Vẫn “ngóng” những kịch bản sân khấu hay

Thứ Hai, 25/04/2011, 15:03
Sau hơn một năm phát động, Cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu 2010-2011 đã có được những kết quả bước đầu khả quan. Thế nhưng, sự đột phá và tác phẩm đình đám, tầm cỡ vẫn là điều mà Ban tổ chức, Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam mong chờ, trông ngóng.

Bởi thế, lãnh đạo Hội đã hơn một lần truyền đi thông điệp mời gọi, thúc giục các nhà viết kịch, các nhà văn, các tác giả cả chuyên lẫn không chuyên dành thời gian, tâm sức viết kịch bản sân khấu, để cuộc thi kết thúc vào cuối năm nay, sẽ cung cấp được cho hệ thống nhà hát, đoàn nghệ thuật nhiều kịch bản giá trị…

Các đợt vận động sáng tác được Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam mở ra, hầu như đều đặn hàng năm. Tuy nhiên, những người làm nghề luôn buồn rầu tự thán, sân khấu thiếu vắng kịch bản hay. Sơ kết 1 năm cuộc thi kịch bản sân khấu 2010-2011, nhà văn Chu Lai, Trưởng ban Sáng tác của hội phấn chấn thông báo: Tính đến tháng 4-2011, có 35 tác giả đã gửi gần 40 kịch bản về tham dự, trong đó có cả tác giả cao niên nhất hiện nay, nhà văn được giải thưởng Hồ Chí Minh Học Phi, 99 tuổi.

Bên cạnh nhiều tên tuổi quen thuộc trong giới sân khấu, như nhà viết kịch Nguyễn Anh Biên, Nguyễn Sỹ Chức, Vũ Xuân Cải, Phạm Văn Quý, Lê Đăng Thành, Thanh Hương, Trịnh Quang Khanh, Triệu Trung Kiên, Phạm Dũng, Hải Ninh…, đã xuất hiện thêm những nhân tố mới, đặc biệt đang sinh sống và làm việc tại nhiều địa phương ngoài khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh: Mai Văn Bé Em, Lâm Tường Vân (Cà Mau), Tiết Văn Dũng, Triều Yên, Nguyễn Tứ Hải (Khánh Hòa), Nguyễn Phụng Kỳ (Phú Yên), Bùi Văn Khơi, Đông Nam…

Cảnh trong vở kịch lịch sử "Mỹ nhân và anh hùng" của Nhà hát Kịch Việt Nam từng gây ấn tượng dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

Kể cả tác giả uy tín, được tiếng rất khó tính như Nguyễn Khắc Phục cũng săm sắn gửi kịch bản tham dự, nhà văn Chu Lai hào hứng bật mí.

Mặt bằng chung của kịch bản dự thi đã đạt tới sự đa dạng, đa chiều. Theo Trưởng ban Chu Lai, các tác giả mạnh dạn hơn khi trực diện lao vào mọi khía cạnh nóng bỏng nhất của cuộc sống, cả trong quá khứ, hiện tại, trong thời chiến tranh và thời hòa bình, dựng xây đất nước. Nhiều kịch bản, lịch sử lẫn cận đại và đương đại như "Triết vương Trịnh Tùng, Trời Nam đi sứ, Lý Công Uẩn, Thiên duyên kỳ ngộ, Anh là Anh Văn, Huyết lệnh, Hai người mẹ, Nỗi đau, Cơn lốc đời người, Bức họa cuộc đời"… tạo được góc nhìn mạnh dạn, mới mẻ, và cách triển khai vấn đề đầy công phu, tâm huyết.

Năm 2011, Hội tiếp tục mở thêm 3 trại viết tại Đại Lải, Nha Trang và Bà Rịa Vũng Tàu, đồng thời tạo điều kiện cho khoảng 20 tác giả đi thực tế tại 5 tỉnh Tây Nguyên, để đánh thức những cảm hứng sáng tạo lâu nay bị cuộc sống mưu sinh làm cho nguội lạnh, trễ nải.

Năm 2011, dịp mùa đông, Hội NSSKVN cũng dự kiến tổ chức Liên hoan sân khấu thử nghiệm toàn quốc vào 2011, làm nền tảng cho Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế sẽ diễn ra rầm rộ trong năm 2012. Chủ tịch Hội, NSND Lê Tiến Thọ bày tỏ, cùng lúc, Hội sẽ tìm tòi, bày vẽ ra thật nhiều động thái tích cực, để thu hút sự chú ý của giới cầm bút, các nghệ sỹ và quan trọng nhất, kích thích, tạo động lực để người xem quay trở lại với sân khấu.

Thời hạn nhận tác phẩm tham dự cuộc thi Sáng tác kịch bản sân khấu còn kéo dài đến hết ngày 31/12/2011. Các tác giả có thể gửi kịch bản về Văn phòng hội, 51 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Nhằm khích lệ và động viên các thí sinh thêm nhiệt tình "nộp quyển", trị giá giải thưởng sẽ được đẩy lên mức cao chưa từng có so với các cuộc thi trước mà Hội NSSKVN tổ chức: Giải A: 50 triệu đồng, giải B: 30 triệu đồng và Giải khuyến khích cũng lên tới 10 triệu đồng/tác phẩm.

Khánh Bằng
.
.
.