đều xuất phát từ những nguyên mẫu có thật. Những “nhân vật điển hình” trong làng "Vũ Đại" như Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến... đã mất. Nhân vật Thị Nở bắt nguồn từ chính là bà cô của nhà văn. Khi xây dựng hình ảnh người phụ nữ này, tác giả đã để nguyên tên tuổi của bà cô mình.

Trong làng cũng có một người tên là Chí Phèo có tính cách gần giống với nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm của nhà văn. Nhưng thực tế Chí Phèo và Thị Nở ở ngoài đời không lấy nhau. Chí Phèo lấy một phụ nữ khác và cũng có một đứa con.

Nam Cao lấy hình tượng ông Nghị Bính để xây dựng thành nhân vật Bá Kiến. Ông Nghị Bính có 5 bà vợ và ông sống cùng người vợ thứ 3. Nam Cao đã hư cấu hình tượng ông Nghị Bính để tố cáo chế độ phong kiến hà khắc, chứ thực tế thì ông Nghị Bính không hoàn toàn giống như trong tác phẩm văn học.

Ngôi nhà của ông "Bá Kiến" đã sang tên đổi chủ tới 4 lần. Cùng với thời gian và vì không được tu bổ, sửa chữa nên ngôi nhà ngày càng xuống cấp, nhiều cột, cánh cửa đã bị mối mọt. Căn nhà nhỏ này là minh chứng cho chế độ phong kiến thối nát và cũng là một trong những hiện vật cuối cùng của tác phẩm văn học nổi tiếng Chí Phèo còn sót lại.

Vài năm trước, độc giả đến thăm quê hương của Nam Cao vẫn được thấy cái lò gạch, nơi gắn với 2 nhân vật Chí Phèo - Thị Nở, nhưng đến nay cái lò gạch này đã biến mất.

Lưu giữ những kỷ vật, tư liệu về thân thế và sự nghiệp của nhà văn liệt sỹ Nam Cao là việc làm quan trọng để những thế hệ mai sau nghiên cứu và học tập. Trước mắt, các cơ quan chức năng cần có kế hoạch bảo tồn, giữ gìn ngôi nhà của "Bá Kiến" làm địa điểm cho khách đến tham quan

Lệ Huyền
.
.
.