Văn chương và thế sự

Thứ Sáu, 25/11/2005, 06:41

So với lịch sử văn chương, tính bằng những nghìn năm, lịch sử báo chí còn quá ngắn ngủi chỉ tính bằng trăm. Ấy vậy mà sự ra đời của báo chí đã tác động mạnh mẽ đến văn chương, chí ít là tính bùng nổ xã hội của nó đã làm khuynh hướng xã hội của văn học trở nên rõ rệt. Nhà báo Hữu Ước, người thành đạt cả nghề văn, nghề báo, đem đến cho tôi suy nghĩ ấy khi cầm trên tay tập bút tuyển của năm 2005 mang tên "Thế sự".

Tập sách do NXB CAND phát hành tháng 11/2005, dày 319 trang, khổ 14,5.20,5 cm. Tập sách có ý 4 phần thì 3 phần là văn (thơ, truyện ngắn và kịch) cộng với phần thứ tư là văn đối thoại với báo ( trả lời phỏng vấn của các báo viết và báo điện tử).

Câu chuyện đàn ông, đàn bà; chuyện thừa tự; chuyện rượu chè thì chả cứ là thời gian nào, thế kỷ trước đã có mà thế kỷ  sau ai bảo là không có. Ấy thế mà cả hai truyện ngắn Đám ma hủi Người đàn bà uống rượu in trong tập sách, tác giả vẫn muốn lôi câu chuyện về hiện tại, bắt người đọc phải phán xử ngay lập tức. Anh “phóng sự hóa” các câu chuyện anh sáng tác ra.

Ở truyện đầu, anh viết: “Nhóm phóng viên điều tra của chúng tôi xộc xuống làng Ngũ Xã và tìm đến nhà mụ Thuận”. Một mụ Thuận mà anh tưởng tượng ra lại như đang tồn tại sờ sờ đâu đấy. Ở truyện thứ hai, Hữu Ước viết: “Nhưng ‘cái sự’ ra đi của ông đối với vùng thị trấn Nghĩa Hưng heo hút này thành ra chuyện động trời còn to tát hơn cả vụ án Năm Cam đang chấn động dư luận cả nước”. Do Năm Cam là chuyện có thật thì câu chuyện “bịa” về ông Giám đốc Cảnh chắc cũng có thật. Và câu chuyện như xảy ra đang là hôm nay, đang là bây giờ. Thủ thuật lôi cuốn độc giả có gốc gác từ nghề báo này quả đã gây cuốn hút, người nào đã trót đọc một đoạn thì phải đọc cho kỳ hết. Cái lối đi thì cụ thể và gần cận như thế nhưng cái đích của truyện thì sâu  xa hơn nhiều.

Ở truyện Đám ma hủi, một lão già không có con trai đã liều lĩnh cấy cái mầm sống cuối cùng của mình, bất kể họ hàng gạt bỏ như gạt bỏ con hủi, bất kể cả cái chết, vào thân thể một người đàn bà cô đơn, bất hạnh nhưng khỏe mạnh và bất chấp như lửa. Cuộc tình chớp nhoáng bên dòng sông lũ như chính sự sống bề bộn, khó lường: “Lão phì phò thở trong một giấc mơ tiên”, “Mụ Thuận gật đầu lia lịa. Mụ có nghe được gì những điều lão Nhiêu nói...”. Nhưng cái hạnh phúc mà lão Nhiêu mang đến cho người đàn bà đã qua tay nhiều đàn ông mà chưa được làm vợ là có thực: “Và đến cái lão Nhiêu này, mụ sướng đến phát điên lên khi giữa bàn dân thiên hạ, lão dám nhận là bố của đứa con vẫn còn nằm trong bụng”. Một ước muốn giản dị, ngỡ như dễ dàng ấy mà người đàn bà phải băng qua bao hoạn nạn, nay vác cái bụng to để chống lại sự dữ dằn của dư luận mới có được. Cái lên án ngỡ dữ dằn là tệ sùng bái  con trai chỉ là cái vỏ xã hội của câu chuyện mà cái đọng lại trong lòng người đọc là tính nhân văn, nhân văn đến mức se lòng. Truyện ngắn này vượt qua tầm thời gian cụ thể để đọng lại ở cõi lòng người dài lâu. Từ mụ Thuận người ta có liên tưởng đến bà lão Igiécghim của Mácxim Gorki, liên tưởng đến mẹ Đốp trong sân khấu chèo...

Đọc xong truyện ngắn Người đàn bà uống rượu, tôi phải dừng lại ngẩn ngơ rất lâu. Câu chuyện động chạm đến ký ức Trường Sơn của tôi. Câu chuyện mà tôi sắp kể chẳng liên quan gì đến sáng tác của nhà văn Hữu Ước. Ở Trường Sơn, năm 1969 có xảy ra một chuyện tình thương tâm. Một cô gái trẻ là lính thông tin chết do uống thuốc phá thai. Người tình của cô nghe nói, người Lào có thứ lá cây uống vào thì ra thai liền. Anh ta hái nhầm phải lá độc. Cô gái trước khi nhắm mắt cũng quyết không khai người tình của mình là ai. Cô chỉ trăng trối: “Nếu các thủ trưởng có biết anh ấy là ai thì cũng xin đừng kỷ luật. Vì yêu em mà anh ấy  làm thế”. Đám tang cô gái trẻ hẳn có mặt người yêu của cô ta. Tôi nhìn mặt từng thằng đàn ông mà không thấy ai nấc lên được một tiếng.

Người đàn bà uống rượu của Hữu Ước cũng lớn lao chẳng kém gì cô gái mà tôi vừa kể. Ấy là cô Duyên, thuở chiến tranh, 18 tuổi đã dâng hiến cái trinh trắng của đời con gái cho một người chiến sĩ cảm tử. “Họ đê mê, sung sướng trong đớn đau. Sau đó, anh ríu rít cảm ơn cô. Ban đầu cô cũng có ý định hỏi tên tuổi, quê quán của anh nhưng cô lại sợ anh ra đi không thanh thản. Vì thế, cô chỉ biết khóc. Khóc trong sự mãn nguyện tự đáy lòng”. Sau cái đêm ấy, Duyên có thai và cái phải đến đã đến. Đứa con trai sinh ra đòi có bố. Duyên lấy ảnh một dũng sĩ in trên báo, cắt ra, dán lên bàn thờ.

Điều ngẫu nhiên lạ lùng là sau này, người trong ảnh lại là ông giám đốc nhà máy ngay tại quê hương Duyên; đó là ông Cảnh, một cựu chiến binh. Tôi cứ ngỡ tác giả sẽ bố trí để ông Cảnh léng phéng với Duyên. Hoặc ông ta chối phắt cái tình huống mà Duyên tự bịa với con. Nhưng không, ông Cảnh không phản bội vợ con và không phản bội người chiến sĩ cảm tử mà ông không bao giờ biết mặt. Ông cũng không làm cho đứa con không bố kia phải vỡ mộng. Ở câu chuyện này không có người nào gọi là người xấu. Chỉ có các tâm hồn lớn lao đối diện với các nghịch cảnh. “Cả cuộc đời em không ân hận điều gì, kể cả việc đã tự nguyện hiến dâng đời con gái của em cho anh ấy. Nhưng em chỉ ân hận là đã lừa dối con mình bao nhiêu năm bằng bức ảnh này...”. “Tôi chỉ cấm cô không được nói với thằng bé rằng, bức ảnh thờ kia không phải là bố nó. Còn tôi, tôi sẽ nhận công khai nó là con tôi. Đứa con của tôi trong chiến tranh. Nhưng cô phải hứa với tôi rằng cô phải cho nó đi học tử tế. Đời tôi, đời bố nó phải lo đánh giặc, chúng tôi có được học hành gì đâu”. Đọc hai dòng đối thoại ấy, ký ức chiến tranh ập về và tôi đã khóc. Truyện hư cấu mà hoàn toàn có thể là thật.

Có lẽ, Người đàn bà uống rượu là truyện ngắn lãng mạn nhất mà Hữu Ước đã viết tính đến chặng đường này. Và với tôi, trong kho tàng truyện ngắn Việt Nam hiện đại, đây là một trong mươi truyện ngắn đầu bảng viết về đề tài chiến tranh. Chính ý nghĩa nhân văn đã làm nên thắng lợi của cả một cuộc kháng chiến và cũng chính ý nghĩa nhân văn làm truyện ngắn Người đàn bà uống rượu tạo nên khả năng ám ảnh lâu bền.

Với truyện ngắn, nếu Hữu Ước đã tăng tính thế sự bởi các thủ pháp ngỡ như chỉ có ở báo chí thì ở kịch, nó tồn tại sẵn trong bản chất của thể loại. Các nhà  kinh điển nói rằng đặc tính nổi bật của kịch là tính hiện đại: bất kỳ thời gian của kịch diễn ra khi nào, ở đâu thì nó cũng hiện ra ngay trước mắt người xem.

Đặc tính đặc biệt ấy của kịch đã đánh trúng vào ông nhà văn hiếu động Hữu Ước. Mà nhà văn này lại sống đúng vào môi trường mà việc giải quyết các xung đột, đấu tranh quyết liệt giữa thiện và ác, là công việc trung tâm thường xuyên. Có lẽ đó là lý do giải thích tại sao nhà văn Hữu Ước, trong một thời gian không phải là dài, đã có được hàng loạt vở kịch dài và mau chóng trở thành một tác giả ngang ngửa trong làng sân khấu.--PageBreak--

Vở kịch Người đàn bà uống rượu và truyện ngắn cùng tên, trên cùng một cốt truyện, nhưng do đặc tính của thể loại, chúng đã khác nhau cả khí lẫn vị. Ở truyện ngắn, giai điệu như được tấu lên từ một dàn nhạc dây với rất nhiều khúc thức huyền ảo; còn ở vở kịch, không chỉ có dàn dây mà còn có tiếng kèn và dàn nhạc gõ nữa. Không khí chiến trường náo động chỉ có ở tác phẩm kịch. Cái duy nhất không thay đổi khi tác giả chuyển thể là ký ức chiến tranh và vẻ đẹp lộng lẫy của người chiến sĩ.

Tiếng chuông chùa là vở kịch dựa trên một vụ án có thật nhưng hoàn toàn chỉ như một trận lũ để tác giả bình phẩm về nước mà thôi. Tình tiết vụ án là loại tình tiết đã từng xảy ra ở rất nhiều quốc gia: cái quyền đi với cái tiền đã lôi kéo bao người xuống vực. Vượt lên các tình tiết cụ thể, vở kịch cuốn hút người xem từ  cuộc đấu tranh nội tâm quyết liệt của người chiến sĩ công an nhân dân. Đó là sự giằng xé giữa cái chung và cái riêng,  như chính tác giả khi trả lời phỏng vấn báo chí đã bộc lộ:

"Bởi trong con người ta bao giờ cũng có cái chung và cái riêng. Khi người ta vì cái chung họ nhìn mình khác và khi vì cái riêng họ lại nhìn khác nữa. Đó là điều đương nhiên. Dù là điều đương nhiên nhưng do tôi là một nhà văn nên  tôi hay xúc cảm. Tôi rất nhớ lời dạy của một nhà lãnh đạo nổi tiếng của KGB Đjeczinxki: “Nghề công an cần một trái tim nóng, một cái đầu lạnh và đôi bàn tay sạch” thì nghề làm báo cũng y như vậy". (Thế sự, trang 298). Nói cô đúc được như Đjeczinxki mà Hữu Ước trích dẫn đã khó mà làm được điều đó còn khó bội phần. Nhân vật Vũ Đức trong tác phẩm, một giám đốc công an cấp thành phố, như cái tên đã có sự ám chỉ, có cả “vũ” lẫn “đức” mà đối diện với câu chuyện bên ân nghĩa, bên tội lỗi cũng không dễ dàng khi ra một quyết định.

Cái nổi bật ở Tiếng chuông chùa, ở cả Người đàn bà uống rượu và các tác phẩm khác của Hữu Ước là vẻ đẹp trong các nhân vật nữ. Chính nhà văn đã công nhận như vậy: “Chỉ biết là tác phẩm của tôi, từ kịch, thơ, đến truyện ngắn, không bao giờ có nhân vật phụ nữ xấu, thậm chí cả gái đứng đường đứng chợ, không chữ nghĩa trong tác phẩm của tôi cũng rất đẹp...” (trang 275).

Lâu nay, loại nhân vật người mẫu, hoa hậu, á hậu thường bị chê bai, bôi bác, nhưng nhân vật á hậu Quỳnh Nga trong Tiếng chuông chùa ngỡ đâu cũng chỉ là người lấy nhan sắc để câu châu báu tiền của, mà đằng sau vẻ đẹp kia là một người có tâm hồn đáng nể trọng. Đấy chỉ là một ví dụ tùy tiện từ một nhân vật phụ. Ấn tượng mạnh mẽ nhất mà cũng có thể gây ám ảnh sâu sắc đối với người xem vở kịch này đến từ nơi vô hình: tiếng chuông chùa. Tiếng chuông của cõi xa xăm, có mang âm thanh của nơi hoàn thiện hay tiếng chuông kia lại có cả cái không hoàn thiện nữa làm người bạn đời hiền lành của vị giám đốc đi tu, tiếng chuông làm lắng cặn những gì đau đớn nhất của cõi làm người. Vở kịch mở màn đưa người ta vào cõi này mà vở kịch sắp đóng màn lại như đưa người ta nhìn sang nhiều cõi khác.

Trong âm thanh của tiếng chuông chùa kia, đọc thơ Hữu Ước mới thật đồng cảm chăng. Khi giám đốc Công an thành phố buộc phải ra lệnh bắt bạn, khi không cứu vãn nổi mối tình của chính con gái mình, khi người vợ hiền muốn bỏ đi tu, giá như Vũ Đức đọc được những dòng này: Nợ tình nợ chữ ta còn trả/ Nợ số phận ta - cái nợ đời/ Nhân tình thế thái quay cuồng cả/ Mòn mỏi vai gầy ai với tôi/ “Nhân gian” hai chữ sao mà nặng/ Ta gánh sao đây hở đất trời? Cái nợ và cái trả này không cứ một vị cán bộ cao cấp nào của ngành Công an, không chỉ là day dứt của ngòi bút trách nhiệm của nhà văn mà suy cho cùng là của kiếp người. Đây có lẽ cũng là suy nghĩ thường trực của nhà văn Hữu Ước: Ta là ai - là ai (?)/ Là khôn hay là dại (Tôi và tôi và...). Tôi là một con người/ Tôi lúc khôn lúc dại/ Tôi lúc tỉnh lúc say/ Duy có một tấm lòng/ Tôi cho đời hết cả... (Cho và nhận). Tiếng chuông chùa kia cứ theo ta, để rồi những day dứt về cái xấu, cái tốt, cái ác, cái thiện cứ trở đi trở lại. Ngẫm đến thế thì làm sao không cô đơn: Cái rét heo may giá lạnh/ Thinh không vang tiếng chuông chùa/ Âm u lòng người hiu quạnh/ Cô đơn của một kiếp con người/ Tiếng chuông chùa ngân vang/ Đi về đâu, về đâu/ Tiếng chuông chùa không biết/ Tiếng chuông chùa cứ buông.

Là một con người có lúc Hữu Ước cũng yếu đuối, tự thấy mình nhỏ nhoi giữa biển đời mênh mông: Tôi chỉ muốn tôi chẳng là gì cả/ Dù chỉ là hạt cát giữa vạn ngàn hạt cát (Đừng là gì). Nghe qua thì ngỡ như khiêm nhường, nhưng nghe kỹ lại thấy sự điềm tĩnh đến gan góc. Là sao có lặn, là hoa có thể héo, ví mình là hạt cát là kiêu hùng lắm. Cũng như trong cái ao đời, Hữu Ước ví mình là con ốc là cũng kiêu hùng lắm đấy: Người dạy ta khôn lớn/ Bằng thiện ác của Người/ Lòng ghen và đố kị/ Nhân ái và bao dung/ Tôi cứ như con ốc/ Lúc nổi lúc lại chìm/ Giữa Ao Đời đục trong... Đó là cách suy nghĩ bình tĩnh khỏe khoắn, có lẽ đã được bắt nguồn từ cái tài của nhà văn mà Hữu Ước có được là sự từng trải, từng trải trong chiến tranh có khói súng và không khói súng, từng trải khi đối mặt với kẻ thù và cả bao chìm nổi gian truân không tên tuổi của một kiếp người đầy bão tố như anh: Tôi đi chiến tranh năm tôi 17/ Và bây giờ tôi qua tuổi 50/ Thời gian cũ - kiếp người cũng cũ/ Trái tim đầy vết đạn thời gian.

Đời Hữu Ước là thế mà đời tôi cũng bao năm ở Trường Sơn và bao bão dông vất vả đời thường cũng thế. Có lẽ sự trùng hợp ấy bởi chúng tôi là lính. Những người lính chỉ biết đứng thẳng và nói những điều từ đáy lòng. Cho dù đó là sự đắng cay. Nhưng tôi thích thú cái khỏe khoắn thường trực trong nhà văn này. Không khỏe khoắn mà cả Nguyễn Quang Thiều nhà thơ và nhà họa khoái chí trước “Con bò mùa đông” đến lượt Hữu Ước cũng khoái chí trước chú bò kia; cả hai gửi vào cặp sừng bò, gửi vào bắp thịt bò cái khỏe mạnh cần có ở đời để bất chấp mọi cô đơn, dù cô đơn đến mức rỉ máu: Bò cứ phải gồng mình và rỉ máu/ Bò cô đơn đau đớn đến lạnh lùng/ Sức sống của bò ở đâu mà bắp thịt cứ cuộn trào... Có lẽ, hai gã Hữu Ước và Nguyễn Quang Thiều không chỉ cùng thích một chú bò mùa đông mà có lẽ còn có cộng hưởng về thơ ca. Thơ ca hai gã rất khác nhau nhưng đều nghiêng về xu hướng hiện đại hóa qua con đường dân tộc. Hữu Ước làm thơ như thể hơi thở tự nhiên phải thế thì thành thế. Đây là một đoạn đối thoại với báo chí:

PV: Từ đầu đến giờ, thấy ông là người rất quyết liệt, quyết đoán. Có bao giờ ông cảm thấy mình yếu đuối, bất lực không?

Hữu Ước: Yếu đuối, nhiều chứ, đối với nhà văn, tâm hồn bao giờ cũng cảm thấy run rẩy. Nhưng khi mình phát hiện được mình đang ở cương vị nào thì con người đó lập tức bùng dậy. Con người tôi lúc là nhà văn thì rất yếu đuối (trang 301).

Đọc những dòng trên, tôi nghĩ, dây đàn run rẩy và yếu đuối kia, đúng với mọi nhà văn, nhưng rõ rệt hơn là với các nhà thơ.

Có lần, tôi ngồi với nhà văn Nguyễn Đình Thi, ông nói ra một nhận xét rất lạ tai nhưng ngẫm kỹ thì rất đúng. Ông bảo, kịch không hề gần với truyện ngắn hay tiểu thuyết, mà kịch rất gần với thơ. Hoàn toàn chính xác. Xa xưa, ở châu Âu, đã nói đến kịch thì tức là kịch thơ. Kịch thoại bằng lời nói thường mãi sau này mới có. Về mặt ngôn ngữ, kịch đòi hỏi sự chắt lọc không kém gì thơ. Bởi vậy chăng mà xen giữa các tác phẩm kịch, Hữu Ước lại có thơ. “Bây giờ thì tôi nhận ra rằng, có những điều mà các thể loại văn xuôi không thể nói được thì thơ lại nói được. Nhất là với những cảm xúc bất chợt, buồn vui bất chợt, hạnh phúc bất chợt hay đau đớn bất chợt...” (Trả lời phỏng vấn, trang 261).

Trong một tập thơ mới xuất bản, nhà thơ Hồng Thanh Quang có vài dòng thơ tặng nhà văn Hữu Ước mà câu mở đầu là Gối đầu lên thế sự... Câu ấy đúng với người vừa làm văn vừa làm báo. Gối đầu lên thế sự với một tinh thần trách nhiệm rất cao trước cuộc sống dài lâu và trước sự nghiệp của dân của nước, với một bút pháp từng trải ở nhiều thể loại, nhà văn Hữu Ước, với tập sáng tác mới này đã đóng góp một sản phẩm văn chương có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật. Gối đầu lên thế sự để lắng nỗi đau nhân tình

.
.
.