Vẫn mãi loay hoay gỡ khó cho các nhà xuất bản

Thứ Ba, 10/02/2015, 08:32
Theo thống kê năm 2014 của Hội Xuất bản, trong số 64 nhà xuất bản (NXB) đang hoạt động chỉ có một số NXB có doanh thu, nộp đầy đủ thuế cho Nhà nước là NXB Kim Đồng, NXB Trẻ, NXB Giáo dục và NXB Chính trị quốc gia... Gần 60 NXB còn lại đều rơi vào tình trạng “lay lắt”, trong đó phần lớn các NXB hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp (DN) liên tục báo lỗ, không đủ khả năng để đóng thuế đất và trả lương cho cán bộ, buộc phải tinh giản biên chế. Thậm chí, nhiều NXB đang đứng trước nguy cơ bị giải thể hoặc sáp nhập vào NXB khác mà không biết tương lai sẽ thế nào.

Trong số 64 NXB hiện đang hoạt động, có trên 20 NXB hoạt động theo cơ chế DN (công ty TNHH một thành viên), tức là phải tự lo liệu và chi trả toàn bộ kinh phí cho hoạt động của đơn vị cũng như đời sống của cán bộ, biên tập viên và người lao động. Bên cạnh đó, các NXB này phải trả tiền thuê nhà, thuê đất, điện, nước như các DN khác theo quy định của UBND TP Hà Nội. Như vậy, dù Luật Xuất bản quy định, các NXB được hỗ trợ nhưng đến nay, các NXB hoạt động theo cơ chế này hầu như chưa nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào. Những vướng mắc trong cơ chế chính sách này, nói đúng hơn là mâu thuẫn giữa Luật Xuất bản và Luật Doanh nghiệp đã khiến đại bộ phận các NXB hoạt động theo cơ chế DN rơi vào khó khăn. Trong đó, nhiều NXB thu không đủ chi đã phải nợ tiền thuê nhà, thuê đất kéo dài, phải tinh giản tối đa biên chế, thậm chí tạm ngừng hoạt động.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên NXB Văn hóa Thông tin cho biết: Mặc dù Luật Xuất bản quy định, các NXB được ưu đãi về tiền thuê nhà, đất, tiền điện, nước, tuy nhiên, hiện chỉ có các NXB sự nghiệp có thu được hưởng các ưu đãi này. Riêng đối với các NXB hoạt động theo cơ chế DN như NXB Văn hóa - Thông tin thì vẫn phải trả tiền thuê đất, thuê nhà, tiền điện nước giá cao như các DN khác trên địa bàn.

“Trung bình mỗi tháng NXB phải chi trả không dưới 120 triệu đồng cho tiền thuê đất, thuê nhà. Trong khi đó, trung bình mỗi năm NXB nhận được tài trợ làm sách theo đơn đặt hàng từ Nhà nước và cơ quan chủ quản không quá 500 triệu đồng, trừ các chi phí chỉ còn lãi khoảng trên 100 triệu đồng. Số này vừa đủ trả tiền chi phí thuê nhà, đất trong của 1 tháng. Như vậy, 11 tháng còn lại NXB phải tự chèo chống trong điều kiện làm sách trong cơ chế thị trường, khó khăn lớn nhất là thiếu đầu ra, sách in ra không bán được. Thu không đủ chi, NXB đã phải tinh giản biên chế tối đa. Bộ phận trị sự nghỉ không lương, đội ngũ BTV làm việc theo hình thức khoán sản phẩm, làm sách hưởng 45% và 55% cho NXB”, ông Lê Tiến Dũng chia sẻ.

Cảnh đìu hiu tại một nhà xuất bản.

Cũng theo ông Dũng, để tăng thu bù chi, NXB buộc phải bắt tay với các đối tác liên kết. Tuy nhiên, hoạt động liên kết hiện tồn tại nhiều mâu thuẫn khó giải quyết như theo quy trình liên kết, NXB cấp phép, chịu trách nhiệm nội dung nhưng in ấn, phát hành do đối tác liên kết làm. Đối tác liên kết là tư nhân, chủ yếu chạy theo lợi nhuận nên NXB rất khó quản lý. Trong khi đó, chế tài hầu như chưa có xử phạt đối tác liên kết mà chủ yếu nhắm vào phạt các NXB.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên NXB Trẻ, một trong bốn NXB có lãi hiện nay cho rằng: Để các NXB làm tốt cả nhiệm vụ chính trị tư tưởng và kinh doanh quả thật rất khó trong bối cảnh hiện nay bởi các NXB làm sách theo định hướng tuyên truyền thường khó bán, còn làm sách chạy theo nhu cầu thị trường thì thường bị hạn chế. Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi dành cho các NXB hiện nay là họ được hưởng thuế thu nhập DN 10% thay vì 25% như các DN khác. Tuy nhiên, chính sách này không có nhiều ý nghĩa vì hầu hết các NXB hiện nay không có lãi. Do đó, có không ít NXB mong muốn trở lại thời kỳ được Nhà nước “bao cấp” như trước.

Từ phía Hội Xuất bản, ông Nguyễn Kiểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản Việt Nam cho rằng: Chuyện các NXB gặp khó khăn về tài chính không còn là chuyện mới mẻ gì. Rất hiếm NXB có thể làm tròn cả hai vai trò, vừa “phục vụ nhiệm vụ chính trị tư tưởng” vừa “thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh” như yêu cầu của Chỉ thị 42. Trong khi đó, mâu thuẫn giữa việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, với việc sản xuất có lãi, rõ ràng đang ngày càng gay gắt đối với các đơn vị xuất bản quốc doanh. Nhiều NXB từng kêu ca về những quy định không phù hợp thực tiễn, gây khó khăn khi triển khai thực hiện, trong đó có việc tăng tiền thuê nhà, đất đối với các cơ sở xuất bản, phát hành sách theo như quy định tại Thông tư 94 của Bộ Tài chính.

Thêm vào đó, Luật Xuất bản và một số quy định của các luật liên quan như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư… còn có một số nội dung chưa đồng bộ, thiếu thống nhất, gây khó khăn cho hoạt động xuất bản. Ngay trong đơn kiến nghị, nhóm bảy NXB cho rằng mức tiền thuê nhà 80.000đ/m2 tương đương với các trung tâm mua sắm là “một việc bất hợp lý nghiêm trọng” đối với những đơn vị đặc thù vừa kinh doanh vừa làm nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, đáng tiếc là những bất cập này vẫn chưa được tháo gỡ, giải quyết.

Cũng theo chia sẻ của Phó Chủ tịch Hội Xuất bản, có một thực tế là khó khăn của ngành Xuất bản hiện nay còn xuất phát từ việc hoạt động của ngành Xuất bản chưa thoát khỏi tư duy bao cấp. Tâm lý ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước là có đối với một số NXB. Chính tư duy quen bao cấp, thiếu năng động, sáng tạo này đã khiến một số NXB không thể vượt qua khó khăn để bứt phá đi lên.

“Song công bằng mà nói, trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, các DN hoạt động kinh doanh thuần túy tìm lợi nhuận đã khó chứ nói gì đến chuyện vừa kinh doanh tìm lợi nhuận vừa làm nhiệm vụ chính trị tư tưởng như các NXB. Vì thế, Nhà nước cần hoàn thiện cơ chế chính sách để gỡ khó cho hoạt động xuất bản. Theo đó, đối với các loại sách thực hiện với mục đích tuyên truyền cần tăng kinh phí hỗ trợ; từng bước miễn giảm tiền thuê nhà, đất cho các NXB. Đồng thời nên quy hoạch và sắp xếp lại các NXB theo hướng: Các NXB duy trì mô hình đơn vị sự nghiệp thì Nhà nước và cơ quan chủ quản đầu tư cho tới nơi tới chốn, có chính sách hỗ trợ để làm những loại sách thuần túy phục vụ chính trị tư tưởng; các NXB hoạt động theo mô hình DN - công ty TNHH một thành viên - thì áp dụng theo cơ chế thị trường như các DN khác”, ông Kiểm đề xuất.

Huyền Thanh
.
.
.