Vấn đề dẹp bỏ linh vật lạ trong các di tích: Vẫn chưa có kế hoạch, lộ trình cụ thể

Thứ Bảy, 30/08/2014, 09:53
Tại cuộc họp tổng kết tình hình nhiệm vụ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) 8 tháng đầu năm 2014 vừa được tổ chức mới đây, vấn đề đưa hiện vật lạ ra khỏi di tích, đặc biệt là sư tử đá kiểu Trung Quốc nhận được nhiều ý kiến, sự quan tâm của cả cơ quan quản lý văn hóa, giới chuyên môn và các phóng viên báo chí. Tuy vậy, dù khẳng định là phải mạnh tay trong việc dẹp bỏ sư tử đá, nhưng VH – TT – DL vẫn chưa đưa ra được một kế hoạch, lộ trình cụ thể cho việc này.

Trước khi cuộc họp này diễn ra vào ngày 26/8, Bộ VH – TT - DL đã thanh tra đột xuất tại quận Long Biên, Hà Nội, do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên dẫn đầu cùng đại diện thanh tra Bộ, Cục Di sản văn hóa và Sở VH – TT - DL Hà Nội. Đây là địa bàn đầu tiên tiến hành đưa sư tử đá kiểu Trung Quốc ra khỏi di tích sau khi Bộ VH – TT - DL ra công văn 2662. Trong chuyến kiểm tra đột xuất này, thanh tra đã trực tiếp chỉ ra những sai phạm của chùa trong bài trí cũng như việc tiếp nhận những hiện vật lạ như đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc, lục bình, hoa nhựa… Theo Ni sư Thích Đàm Hướng, trụ trì chùa Gia Quất, đôi sư tử đá đã được di dời từ ngày 24/8. “Nhà chùa đã trả lại cho thí chủ cung tiến và thí chủ này đã mang trả lại cho xưởng sản xuất đá”- Ni sư Thích Đàm Hướng cho biết. Tuy nhiên, không phải đôi sư tử đá nào cũng có thể liên hệ ngay với người cung tiến và việc di dời chúng khỏi nơi thờ tự không thể dễ dàng như việc di dời tại chùa Gia Quất. 

Một vấn đề cốt lõi đó là làm công tác tư tưởng, cho người cung tiến. Trên thực tế, nhiều người cung tiến vì lòng kính trọng, mong muốn được gửi gắm lòng thành nhưng không hiểu về xuất xứ, ý nghĩa của những vật phẩm mà mình cung tiến nên đã dẫn đến tình trạng tràn lan hiện vật lạ, đặc biệt là sư tử đá kiểu Trung Quốc trong khu vực đình, chùa miếu mạo. Do vậy, việc cần thiết hiện nay là đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho mọi người, để tránh xảy ra những hiện tượng lai căng văn hóa như vậy.

Nghê đá, một linh vật Việt truyền thống được bài trí tại chùa Hoa Yên (Yên Tử, Quảng Ninh). Ảnh: Cảnh Vũ.

Vậy, nếu đưa sư tử đá ra khỏi di tích thì sẽ đặt chúng ở đâu? Số lượng sư tử đá kiểu Trung Quốc ở khu vực di tích, cơ quan, công sở không hề nhỏ và kích thước của mỗi hiện vật cũng không phải là nhỏ bé, để nói chuyện đập bỏ ngày một ngày hai. Riêng vấn đề này, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn khẳng định tại cuộc họp ngày 26/8 là: “Họ có thể đưa con sư tử lạ đó đi đâu thì đi, nhưng nhất định không được phép mang tới một nơi tương tự di tích khác”.

Khi được hỏi về việc Bộ VH - TT - DL đã chuẩn bị kế hoạch cho đợt dân vận phối hợp với Bộ Nội vụ và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam hay chưa, Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn nói: “Đề nghị Cục Di sản có lẽ cũng nên quan tâm thêm để phối hợp nhiều cơ quan làm cho tốt”. Được biết, đây cũng là kiến nghị của nhiều nhà khoa học để tránh những hiểu lầm văn hóa, tôn giáo.

Cũng theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình - Tạp chí Mỹ thuật, Cục Mỹ thuật - Nhiếp ảnh và Triển lãm (MT-NA-TL) thì: Vấn đề quan trọng nhất hiện nay vẫn là tuyên truyền để người dân hiểu việc đặt sư tử đá ở đình chùa, cơ quan công sở thậm chí nhà riêng là không phù hợp, không đúng với nhu cầu thẩm mỹ của người dân Việt Nam. Thay vào đó, sự hiện diện của linh vật Việt Nam, được người dân chấp nhận trong quá trình lịch sử mới là hợp lý.

Trước đó, trả lời phỏng vấn phóng viên, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục MT-NA-TL (Bộ VH - TT - DL) cho biết: sau văn bản khuyến cáo của Bộ về việc không sử dụng những hiện vật, sản phẩm lạ, linh vật của văn hóa nước ngoài, Cục MT-NA-TL đang triển khai tiếp một bước nhằm cụ thể hóa, giúp địa phương có hình ảnh trực quan, để mọi người biết và lựa chọn những linh vật nào là phù hợp với văn hóa Việt Nam: “Hơn 20 mẫu của chúng tôi gửi về các sở văn hóa đều ghi rõ hiện linh vật đang nằm ở đâu. Và các văn bản ấy hiện nay đang trên đường đến với các sở. Linh vật thường đặt ở đình chùa, miếu mạo, những nơi có hoạt động văn hóa tín ngưỡng. Bây giờ chúng ta phải dùng của chúng ta chứ đừng dùng của nước ngoài nữa. Tôi nghĩ, phải phổ biến được vấn đề này đến tận các cơ sở sản xuất, người đang sử dụng, buôn bán…” - Ông Vi Kiến Thành đề xuất.

Ông Nguyễn Đức Bình cũng thông tin thêm: Sau khi Cục MT-NA-TL có công văn 352 gửi đến các địa phương, các sở văn hóa thì hình ảnh các mẫu linh vật thuần Việt cũng được cung cấp trên trang web của Cục. Những mẫu tượng linh vật này nhằm bước đầu giúp cho công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý cũng như hướng dẫn những nơi sản xuất, tiêu thụ, để các Sở VH – TT - DL các tỉnh/thành; thanh tra văn hóa nghiên cứu, tham khảo. Bên cạnh đó, chuyên viên Cục MT-NA-TL cũng mong muốn giá như có thể tổ chức thành ấn phẩm cũng như các hội thảo về linh vật thì tốt hơn. “Mặc dù vậy, số người truy cập trang mạng của Cục trong những ngày vừa qua cũng đã tăng vọt” - ông Bình cho biết.

Thời gian qua, trên mạng xã hội, giới nghiên cứu văn hóa cũng đã thành lập một số diễn đàn, nhóm thông tin để cập nhật và tuyên truyền, giới thiệu các mẫu linh vật thuần Việt

Cảnh Vũ – Thủy Hiền
.
.
.