Văn học mạng “văng mạng”

Thứ Bảy, 05/04/2008, 10:29
Cùng một "đứa con tinh thần" của một nhà văn nhưng nội dung của tác phẩm đó được đăng tải ở các trang web khác nhau lại không giống nhau.

Dường như trong suy nghĩ của nhiều người, văn học là sự trải nghiệm, là tinh túy cuộc sống nên nó cần được lưu giữ trên những bản thảo, bản in giấy. Cách nghĩ thông thường là vậy. Nhưng khi làn sóng văn học mạng ào ạt xuất hiện, nó buộc người ta phải chấp nhận cả hình thức tồn tại mới này với tất cả những gì nó có bên cạnh phương thức truyền thống là văn học xuất bản trên giấy.

Cũng không ai phủ nhận rằng, văn chương mạng là công cụ tra cứu tìm kiếm nhanh nhất. Nhưng đồng thời, nó cũng là nơi bộc lộ nhiều hạn chế cần phải khắc phục, như sự tuỳ tiện, tự do dân chủ một cách thái quá; sự thiếu chính xác về mặt văn bản và sự non kém trong chất lượng bản thảo. Đây chính là hệ quả tất yếu của việc thiếu công cụ kiểm soát đối với văn học mạng.

Do bản thảo ở trên mạng ai cũng có quyền "post" các bài viết hay các tác phẩm một cách tự do. Trong suy nghĩ của không ít người, bản thân không gian mạng là một sân chơi, nên không phải ai cũng coi đó hoàn toàn là nghiêm túc. Điều này dẫn đến việc độ chính xác về văn bản của văn chương trên mạng không thể cao như văn chương xuất bản. Người đọc cũng không phải trả tiền, vì thế nó hoàn toàn không có một sự đảm bảo về mặt chất lượng.

Đó là chưa kể đến việc chất lượng bản thảo của nhiều tác phẩm văn học mạng bị xem là non kém về cả giá trị tư tưởng lẫn nghệ thuật, nhiều tác phẩm chưa đủ tiêu chuẩn để có thể gọi là tác phẩm văn học.

Điều này đã trực tiếp dẫn đến việc nhiều độc giả khó tính không coi trọng văn học mạng, thậm chí là đánh đồng văn học mạng với những thứ "rác" đặc biệt, chỉ là những "đứa con tật nguyền", là một loại tác phẩm hạng hai, hạng ba của nhà văn. Sự đánh đồng này không hoàn toàn khách quan nhưng trên thực tế nó đã chi phối cách nghĩ và quan niệm của không ít người, từng bước đánh mất thiện cảm của nhiều người đối với loại hình văn học mới này.

Một vấn đề khác nhức nhối không kém, đó là vấn đề bản quyền của văn học mạng. Khi chúng tôi đề cập đến điều này đã nhận được nhiều phát biểu không giống nhau của các nhà văn. Tuy nhiên, đa số các ý kiến đều phản ứng rất mạnh khi các tác phẩm của họ bị cắt xén một cách vô tội vạ trên mạng, thậm chí có chỗ còn mất tên, sai tên hoặc thiếu tên tác giả, tác phẩm. Và đau đớn hơn là chuyện cùng một "đứa con tinh thần" của một nhà văn nhưng nội dung của tác phẩm đó được đăng tải ở các trang web khác nhau lại không giống nhau.

Vì bị cắt xén một cách tuỳ tiện, ngẫu hứng theo chủ quan, ý thích của người "post" lên mạng nên tác phẩm văn học bị mất đi tính chỉnh thể, nó không còn là nó nữa. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đến uy tín của nhà văn cũng như sự đánh giá của độc giả đối với nhà văn đó. Đây cũng là lý do dẫn đến việc nhiều người "mất niềm tin" vào sự trung thực của văn học mạng và đi đến nhận định: Không thể tìm được bản thảo chuẩn trên mạng

Hoàng Mai
.
.
.