Văn hóa Việt Nam cần một bản lĩnh để vững vàng hội nhập

Thứ Năm, 08/01/2015, 10:01
Trong dòng chảy văn hóa, bên cạnh những yếu tố tích cực, sự xuất hiện của những yếu tố văn hóa ngoại lai tiêu cực đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển của quốc gia. Nhân dịp năm mới, GS.TS Ngô Đức Thịnh - Ủy viên Hội đồng Di sản Quốc gia, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam đã chia sẻ quan điểm của mình về bản lĩnh văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập.

Chủ động hội nhập những yếu tố tích cực

Cần phải nhìn nhận thẳng thắn rằng: Dù không giống như thể chế kinh tế, chính trị, nhưng văn hóa đóng vai trò không thể thiếu trong đời sống xã hội và ngày càng có ảnh hưởng sâu rộng tới mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, trước làn sóng văn hóa ngoại nhập diễn ra ồ ạt, văn hóa truyền thống đang có phần bị lép vế.
Giáo sư Ngô Đức Thịnh.

Hiện nay, chủ trương của Nhà nước đối với văn hóa vẫn thể hiện rõ trên 2 quan điểm và cũng là mục tiêu phát triển, đó là giữ gìn, phát huy cao độ giá trị con người, văn hóa truyền thống và chủ động hội nhập, lựa chọn những yếu tố tích cực, loại bỏ tiêu cực khi tiếp nhận văn hóa mới. Tuy nhiên, để thực hiện được những mục tiêu trên không phải là dễ. Bởi, trong một thế giới “phẳng” với sự bùng nổ nhanh chóng của mạng Internet, công nghệ số, các yếu tố văn hóa tác động trực tiếp đến cá nhân và không được sàng lọc đảm bảo. Điển hình như thời gian qua, các sản phẩm văn hóa chưa qua kiểm duyệt được xuất bản tràn lan, nhiều trang mạng vì mục đích kinh tế, chính trị đã đăng tải nhiều nội dung phản cảm, phi văn hóa mà Nhà nước không thể kiểm soát hết. Như vậy, trong khi công tác quản lý còn hạn chế, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn chưa cao, việc tiếp thu những sản phẩm văn hóa đó như thế nào cho đúng, đang là câu hỏi được cả dư luận xã hội quan tâm.

Đối với Việt Nam, câu chuyện hội nhập nói chung không phải là mới. Chúng ta phải chịu 1000 năm lệ thuộc về mặt chính trị, tất nhiên là cả văn hóa. Tuy nhiên, sự tiếp biến văn hóa một cách chọn lọc, sáng tạo đã được người xưa thực hiện rất thành công, kết quả là dân tộc ta giữ vững được những truyền thống văn hóa cội nguồn tốt đẹp đến ngày nay. Chúng ta đã “bản địa hóa” văn hóa ngoại lai một cách ngoạn mục, nói như vua Quang Trung: “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng” chính là để bảo vệ vốn văn hóa truyền thống trước sự xâm lăng của kẻ thù và văn hóa ngoại nhập. Đó là sự bản lĩnh, tiến bộ, được nhìn thấy ngay từ những ngày đầu của chế độ phong kiến. Tư tưởng ấy đã được Đảng ta kế thừa và thực hiện từ những ngày đầu đất nước giành độc lập. Kết quả, nhiều thành tựu văn hóa nước ngoài tại Việt Nam vẫn được bảo tồn; nhiều trào lưu, nét đẹp văn hóa được tiếp nhận và biến đổi phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc... Nhờ đó, văn hóa Việt Nam không những được bảo tồn, mà còn ngày càng phong phú hơn.

Đánh thức sự sáng tạo văn hóa

Theo quan điểm của tôi, tiếp thu như thế nào, xử lý ra sao để vừa tiếp biến, nhưng đồng thời không làm ảnh hưởng đến những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc, tất cả là phụ thuộc vào chính nhân tố con người. Năm 2014, lĩnh vực văn hóa chưa thực sự để lại những dấu ấn tốt đáng nhớ, khi bên cạnh đó liên tiếp xuất hiện những yếu tố văn hóa dân tộc bị xâm hại, sự bùng nổ của nhiều yếu tố văn hóa ngoại lai tiêu cực...

Theo GS Ngô Đức Thịnh, vừa rồi, một nghiên cứu về mức độ hưởng thụ văn hóa, cũng như khả năng sáng tạo văn hóa tại khu vực Bắc Bộ và một vài khu vực lân cận đã hoàn thành. Kết quả cho thấy, mức độ hưởng thụ văn hóa thì tăng lên, nhưng tính sáng tạo bị giảm đi. Nguyên nhân, do một bộ phận không nhỏ người dân, đặc biệt là giới trẻ thiếu chủ động trong việc tiếp nhận các giá trị văn hóa, dẫn tới cách nhìn lệch lạc và tâm lý thích hưởng thụ. Trong khi đó, chính sách quản lý cũng như các biện pháp tuyên truyền của cơ quan Nhà nước, cũng chưa thực sự phát huy được hiệu quả cao.

Vừa qua, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành T.Ư Đảng (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã thảo luận và làm rõ, vấn đề đạo đức là một phần của văn hóa, nhưng không phải là hệ quả của văn hóa, mà đó là hệ quả của toàn xã hội. Nhật Bản, Hàn Quốc là những quốc gia cùng khu vực, và họ có nền văn hóa rất lành mạnh. Người Nhật rất coi trọng văn hóa và các vấn đề tâm linh, nhưng hãy nhìn cách họ thực hiện rất lành mạnh, không xô bồ như chúng ta. Họ không có kiểu khấn vái tùm lum mà không biết được mục đích của hành động... đó là do ý thức xã hội,  không hẳn là do cơ tầng văn hóa.

Sau Đại hội Đảng lần VI, năm 1986, nền văn hóa quốc gia đã thực sự có những chuyển biến mạnh mẽ, với diện mạo mới phong phú, đa dạng. Các yếu tố văn hóa truyền thống được khôi phục và bảo tồn, phát huy tới ngày nay. Đây là sự nỗ lực, sự quan tâm rất đáng ghi nhận mà Đảng, Nhà nước dành cho lĩnh vực văn hóa. Và sự quan tâm ấy đang ngày một lớn hơn, khi những năm tới đây nước ta sẽ ngày càng tiến sâu vào con đường hội nhập. Năm 2015 mở ra nhiều thuận lợi, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới trong hội nhập văn hóa, khi một cộng đồng chung ASEAN chính thức được hình thành vào cuối năm. Chúng ta từng tự hào về dân tộc 4000 năm lịch sử, tự hào về bản lĩnh và sức sáng tạo trong tiếp nhận văn hóa của cha ông, và hôm nay, sự sáng tạo đó cần thiết phải được đánh thức, để đưa đất nước vững vàng đổi mới.

Cảnh Vũ (ghi)
.
.
.