Về Tây Đô chơi Tết miệt vườn

Thứ Tư, 09/02/2005, 07:17

Từ xa xưa mảnh đất Cần Thơ, mệnh danh Tây Đô - nổi tiếng được thiên nhiên ưu đãi, là vùng đất màu mỡ, với ngút ngàn màu xanh cây lá, ruộng đồng cùng nhiều sông rạch, vườn cây ăn trái trĩu quả. Thiên nhiên đã ban tặng cho miền đất trù phú, hiền hoà bên bờ sông Hậu, nơi ẩn chứa chiều sâu văn hoá Nam Bộ, người Cần Thơ cần cù tạo nên đời sống sung túc, và Tết của dân miệt vườn cũng rất rôm rả.

Để chuẩn bị “món ngon, vật lạ” trong ngày Tết, người dân Cần Thơ ngoài chuyện lo mặc, họ rất quan tâm đến các món ăn được chế biến ở gia đình, tuỳ khẩu vị của mỗi nhà. Hầu như nhà nào cũng có sẵn các loại bánh ngọt, các loại mứt me, bí , gừng, dừa... Người Cần Thơ ưa thích nhất là món tôm khô củ kiệu. Dưa kiệu được làm sạch , phơi khô để nguyên ngâm trong nước giấm cho vào một ít đường, để càng lâu càng thấm, cùng với món “dưa” thịt heo luộc ngâm nước giấm đường, dành cho phái mày râu nhậu lai rai đến ra giêng.

Vào những ngày Tết nhà nào cũng có dưa hấu. Dưa hấu ngày Tết khá nhiều, chất đầy ở các chợ, ven đường và cả ở dưới sông. Họ thường chọn trái lớn nhất và ngon nhất để cúng tổ tiên. Những cặp dưa thật đẹp, thật tròn, dán thêm miếng giấy hồng vuông vuông, đặt hai bên lư hương. Sáng mùng một mọi người trong nhà quây quần xẻ trái dưa hấu, nếu thấy ruột đỏ tươi thì cảm nhận năm mới mọi chuyện để hanh thông và thành đạt. Do vậy dù dưa loại trái dài hoặc trái tròn, nếu được ruột đỏ hay vàng như nghệ đều được “lên ngôi” với người mua sắm Tết.

Hoa mai được xem là biểu tượng của mùa xuân ở đất phương Nam, nên được nâng niu chăm chút từng ngày kể từ khi lặt lá, thường vào khoảng 15 – 18 tháng Chạp, để nhành mai có thể nở rộ vào đúng sáng mùng một Tết với sắc vàng rực rỡ. Đây là sứ giả mang đến may mắn và niềm vui. Ở xứ miệt vườn Cần Thơ, nhà nào cũng có vài gốc mai vàng trước ngõ.

Bánh tét, bánh ít là hai thứ không thể thiếu trên ban thờ cúng tổ tiên, ông bà. Bánh tét có nhân thịt heo nạc, chuối xiêm, bên ngoài nếp xào với nước cốt dừa gói bằng lá chuối thành thỏi dài và buộc chặt lại bằng sợi lạt hoặc cọng thân chuối phơi khô. Tuỳ nhân khẩu từng nhà mà gói theo cỡ to hay nhỏ. Đêm giao thừa ngồi quanh bếp lửa hồng nấu bánh ít, bánh tét, râm ran không biết bao nhiêu chuyện kể, nếu có người thân ở xa về không khí càng nồng đậm hàn huyên.

Ngày Tết, người dân miền Tây không gì thú vị bằng những chuyến về chơi miệt vườn đi dưới vườn cây trĩu trái và thưởng thức những món đặc sản. Đến miệt vườn mới cảm nhận hết sức quyến rũ của nó. Xoài bắt đầu chín vàng lơ lửng trên những cành cây, sapôchê tròn lẵng đong đưa, bưởi Năm Roi thanh ngọt, vú sữa căng phồng, bóng láng, mận hồng đào đỏ tươi, mọng nước, cam quýt ngọt ngào óng chuốt. Trái cây mịêt vườn nức tiếng thơm ngon. Xuân về , mịêt vườn khởi sắc, ruộng vườn bát ngát bao la. Vạn vật như bừng lên sức sống. Tiếng chim ca ríu rít trong vườn cây đầy trái chín.

Tại Cần Thơ từ bến Ninh Kiều, bạn xuống tắc rán hoặc xuồng ba lá khoan thai mái chèo theo những con rạch đục ngầu phù sa quanh co luồn vào các nhánh sông chằng chịt, với những rặng bần trầm mặc ven sông, bụi ô rô mọc hoang bên bờ đất chảy xuyên qua những mảnh vườn, khiến du khách tham quan được mát mắt với một màu xanh bất tận.

Cảm giác như thư giãn, được trở lại cội nguồn của cuộc sống chính là yếu tố khiến khách thập phương sẵn sàng vượt qua bao chặng đường đầy vất vả để thưởng thức. Qua những nơi này nghe văng vẳng tiếng đờn ca: “Con kênh xanh dấu mình dưới bóng dừa lá ngọn/ Đò dọc ngang đưa khách đến quê em/ Dòng sông Hậu mang nặng hạt phù sa/ Bồi mảnh đất Cần Thơ thêm mầu mỡ”. Du khách thoả thích ngắm nhìn những vườn cây trái bạt ngàn xanh ngát, tận hưởng hương thơm trái cây chín từ nhãn, sa bô, sầu riêng, chôm chôm, bòn bon... ngọt ngào chắt ra từ phù sa sông Hậu. Như nhà văn Nguyễn Tuân nói: “Chỉ cần với tay đã có trái ăn liền”.

Theo ngọn gió, khách đặt chân qua những chiếc cầu dừa đến những ngôi nhà ngói xưa nằm ẩn khuất dưới những tán cây râm mát. Ngồi trong sân vườn, khách thưỏng thức bữa tiệc ngọt ngào hương vị thức ăn đồng quê “sệt ”chất Nam bộ: bánh xèo, bánh khọt, bắp nướng, lẩu mắm, cá lóc nướng trui, cá rô kho tộ, gà bọc đất sét nướng, tôm càng xanh nướng... ăn cùng các loại “rau sạch” rất đa dạng của miệt vườn.

Tiếng hò từ du thuyền văng vẳng như mời gọi khách đến các chợ nổi độc đáo có một không hai của vùng sông nước ĐBSCL. Thuyền chở chuối cồng kềnh. Thuyền chở rau xanh mướt... Tất cả mọi nông thổ sản đều được chuyển về đây để khách hàng lựa chọn. Khu chợ này có một phong cách quảng cáo đặc sắc: buộc một mẫu sản phẩm lên mũi sào tre và cắm ở đầu thuyền. Thuyền bán rau có một mớ rau treo cao, thuyền chở bưởi treo lủng lẳng một trái bưởi. Không ít ghe hàng này sử dụng còi thổi, hay dùng cassette để quảng bá sản phẩm. Cũng chính nơi đây, soạn giả cải lương Viễn Châu đã cảm tác cho ra đời bản vọng cổ nổi tiếng Tình anh bán chiếu.

Đi chơi vườn thì phải ăn uống theo kiểu đồng quê, thưởng thức ca nhạc tài tử thì mới đúng điệu. Muốn lai rai thì có rượu nếp, tráng miệng với những trái cây có sẵn trong vườn. Vừa thưởng thức món ăn dân dã, du khách vừa được nghe đờn ca tài tử, hưởng không khí trong lành của hoa đồng cỏ nội và nghe tiếng ếch nhái đồng ca khi đêm xuống

Thanh Hoàng
.
.
.