“Vàng ròng” không lo giữ... và bài học về sự lãng phí

Thứ Năm, 13/09/2012, 20:38
Tình trạng xâm hại di tích văn hóa, lịch sử từ trước đến nay vẫn luôn là vấn đề nhức nhối dưới đủ loại hình thức. Thiếu đi những cơ chế và biện pháp quản lý hữu hiệu. Có hàng trăm ngàn di tích lớn nhỏ vẫn đang bị xâm hại, lãng phí và mất dần giá trị theo thời gian…

Câu chuyện về ngôi chùa cổ Trăm Gian (Chương Mỹ - Hà Nội) – một công trình có giá trị nghệ thuật cao, thuộc Di tích Quốc gia bị phá dỡ khiến dư luận bàng hoàng.

Chưa kịp nguôi ngoai thì báo chí lại vừa phát hiện đình làng Ngu Nhuế (xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật Quốc gia đã bị tự ý tháo dỡ để… chuyển sang địa điểm khác.

Câu chuyện về ngôi chùa cổ Trăm Gian hay đình làng Ngu Nhuế có từ thời Lê bị xâm hại đã cho thấy có một thực trạng đáng báo động đó là khoảng trống giữa pháp luật bảo vệ di sản văn hóa đến thực tế câu chuyện quản lý, trùng tu, khai thác những di tích. Những hạng mục di tích cổ mang theo những giá trị về trầm tích văn hóa, lịch sử của thời gian đã bị tháo dỡ để làm mới, để di chuyển địa điểm mà không hề có sự ngăn chặn kịp thời và cần thiết của chính quyền cũng như cơ quan quản lý…

Những trường hợp nêu trên chỉ là những ví dụ nhỏ vừa xảy ra đang mang tính thời sự nóng bỏng. Tình trạng xâm hại di tích văn hóa, lịch sử từ trước đến nay vẫn luôn là vấn đề nhức nhối dưới đủ loại hình thức. Thiếu đi những cơ chế và biện pháp quản lý hữu hiệu. Có hàng trăm ngàn di tích lớn nhỏ vẫn đang bị xâm hại, lãng phí và mất dần giá trị theo thời gian…

Câu chuyện về việc quản lý, bảo vệ di tích chưa lắng xuống thì gần đây dư luận lại được dịp xôn xao xung quanh thông tin về dự án đầu tư 11.277 tỉ đồng để xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia. Nhiều ý kiến cho rằng đây là việc làm có ý nghĩa lịch sử, tuy nhiên trong hoàn cảnh đất nước đang cần nhiều hơn cho nhu cầu an sinh xã hội, y tế, giáo dục… việc đầu tư một dự án với số vốn khổng lồ  hơn 11.000 tỷ đồng là điều cần xem xét lại.

Thay vì bỏ ra số tiền lớn chưa cần thiết hãy chú trọng hơn cho việc xiết chặt công tác quản lý, nâng cấp những công trình, di tích văn hóa lịch sử  hiện có. Đặc biệt là đầu tư cho việc giáo dục ý thức tự hào, tạo sự ứng xử có văn hóa với những công trình, di tích văn hóa lịch sử của dân tộc… cho người dân, đặc biệt là giới trẻ. Đấy là chưa kể đến nhiều ý kiến cho rằng việc đầu tư xây dựng những công trình với số vốn khổng lồ này cần được tính toán và cân nhắc chặt chẽ.

Bài học về  những công trình nghìn tỷ mừng Đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội mà đơn cử là Bảo tàng Hà Nội và Công viên Hòa Bình hiện trong cảnh hoang vắng vẫn luôn nóng hổi

Hà Thành
.
.
.