"Văn hóa đọc"?

Chủ Nhật, 27/04/2008, 20:45
Hội chợ sách diễn ra ở TP HCM… Tôi như cô Tấm ngồi nhà nghe vọng về tiếng hàng chục ngàn lượt người mỗi ngày đến xem sách và mua sách. Rồi em Tấm tội nghiệp này còn nghe tiếng các bậc tài cao đức trọng mổ xẻ tình hình, thử tìm cách gì để người Việt mê đọc sách.

Một nhà văn khả kính nói những điều trong đời hiện đại, nhưng nếu đem dịch ra chữ Hán chắc chắn là sẽ được câu này Vạn ban giai hạ phẩm. Duy hữu độc thư cao. Và thế là sau mấy chục năm cách mệnh bình đẳng bình quyền, nay ta lại có quyền phân chia đẳng cấp trong xã hội, tách ra một bên là những kẻ biết đọc sách và một bên là những kẻ không biết đọc sách…

Cô Tấm còn xúc động ghi nhớ ý kiến một giáo sư về mấy giải pháp để người Việt mê đọc sách: Một là, trước hết phải có sách hay để đọc…; hai là, phải có sách giá rẻ, có hệ thống thư viện hoạt động tốt…; và ba là, phải xây dựng được văn hóa đọc…

Kỹ thuật đọc

Chắc chắn việc đọc sách của con người phải bắt đầu từ nhà trường - nghĩa là từ công cuộc giáo dục. Gia đình cũng có thể tạo ra cho con em thú vui và thói quen đọc sách; nhưng hoàn cảnh giáo dục gia đình đó cũng vẫn được nhà trường nối dài công việc dạy đọc sách cho.

Vậy là cần giải pháp đầu tiên mang tính sư phạm: dạy con em biết cách đọc sách.

Biện pháp kỹ thuật đầu tiên phải là dạy con trẻ không đọc nghêu ngao, mà ngay từ lớp 1 đã phải huấn luyện các em cách đọc thầm. Đọc thầm là đọc bằng mắt, không phát ra thành tiếng đã đành, còn không cả lẩm nhẩm nữa. Đọc thầm thì đọc được nhanh: học sinh lớp 1 công nghệ giáo dục (ở Hà Nội cũng như ở miền núi) đều phải đạt tốc độ đọc mỗi phút tối thiểu 60 tiếng.

Khi đọc thầm và đọc nhanh như vậy, đồng tử mắt nhảy từng bước, mỗi bước ôm gọn một cụm tiếng, và cái cụm tiếng đó bao giờ cũng chứa nghĩa. Nghĩa của câu ta đang đọc không gửi ở những tiếng rời rạc, mà nằm trong từng nhóm tiếng. Ta sẽ thấy ngay rằng nếu giáo viên vẫn còn giữ thói quen xấu đòi học sinh lớp 1 lấy ngón tay trỏ dịch từng tiếng mà đánh vần và đọc ê a, thì lấy đâu ra văn hóa đọc từ một cái nhà trường không biết cách dạy kỹ thuật đọc đúng?

Chưa hết! Khi học sinh biết đọc thầm và có thói quen đọc thầm, khi đó các em cũng có thêm một công cụ trong tâm lý: vừa đọc vừa tưởng tượng. Khi bắt gặp một em bé mải mê đọc sách, thấy nó bị cuốn hút vào việc đọc, ta nên hiểu đó là lúc kẻ đọc sách đó đang thả hồn vào trong hành động tưởng tượng. Khi tưởng tượng, người đọc bắt đầu bằng những hình ảnh, và đều thấy như mình đang tham gia vào hành động với nhân vật. Chính cái hành động tưởng tượng khi đọc sách đó sẽ dẫn từ kỹ thuật đọc sách đến năng lực cảm thụ văn chương là cái không thể có ở kẻ đọc sách nghêu ngao.

Ở một phía bên kia, năng lực đọc thầm và đọc bằng tưởng tượng cũng sẽ dẫn người đọc suy nghĩ vào những khái niệm khoa học trong khi đọc. Lúc bấy giờ, ở người đọc sẽ có thêm một năng lực đọc suy ngẫm.

Vừa rồi, bằng mấy lời hết sức ngắn, tôi đã cố trình bày một quy trình công nghệ dạy đọc. Quy trình này không bắt đầu với những lời khuyên tốt bụng. Quy trình này tiến hành bằng những kỹ thuật không thể tiến hành theo cách đảo ngược, nó phải bắt đầu bằng đọc thầm, sang đọc nhanh, sang đọc tưởng tượng, sang đọc suy ngẫm. Ai sốt ruột bắt con đọc suy ngẫm ngay từ đầu sẽ thất bại. Ai kiên trì dạy con đọc thầm và đọc nhanh ngay từ đầu thì ít nhiều nhanh chậm gì cũng gặt hái thành công.

Văn hóa đọc

Văn hóa đọc liên quan đến khái niệm văn hóa, và ta nên hiểu văn hóa là gì để từ đó hiểu văn hóa đọc là gì.

Định nghĩa một cách tổng quát nhất, văn hóa là cái gì ngược lại với tự nhiên.

Một ngọn núi có thể tồn tại ở dạng tự nhiên. Ngọn núi đó sẽ thành ngọn núi của văn hóa khi có bàn tay con người giúp nó, để nó có là tự nhiên thì cũng không còn là tự nhiên hoang dã. Vì thế, ở cái quả núi nào đó, có thể tồn tại một nền văn hóa hái lượm, một nền văn hóa du canh du cư… và bây giờ thì có văn hóa đồn điền hoặc văn hóa du lịch sinh thái. Một con sông có thể tồn tại ở dạng tự nhiên.

Con sông đó sẽ thành con sông của văn hóa khi có bàn tay người giúp nó để nó có là tự nhiên thì cũng không còn là tự nhiên hoang dã. Vì thế, gắn với con sông Hồng chẳng hạn, và ở vùng đồng bằng Bắc Bộ chẳng hạn, ta có nền văn hóa lúa nước… ở đó những con đê, những ngôi làng, những bờ tre… rồi những đám cưới chuột tưng bừng rộn rã… cùng những cô nàng dễ thường thấy nổi trống chèo bế bụng đi xem… và ta đều gọi đó là văn hóa.

Một con người cũng rất có thể tồn tại ở dạng tự nhiên nếu cứ để mặc cho nó sống tự nhiên hoang dã. Con người đó sẽ thành con người của văn hóa và vẫn phát triển một cách tự nhiên đấy song cũng không còn là cái tự nhiên hoang dã nữa. Nhân bất học bất tri lý - con người không học thì không biết cái "lý" của đời - khi đó nó cũng thành con người của văn hóa.

Và khi con người từ việc đọc sách mà tự đào tạo mình thành con người văn hóa, khi ấy ta có một nền văn hóa đọc. Nền văn hóa đọc khiến con người càng ngày càng dồi dào năng lực người, tức là càng ngày càng không thể trở lại được nữa với cung cách tự nhiên hoang dã chỉ biết duy nhất giải pháp nhe nanh giơ vuốt trong quan hệ người.   

Văn hóa nghe - nhìn

Vào thời đại ngày nay, văn hóa nghe - nhìn tồn tại song song với văn hóa đọc. Văn hóa nghe - nhìn giúp con người rút ngắn được vô khối thời giờ vàng ngọc để cuộc sống của nó được hạnh phúc hơn. Muốn đọc cho hết tiểu thuyết “Cuốn theo chiều gió” thì phải bỏ ra chừng vài ba tuần đến vài ba tháng tùy quỹ thời gian từng người. Nhưng ba tập phim có cùng nội dung đó với ý nghĩa cũng đầy đủ không kém có thể được ta "ngốn" trong vòng 4 giờ đồng hồ.

Lúc này nảy sinh ra những vấn đề của người cầm cân nảy mực xã hội biết cách làm sao cho văn hóa nghe - nhìn không bị lạm dụng và văn hóa đọc không bị mai một. Người thay mặt xã hội nắm trong tay công cụ nghe - nhìn nên hiểu rằng văn hóa đọc là không thể thiếu cho con người mặc dù nó cần sử dụng tối đa các phương tiện nghe nhìn của cuộc sống hiện đại.

Quan trọng hơn nữa là cách dạy đọc ở nhà trường. Nhà trường sẽ cứu nguy tất cả để văn hóa đọc và văn hóa nghe nhìn được cân bằng. Miễn là nhà trường biết cách dạy đọc đúng để học sinh một khi đã có công cụ đọc trong tâm lý thì sẽ tự mình biết cân bằng giữa đọc sách và nghe - nhìn sách. Chắc chắn đó không phải là cái thứ nhà trường dạy trẻ em đọc nghêu ngao ê a như thời các em còn sống trong tự nhiên hoang dã…

Hà Nội, 22/4/2008

Phạm Toàn
.
.
.