Về Tùng Luật nghe chèo cạn

Chủ Nhật, 28/11/2004, 20:10

Chèo cạn là một hình thức văn hoá đặc trưng của ngư dân miền biển. Với người dân Tùng Luật (Vĩnh Giang - Vĩnh Linh - Quảng Trị), lễ hội này sau một thời gian thất truyền đã được khôi phục và trở thành một hoạt động văn hoá dân gian độc đáo. Có được điều đó là nhờ những người như nghệ nhân Nguyễn Ái Chủng đã dày công tìm kiếm và khôi phục lại.

Trong dân gian, lễ hội chèo cạn thường diễn ra vào rằm tháng 2, với tên gọi Cầu mùa. Đội chèo cạn gồm có 15 người (1 ông lái, 1 ông mũi, 1 ông tát nước, 12 ba trạo) nhằm mô phỏng lại những chuyến đi biển của các ngư dân. Người cầm lái trong đội chèo cạn bắt buộc phải hát được các điệu hò mái nhì, hò nện...

So với các miền biển khác, lễ hội chèo cạn làng Tùng Luật còn có những nét đặc trưng như: tay chèo của ba trạo (12 tay chèo) phải có ngoắc tay làm cho động tác chèo trở nên mạnh mẽ hơn nhằm tái hiện lại hình ảnh những người đi biển vượt qua sóng biển một cách chân thực nhất. Đồng thời chèo cạn ở đây còn kết hợp với  hò lý ngư, hò mái đẩy để cho ba trạo lấy hơi. Ở chèo cạn làng Tùng, thuyền được hình thành bởi sự sắp xếp của các ba trạo và được diễn ra trên một phạm vi rộng là sân làng. Vậy nên, các buổi biểu diễn của đội chèo cạn làng Tùng bao giờ cũng sinh động.

Người gìn giữ những làn điệu cổ

Ở Tùng Luật, khi nhắc đến chèo cạn, mọi người đều nhắc đến nghệ nhân Nguyễn Ái Chủng, người đã hơn 10 năm cần mẫn sưu tầm các làn điệu cổ, các làn điệu dân ca và đặc biệt là khôi phục lại lễ hội chèo cạn làng Tùng.

Trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, ở làng Tùng, hình thức sinh hoạt dân gian hát chèo cạn đã bị thất truyền. Vốn sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa, là cháu nội của cụ Nguyễn Như Bá - người có công truyền bá môn nghệ thuật hát bội và ca Huế cho người dân trong vùng, người đã thành lập ra gánh hát bội Ông Bộ Uyển, cái nôi sản sinh ra nhiều nghệ sỹ tài danh trong vùng, nên ông Chủng quyết tâm khôi phục lại chèo cạn làng Tùng. Lúc đó nhạc sỹ Võ Đình Hùng cũng nghỉ hưu, lại là người có chung ý tưởng với ông, nên hai anh em bắt đầu thực hiện chuyến đi tìm vốn cổ. Sau đó lại vắt óc ra để làm sao thực hiện được tinh thần giữ gìn, nhưng vẫn không quên phát huy bản sắc văn hóa và phù hợp với đời sống mới…

Có thể nói, chèo cạn làng Tùng hôm nay có những nét độc đáo riêng không thấy ở những nơi khác, tiêu biểu là lấy phụ nữ vào đội chèo cạn thay những người đàn ông. Đó là cách tân đáng kể nhất của đội múa chèo cạn.

Kể từ năm 1996 đến nay, lễ hội chèo cạn đã trở thành một nét sinh hoạt văn hoá không thể thiếu của người dân trong vùng. Về lâu dài, ông dự định đưa chèo cạn vào các lễ tang của những người dân trong làng (xưa kia chèo cạn chỉ có trong đám tang của những người có chức sắc trong làng). Tuy nhiên, ý tưởng của ông đến nay vẫn chưa trở thành hiện thực.

Với những đóng góp trong hoạt động văn hóa nghệ thuật, nghệ nhân Ái Chủng đã vinh dự được Bộ Văn hóa - Thông tin trao tặng "Huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng". Tuổi cao, sức yếu nhưng vì tình yêu văn hóa dân tộc, ông vẫn đảm đương chức vụ Phó Chủ nhiệm CLB dân ca Cửa Tùng

Lâm Anh - Trúc Khê
.
.
.