Dân ca Ví, Giặm được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại:

Vang xa một khúc tâm tình của người Nghệ Tĩnh

Thứ Bảy, 29/11/2014, 08:16
Vào lúc 23h10 ngày 27/11 (giờ Việt Nam), tại phiên họp lần thứ 9 Ủy ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO diễn ra tại Paris - thủ đô Cộng hòa Pháp, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam đã chính thức vinh danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Trước khi trở thành một giá trị văn hóa đại diện của nhân loại, thì trước hết, ví, giặm đã là tiếng hát tâm tình của người Nghệ Tĩnh. Tiếng hát tâm tình ấy từ xa xưa cứ âm thầm, bền bỉ như chính cuộc sống của người lao động nơi đây khiến cho bất cứ ai đi xa cũng luôn nhớ về.

Có lẽ không ở đâu như Nghệ An và Hà Tĩnh, bất cứ người dân nào cũng biết ít nhất đôi ba câu ví, giặm. Ở các xóm làng, người ta thành lập các câu lạc bộ hát dân ca. Những ngày nông nhàn hay khi mùa vụ tới, họ cũng tranh thủ ôn hát ví, giặm rồi cùng tham gia vào phong trào văn nghệ quần chúng ở xã nhà, thỉnh thoảng lại có dịp gặp nhau ở mỗi kì liên hoan ở tỉnh. Đã từ lâu, phong trào hát dân ca được duy trì đều đặn ở mỗi địa phương và được người dân ở đây coi như món ăn tinh thần không thể thiếu.

Ví, giặm là làn điệu thân thuộc của người Nghệ Tĩnh từ bao đời nay. Ảnh: Báo Nghệ An.

Chị Lê Thị Tạo, thành viên câu lạc bộ Hồng Sơn, huyện Quỳnh Lưu học hát ví, giặm từ năm 17 tuổi. Ngày đi làm về, tối đến chị em, mẹ con, bà cháu lại quây quần bên nhau tập hát. Nhiều lời cổ ví, giặm được các chị ghi chép lại cẩn thận, bài bản để truyền lại cho con cháu. Chị cho biết: Nhiều em còn nhỏ, có khi 4-5 tuổi cũng đã thuộc một số bài giặm, một vài làn điệu ví. Ngày nông nhàn đối với các chị hầu như không có, quanh năm hết mùa này, vụ khác, hết cấy lúa, trồng ngô, khoai lại tỉa lạc… nên việc duy trì hoạt động câu lạc bộ là sự cố gắng rất lớn của các thành viên.

Nhờ có ví, giặm, nhờ dòng sông Lam mà giờ đây tuy đã tách tỉnh nhưng Nghệ An và Hà Tĩnh vẫn coi nhau như “anh em một nhà”. Xưa kia ông bà của họ đứng bên này sông hát vói (còn gọi là hát ví) sang bên kia sông, trai làng này đối đáp với những cô gái làng bên thì nay, con cháu của họ cứ hai năm một lần gặp nhau ở kì liên hoan dân ca xứ Nghệ. Anh Phan Đăng Thuận, thành viên câu lạc bộ hát ví xã Kì Thư, huyện Kì Anh, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Vợ chồng anh đều làm nghề giáo, đều yêu hát dân ca, cô con gái lên 8 cũng được cha mình nhờ các nghệ nhân trong câu lạc bộ sáng tác lời mới theo từng điệu ví để học hát.

Phong trào hát dân ca của thế hệ trẻ cũng được chính quyền hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh quan tâm, trong đó có chương trình “Đưa dân ca vào trường học” từ năm 1998. Từ đó một loại hình kịch hát dân ca được thử nghiệm, đi kèm là giáo trình phù hợp với từng làn điệu, nội dung cho từng lứa tuổi từ tiểu học, trung học phổ thông. Chị Phan Thị Thu Huyền – Bí thư Đoàn Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: “Các em sẽ tập các ca khúc dân ca và có sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn văn. Ngoài ra, hằng năm nhà trường thường tổ chức thi hát dân ca cho học sinh, tổ chức các buổi văn nghệ để cho các lớp, các chi đoàn tham gia…”.

Xưa kia, hát ví, hát giặm thường gắn liền với phường hát. Vì thế mà có phường củi, phường cấy, phường dệt vải… Ngày nay, khi máy cày đã đến tận đồng ruộng, xuồng máy có mặt khắp bến sông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân thì nhiều người sợ rằng những câu hò, điệu ví theo đó mà không còn nữa. Nhưng, những gì thuộc về dân gian, như cơm ăn nước uống hàng ngày, như ví, giặm với đời sống tinh thần người xứ Nghệ thì không bao giờ mất. Hằng năm, người xứ Nghệ vẫn hẹn nhau trong những kì liên hoan, hội diễn văn nghệ để cùng ngân giọng hát. Câu ví, giặm cũng được cất lên da diết, đậm đà trong phong trào văn nghệ quần chúng. Bắt đầu gây dựng phong trào từ năm 1998, đến nay riêng tỉnh Nghệ An, số lượng câu lạc bộ thường xuyên sinh hoạt đã tăng lên 77 cùng với 1.380 thành viên (tính đến năm 2014), chưa kể câu lạc bộ tại trường học. Bên cạnh đó còn phải kể đến một lực lượng tầng lớp quần chúng nhân dân thường xuyên vận dụng các làn điệu ví, giặm để biểu diễn văn nghệ quần chúng hay đơn giản chỉ mượn câu hát ví von, sử dụng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày.

Khi nghiên cứu về sự biến đổi của dân ca ví, giặm qua thời gian, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Ngọc Ất, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ cho biết: “Âm nhạc ví, giặm trở thành chất liệu độc đáo cho sự phát triển của âm nhạc đương đại, nhiều nhạc sỹ đã dùng chất liệu ví, giặm để sáng tác thành những ca khúc có giá trị, sống mãi với thời gian, như: “Xa khơi” của Nguyễn Tài Tuệ; “Tiếng hò trên đất Nghệ An” của Tân Huyền; “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh” của Trần Hoàn; “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” của Nguyễn Văn Tý... Sự biến đổi trong âm nhạc của ví, giặm đưa ví, giặm đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là bộ phận giới trẻ ngày nay”.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cho biết: Bên cạnh việc kiểm kê di sản dân ca xứ Nghệ trong đó hát ví, hát giặm là trung tâm thì các nhà quản lý văn hóa cũng quan tâm tích cực đến chương trình hoạt động nhằm phổ biến dân ca ví, giặm trong cộng đồng mà mô hình hoạt động của câu lạc bộ tại địa phương là một điển hình. “Đó là niềm tự hào của người dân xứ Nghệ. Những việc chúng tôi làm hôm nay có thể nói vừa để khẳng định giá trị của dân ca ví, giặm cũng vừa là trách nhiệm. Từ năm 2012 đến 2020, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ hoàn thành Đề án bảo tồn ví, giặm, cam kết gìn giữ được danh hiệu nếu được vinh danh”, ông Dũng nói.

Ví, giặm cùng với các thế hệ người dân xứ Nghệ đã đi qua bao thăng trầm của thời thế. Mặc dù đất nước trải qua nhiều cuộc chiến tranh, lịch sử xã hội có nhiều thay đổi, dân ca phải tồn tại dưới các hình thức khác nhau để phù hợp và thích ứng với tình hình đất nước, vẫn phát triển xuyên suốt, không hề đứt quãng. Có thể nói rằng, người Nghệ còn, tiếng Nghệ còn thì dân ca ví, giặm còn. Bởi ví, giặm là sản phẩm của tiếng nói Nghệ, là hồn cốt của người Nghệ Tĩnh.

Bảo Trân
.
.
.