Vấn đề: Động lực trong bóng đá

Thứ Năm, 20/03/2014, 10:02
Cho đến tận lúc này, quyết định chia tay CLB Barcelona của Pep Guardiola vẫn được nhiều người nhìn nhận, giải mã từ nhiều góc độ khác nhau. Thật khó để trả lời chính xác xem vì sao một HLV đã tạo ra một đế chế và đang cùng cái đế chế ấy tung hoành ngang dọc lại bất ngờ ra đi, dấn thân vào một nhiệm vụ mới, một thách thức mới chẳng dễ dàng gì: làm HLV trưởng nhà ĐKVĐ Champions League Bayern Munich. Thì đây, chính Guardiola đã tiết lộ với báo chí Đức trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới nhất của mình: Tôi rời Barca vì thấy không còn động lực.

1. Hai chữ "động lực" mà Guardiola nói đến nằm ở cả góc độ cá nhân lẫn góc độ tập thể. Ở góc độ cá nhân, Guardiola bày tỏ những áp lực ghê gớm của một nhà cầm quân luôn phải đối diện với câu hỏi: "Hôm nay Messi có ra sân hay không?". Ông bảo rằng người hâm mộ Barca và cả giới lãnh đạo Barca luôn gây áp lực mạnh mẽ lên HLV trưởng để cầu thủ được đánh giá là "át chủ bài" của Barca được ra sân mọi nơi, mọi lúc. Còn ở góc độ tập thể, Guardiola có cảm giác các học trò đã không còn nhiều động lực sau khi đạt cả thảy 14 chức vô địch lớn nhỏ khác nhau chỉ trong một chu kỳ ngắn ngủi. Và ông kết luận: "Khi bạn không còn thấy động lực, cũng không còn thấy mình có khả năng tiếp thêm động lực cho đội bóng thì tốt nhất là bạn hãy ra đi".

Bây giờ, trên cương vị thuyền trưởng Bayern Munich, rõ ràng là Guardiola đang có được rất nhiều động lực. Động lực về việc phải tiếp tục duy trì cái thế độc tôn ở cả đấu trường trong nước lẫn đấu trường châu Âu mà người tiền nhiệm của mình đã tạo ra năm ngoái. Động lực về việc phải làm mới Bayern, thậm chí phải xây dựng ở đây một thứ triết lý mới: khỏe khoắn hơn, đẹp mắt hơn, hiệu quả hơn. Ở phía ngược lại, chính các cầu thủ Bayern cũng thừa nhận khi làm việc với Guardiola họ cũng tìm thấy những động lực mới mẻ cho mình. Và cứ nhìn lại cái thế một mình một ngựa của Bayern ở giải VĐQG lẫn sức sống khủng khiếp của họ ở đấu trường Champions, dễ thấy mối lương duyên Guardiola - Bayern đang ở một giai đoạn hết sức ngọt ngào.

Bóng đá không có động lực là bóng đá chết. Những người tham gia đời sống bóng đá như một cầu thủ, một HLV, một nhà quản lý không biết tạo ra những động lực mới cho bản thân mình hoặc cái tập thể bóng đá của mình, chắc chắn sẽ rơi vào một trạng thái cực kỳ tệ hại.

HLV Pep Guardiola chia tay Barca vì... không còn động lực.

2. Từ câu chuyện "động lực" thể hiện rất rõ qua tuyên bố của Guardiola, những người yêu bóng đá Việt Nam có lẽ ít nhiều sẽ nhớ về một vận  động bóng đá lẽ ra phải rất nóng hổi của xứ sở mình, đó là Đại hội nhiệm kỳ VII VFF sẽ diễn ra vào ngày 25 tháng 3 tới đây. Nếu hỏi Đại hội này có thể mang đến cho đời sống bóng đá một động lực phát triển nào không thì có lẽ nhiều người sẽ trả lời là: không!

Không vì 2,3 tháng trước thềm Đại hội người ta đã đọc vanh vách những vị trí sẽ trúng cử, từ ông chủ tịch đến ông phó chủ tịch và đến cả ông tổng thư ký. Không vì gần như tất cả những "người trúng cử" ấy đều là những gương mặt cũ rích - trong đó có những gương mặt đã thất bại nặng nề, đã bị loại khỏi đời sống VFF bây giờ bỗng được "mở đường" quay lại. Và không còn vì câu chuyện trước thềm Đại hội vẫn chỉ quanh quẩn toàn chuyện "ai ngồi chỗ nào", chứ tuyệt nhiên không thấy chuyện Đại hội rồi sẽ có cương lĩnh như thế nào, và từ Đại hội ấy bóng đá Việt Nam sẽ đổi mới ra sao.

Sẽ thật khập khiễng nếu liên hệ những chuyện ở trời Âu với những chuyện bóng đá xứ mình, nhưng cứ nhìn cái cách HLV Guardiola dám ra đi, dám tìm động lực (cho dù cái chỗ ông đang ngồi là chỗ mà nhiều người mơ ước) với cái việc nhiều quan chức bóng đá nhà ta cứ quanh đi quẩn lại một "giấc mơ Liên đoàn" lại cứ thấy nản lòng sao sao ấy.

Ngày 25 tháng 3 tới, có lẽ không nhiều fan hâm mộ còn động lực để chứng kiến một kỳ Đại hội Liên đoàn!

Ban lãnh đạo Barca trấn an CĐV quanh tin đồn HLV Martino sẽ ra đi

Thời gian gần đây, báo chí Tây Ban Nha liên tục đăng tin về việc ông Martino - HLV trưởng CLB này có nhiều khả năng sẽ ra đi ngay sau mùa giải năm nay. Có rất nhiều lý do được đưa ra, trong đó đáng kể nhất là chuyện "phương pháp Martino" không phù hợp với "văn hoá Barca". Mọi thứ càng trở nên dễ tin hơn khi cuộc họp bàn về chiến lược phát triển Barca diễn ra cuối tuần qua không có sự góp mặt của nhà cầm quân người Argentina.

Tuy nhiên, đến hôm qua thì Phó Chủ tịch Barca Arroyo đã chính thức đăng đàn phủ nhận tất cả những thông tin này. Ông Arroyo còn "khéo léo" phân tích: "Ai cũng biết trận đấu kinh điển Barca - Real chuẩn bị diễn ra, và nhìn trên bảng xếp hạng thì chúng tôi đang thất thế hơn đối thủ. Vậy nên những thông tin về tương lai của Martino rất có thể cũng là một cách mà ai đó sử dụng để "lung lạc tinh thần Barca" trước trận đấu quan trọng này". Arroyo thậm chí còn khẳng định, bản hợp đồng giữa CLB này với HLV Martino có thời hạn tới năm 2015, và ở bối cảnh hiện tại cả hai phía đều nhất nhất không muốn thay đổi nội dung hợp đồng.

Trong khi báo giới Tây Ban Nha nói về việc "Martino sẽ ra đi",  ban lãnh đạo Barca lại khẳng định "Martino sẽ ở lại" thì nhân vật chính - HLV Martino vẫn... tuyệt nhiên không nói gì.

Tuấn Anh

Diệp Xưa
.
.
.