Về Quảng Trị nhớ Trịnh Công Sơn

Chủ Nhật, 20/06/2010, 16:10
Sau những chương trình đêm nhạc Trịnh Công Sơn với chủ đề "Lời thiên thu gọi" trong Festival Huế 2010, Đoàn nghệ sĩ hát nhạc Trịnh Công Sơn đã đến Quảng Trị - mảnh đất này năm xưa là nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng khuân đá làm đường sắt Thống Nhất, đi thực tế viết bút ký về đại công trường Nam Thạch Hãn để tiếp tục biểu diễn.

Cuộc hội ngộ rất "mộc" và rất "Trịnh" trong không gian ấm áp, không khí thắm đượm tình nhân ái. Họ thuộc mọi tầng lớp, từ tiến sĩ, doanh nhân, công chức, nông dân từ mọi miền đất nước và nhiều quốc gia trên thế giới. Cái thế giới "Như một hòn bi xanh"- thế giới đại đồng được nhạc Trịnh Công Sơn góp phần "mai mối" để họ có được cuộc gặp cảm động này!

Nghệ sỹ Thuỷ Tiên bộc bạch: "Mặc dầu lần đầu tiên em đến Quảng Trị, nhưng qua lời kể của bố mẹ nuôi là người gốc Quảng Trị, rồi các ca khúc viết về Quảng Trị nên em đã hiểu về mảnh đất này. Em sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo tại vùng ven Sài Gòn, từng tập hát nhiều nhạc phẩm, nhưng đến năm 16 tuổi, một hôm nghe nhạc Trịnh Công Sơn, em thấy thích và hát theo một số bài. Nhiều người bảo số em "bén duyên" với nhạc Trịnh Công Sơn và động viên em phát huy khả năng hát nhạc Trịnh. Năm 2004, em được giải nhất cuộc thi hát về nhạc Trịnh Công Sơn do Hội quán Hội Ngộ, TP HCM tổ chức, với nhạc phẩm "Xin cho tôi". Và sau này em đã có những chuyến lưu diễn đến nhiều nước trên thế giới để hát nhạc Trịnh".

Hiện nay, Thuỷ Tiên làm Phó Chủ nhiệm Hội quán "Đời rất đẹp", trực thuộc Chương trình Khuyết tật và Phát triển Khoa Xã hội học, Đại học Mở TP Hồ Chí Minh. Chị đã thường xuyên, tích cực tham gia các hoạt động xã hội từ thiện ở nhiều nơi trong nước.

Một nghệ sĩ khác được những người yêu mến nhạc Trịnh Công Sơn tặng biệt danh "Người hát nhạc Trịnh xuyên lục địa". Đó là kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái Hoà, Việt kiều Canada. Anh hiện là Tổng Giám đốc chất lượng Khu vực Châu Á -Thái Bình Dương của Tập đoàn Scheinder Electric (Pháp). Là người yêu mến nhạc Trịnh, anh đã phát hành 7 album nhạc Trịnh Công Sơn do mình thể hiện, tham gia nhiều chương trình ca nhạc tưởng niệm Trịnh Công Sơn tại Pháp, Mỹ, Australia, Việt Nam.

Anh đã xuất bản tập sách "Vườn xưa - hành trình âm nhạc Trịnh Công Sơn" (NXB Trẻ) và hiện đang thực hiện tập 2 "Hành trình âm nhạc Trịnh Công Sơn- Giọt lệ thiên thu".

Thái Hoà cùng một số bạn bè thực hiện nội dung tập hợp tư liệu về cuộc đời sáng tác, nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn trong thư viện Centro Studio Vietnamiti, một thư viện dành cho người Việt tại thành phố Torino (Italia). Anh cũng là người khởi xướng Quỹ da vàng (2009) nhằm giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam tại Việt Nam. "Tôi muốn dòng nhạc Trịnh sẽ tiếp tục chảy qua các vùng miền của trái đất này để làm dịu những nỗi đau da cam trên da thịt con người Việt Nam", anh tâm sự.

Buổi gặp gỡ bỗng lắng đọng lại khi bà Trần Tuyết Hoa, mẹ của anh Nguyễn Hữu Thái Hoà hồi tưởng về những kỷ niệm sâu sắc với Trịnh Công Sơn. Bà Trần Tuyết Hoa là vợ của ông Nguyễn Hữu Thái. Ông Thái là bạn cùng lớp với Trịnh Công Sơn thời Trung học Trường Providence (Thiên Hựu) - Huế. Hai người đã gặp nhau vào trưa 30/4/1975, đúng thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc, quân ta cắm lá cờ trên Dinh Độc Lập. Lúc đó, biệt động thành mới chiếm Đài Phát thanh Sài Gòn, ông Nguyễn Hữu Thái nằm trong đội sinh viên tiếp quản, Trịnh Công Sơn gặp bạn cũ tại đây và hai người cùng một số sinh viên khác đã hát bài hát đầu tiên ca ngợi hoà bình trên sóng phát thanh, bài "Nối vòng tay lớn". Họ hát vang trong khi súng một số nơi vẫn nổ ác liệt. 

Bà Trần Tuyết Hoa lại là bạn học cùng khoá với Nhất Chi Mai, người đã biến thân mình làm ngọn đuốc sống để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Bà kể trong nghẹn ngào: "Sáng hôm ấy, khoảng 7h30' ngày 16/5/1967, bạn Phan Đạm Hiệp đạp xe đến gọi tôi thảng thốt: "Chị Hoa ơi! Chi Mai tự thiêu trên chùa Từ Nghiêm rồi". Tôi vừa khóc vừa đạp xe lên Từ Nghiêm, đến nơi thì ngọn lửa vừa tắt, Nhất Chi Mai của tôi ngồi xếp bằng như một pho tượng đồng đen, mùi thịt da khét lẹt. Tôi đặt tay lên chị thì phải rụt lại ngay vì suýt bỏng tay. Tôi gục xuống nức nở đau đớn. Tôi lặng lẽ nhìn hai pho tượng nhỏ Đức Mẹ Maria và Quan Âm Bồ Tát đặt ngay ngắn trước mặt chị với 10 bức thư gửi gia đình và cho những quan chức đang cầm đầu cuộc xâm lược tại Việt Nam.

Tôi đạp xe qua kể hết sự tình cho Sơn nghe, Sơn hốt hoảng rơi người xuống ghế, sửng sốt chết lặng một lúc rồi kêu lên: "Trời ơi, con gái mà cũng tự thiêu à? Dễ sợ ghê quá, sao không ai can ngăn giùm?". Vài ngày sau, Sơn nhắn tôi lên phòng và ôm đàn hát miên man ca khúc vừa mới viết: "Hãy sống giùm tôi, hãy nói giùm tôi, hãy thở giùm tôi...". Sơn nói: "Hôm đó bạn về rồi, suốt ngày mình không làm gì được, suốt đêm cũng không ngủ được, cứ trằn trọc mãi với câu thơ của Chi Mai: "Sống mình không thể nói/Chết mới được ra lời", tại sao vậy? Mình đã tự hỏi bao lần như vậy. Tối qua mình vùng dậy viết, cuối cùng đã trả lời được cho Chi Mai"

Th. Bình - Tr. Dũng
.
.
.