Văn hóa lễ hội, rất cần ở khách hành hương

Thứ Năm, 21/02/2013, 12:07
Trong sự tĩnh lặng ở các ban thờ dù rất đông người, thì nhiều người “hồn nhiên” đọc bài khấn rất to; hay chen lấn, xô đẩy, chả khác ở bến xe, ngõ chợ... là những hình ảnh rất thường thấy tại các đền, chùa dịp lễ hội đầu năm.

Càng ngày, các lễ hội đầu năm càng thu hút đông người, cho thấy nhu cầu tâm linh giữ một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Tuy nhiên, chứng kiến việc đi lễ của du khách ở nhiều nơi, mới thấy, không ít người đi lễ mà chưa có đủ hiểu biết văn hóa cần thiết, nên không hiểu được việc mình làm, đã gây nên những điều phản cảm, thậm chí, phản văn hóa, làm khó cho những người quản lý ở các điểm văn hóa tâm linh.

Đi lễ đầu năm ở các đền, chùa, phủ là một phong tục lâu đời của người Việt Nam, để cầu mong an lành, may mắn cho bản thân và gia đình. Thế nhưng, không ít người đi cầu, mà không phân biệt được nơi mình đến lễ, viếng là chùa, hay đình, đền, miếu. Vì thế, nhiều người đi chùa, vẫn đặt lên ban thờ không chỉ vàng mã, tiền âm phủ, mà còn cả thịt, rượu, vốn là những thứ không đặt ở nơi thờ Phật, vì trái với giáo lý đạo Phật.

Điều này có thể bắt gặp ở nhiều ngôi chùa, cả nhỏ lẫn lớn. Ở chùa Hương, nhà chùa phải có các biển thông báo đặt khắp nơi, từ chùa Thiên Trù đến động Hương Tích, ở trên các ban thờ và cả những nơi thờ ở bên ngoài, ghi rõ “Không cúng rượu, thịt, giò, gà, vàng mã, âm phủ”. Thế nhưng, nhiều khách hành hương vẫn mang rượu, gà đặt lên các ban thờ, khiến những người có trách nhiệm phải rất vất vả bằng việc bố trí người tuyên truyền rồi xử lý, yêu cầu đưa lễ đó ra ngoài.

Quan niệm cứ “mâm cao cỗ đầy” là được phù hộ khiến nhiều người chỉ chú tâm sắm những mâm lễ to, mà quên rằng, cái tâm của người đi lễ và những hành động thực tế trong cuộc sống mới là điều quan trọng.

Để ngăn chặn việc mang đồ mã vào các ban thờ ngoài việc thông báo bằng văn bản, BQL Phủ Tây Hồ cũng phải cắt cử người “canh” để không cho mang đồ mã vào các ban thờ. Đáng ra, theo truyền thống, đi chùa chỉ nên chọn các loài hoa sen, hoa huệ, hoa mẫu đơn, hoa ngâu, nhưng nhiều người mang đến chùa đủ mọi loài hoa mà họ có được.

Dù đã có hòm công đức, nhưng khách hành hương vẫn vứt tiền bừa bãi trên chiếu ở Phủ Tây Hồ.

Có một thực tế là nhiều người đi lễ chùa, đền, không hiểu rằng, nếu thành tâm, chỉ cần 1 đến 5 nén nhang, là đủ, nên cứ tưởng, thắp hương càng nhiều, càng lắm… lộc, nên cứ đốt cả bó to, khói mù mịt. Vì thế, hầu như đền, chùa, phủ nào cũng phải có một người “chuyên” dập nhang, mà điển hình là Phủ Tây Hồ, chùa Hà, Bia Bà v.v… luôn có người túc trực bên cạnh bát hương ở sân để cùng một xô nước để nhúng những bó hương lớn mà du khách cắm vào xô nước, tránh hỏa hoạn và cũng để tránh cho khói hương làm mọi người ngạt thở.

Ở các ban thờ trong chùa, phủ, đều có đặt các hòm công đức, nhưng nhiều người vẫn tin rằng, phải đặt lên bàn thờ mới được “chứng giám”, hay để bên cạnh mâm lễ mới được thần linh thấy rõ, nên vứt tiền bừa bãi ngay trên, trước ban thờ, rồi cài vào cánh cửa, cột, và tất cả những nơi nào có thể, khiến BQL lại phải mất công cử người đi thu số tiền đó lại.

Những “chiếu tiền” trên mặt đất ở Phủ Tây Hồ là một ví dụ, hay ga cáp treo Giải Oan ở chùa Hương không hề có bàn thờ nào cả, nhưng khi cáp treo đi qua đó, nhiều người vẫn vứt tiền xuống nền ga, trông rất nhếch nhác, mà không biết rằng, nhà chùa không lên tận đây để thu gom số tiền này, nên những người của Công ty cáp treo hàng ngày lại phải thu dọn.

Đền thờ thường được xây dựng để ghi nhớ công ơn của một anh hùng có công với đất nước như Trần Hưng Đạo, Lý Nam Đế, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Thường Kiệt, hay công đức của một cá nhân với địa phương theo truyền thuyết dân gian. Thế nhưng, nhiều người mang các mâm lễ thật to đến đền để cầu đủ mọi mong ước, với tâm lý, cứ lễ to thì sẽ được ưu ái, song hỏi ngôi đền thờ ai, sự tích thế nào, thì tuyệt không biết.

Đặc biệt, đã đến chùa, đền, phủ, là các điểm thờ tự, tâm linh, người ta thường tránh nói, cười to, gây ồn ào. Thế nhưng, không ít vị khách vẫn để chuông điện thoại rất “khủng”, rồi nói cười như giữa chốn không người. Buổi lễ khai hội chùa Hương hôm mồng 6 Tết Quý Tỵ, nhiều người đã phải tỏ thái độ khó chịu, khi một ông hồn nhiên nghe điện thoại rồi oang oang trả lời giữa không gian linh thiêng của phút khai hội, khi các vị sư đang làm lễ. Trong sự tĩnh lặng ở các ban thờ dù rất đông người, thì nhiều người “hồn nhiên” đọc bài khấn rất to; hay chen lấn, xô đẩy, chả khác ở bến xe, ngõ chợ...

Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, văn hóa lễ hội đã trở thành điều cần phải được tạo lập với bất cứ ai khi đặt chân đến các đền, chùa, phủ để vãn cảnh hay cầu cúng

Thanh Hằng
.
.
.