Về Quang Yên nghe hát Sình ca

Thứ Ba, 16/12/2014, 08:44
Cách trung tâm TP Vĩnh Yên khoảng 50km, vượt qua những con dốc ngoằn ngoèo, uốn lượn, chúng tôi về với xã Quang Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có đông đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống để được thưởng thức những câu hát Sình ca mộc mạc mà da diết, sâu lắng mà mê đắm lòng người.

Quang Yên là một xã miền núi nằm ở phía Bắc của huyện Sông Lô với gần 400 hộ đồng bào dân tộc Cao Lan sinh sống. Cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn nhưng đời sống văn hóa tinh thần lại rất phong phú và đặc sắc. Hát Sình ca là một loại hình xướng ca truyền thống của dân tộc Cao Lan và được lưu truyền từ đời này qua đời khác bằng hình thức truyền miệng. Hát Sình ca bao giờ cũng đi kèm với những điệu múa uyển chuyển, sinh động mô phỏng lại cảnh sinh hoạt đời thường của người dân.

Người Cao Lan thường hát Sình ca vào dịp năm mới, hát trong đám cưới, trong các ngày lễ hội, hát mừng nhà mới và họ cũng có thể hát ở bất cứ nơi đâu như trên nương, dưới ruộng hay ở ngoài đường và có nhiều chủ đề như hát mở đầu, hát vào bản, hát trên đường, hát mời thần ca hát. Những câu hát giản đơn như một lời nói, lời hỏi đáp hằng ngày: “Xin hỏi khi nào thì dùng rìu/ Dùng đao giờ nào thì được việc/ Lúc nào dùng cưa xẻ gỗ/ Dùng bào vào lúc nào hỡi chàng”. Hát là để giao đãi, trò chuyện, gửi gắm tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lứa đôi, khát vọng và ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc.

Hát Sình ca mang giá trị văn hóa đặc sắc như vậy, nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà làn điệu dân ca này có thời gian bị bỏ quên. Để bảo tồn điệu hát Sình ca độc đáo của dân tộc mình, các nghệ nhân thôn Xóm Mới đã thành lập Câu lạc bộ hát Sình ca. Câu lạc bộ thường sinh hoạt hằng tuần tại Nhà văn hóa thôn Xóm Mới. Đây là thôn có nhiều hạt nhân biết hát và giữ được giọng hát Sình ca hay nhất, đồng thời có đội văn nghệ hát Sình ca ra đời sớm nhất xã.

Ông Nguyễn Thiệu Dung, Chủ tịch UBND xã Quang Yên cho biết: Bên cạnh việc phục dựng lễ hội Lồng Tồng độc đáo (lễ hội xuống đồng) thì xã đã quyết tâm bảo tồn những làn điệu Sình ca truyền thống để lưu giữ và truyền lại cho con cháu những giá trị truyền thống của dân tộc.

Ngay từ khi mới thành lập, Câu lạc bộ hát Sình ca đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của rất nhiều người. Nhiều thành viên trong các Câu lạc bộ tuy không biết chữ nhưng với niềm đam mê hát tiếng dân ca của dân tộc, họ vẫn say sưa đi tập hát, hết mình với những lời ca, tiếng hát. Còn với những người ở cái tuổi "xế chiều” thì Câu lạc bộ chính là nơi sinh hoạt tuổi già, họ tìm thấy sự thanh thản về tinh thần sau bao nhọc nhằn, vất vả của cuộc sống mưu sinh. Những ngày đầu hoạt động, Câu lạc bộ chưa được 10 thành viên. Đến nay, Câu lạc bộ đã thu hút được sự tham gia của gần 50 người, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Người già nhất trên 80 tuổi, có những em bé mới 12, 13 tuổi cũng hăng hái tham gia.

Ông Hoàng Giang Lâm, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca, dân vũ thôn Xóm Mới cho biết: Những ngày đầu mới thành lập, sinh hoạt của Câu lạc bộ rất hạn chế vì số lượng thành viên ít, chủ yếu là người lớn tuổi. Sình ca khá khó hát, đòi hỏi người hát phải luyến láy âm điệu sao cho mượt mà, sắc nét, ngân dài mà vẫn trầm bổng nên rất kén người hát. Nhưng sau một thời gian hoạt động, Câu lạc bộ đã thu hút được đông đảo bà con tham gia và sưu tầm được nhiều làn điệu Sình ca truyền thống. Không chỉ riêng thôn Xóm Mới, tại các thôn Đồng Dạ, Đồng Găng, Đồng Dong, hoạt động truyền dạy và gìn giữ làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống cũng diễn ra ngày một mạnh mẽ, sôi nổi hơn...

Chia tay với Câu lạc bộ hát Sình ca thôn Xóm Mới khi nắng chiều đã nhạt, những câu hát Sình ca đọng lại trong chúng tôi thật ngọt ngào. Bằng những hướng đi tích cực, những nét văn hóa độc đáo của làn điệu Sình ca đang được đồng bào Cao Lan gìn giữ và dần hồi sinh.

T.K.
.
.
.