Văn chương những ngày cuối năm

Thứ Năm, 24/11/2005, 08:41

Lại sắp qua một năm, đây là thời điểm của mùa thu hoạch, tổng kết, nhìn lại, đánh giá một năm văn học. Còn những dăm ba chục ngày nữa năm văn học 2005 mới khép lại, nhưng có thể nói trước rằng, năm con gà là một năm ngổn ngang của văn học với rất nhiều sự kiện và hiện tượng.

Đại hội Nhà văn Việt Nam còn chưa hết dư vang đã tiếp liền ngay giải thưởng văn học (giải thưởng của Nhà xuất bản Thanh Niên; của Lực lượng Công an nhân dân; của Hội Nhà văn Hà Nội; Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh; của ngành Giáo dục; Giải quốc tế ASEAN… rồi sắp tới là giải hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, trước đó là giải tiểu thuyết rồi Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, rồi lại sắp sửa kết nạp hội viên mới. Biết bao nhiêu là chuyện phải nói, đáng bàn.

Báo chí, dư luận vừa qua rộ lên xung quanh giải thưởng cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn. Người khen cũng lắm mà kẻ chê cũng không ít. Báo cáo tổng kết của Hội thì nói đó là “cuộc tự vượt đáng trân trọng”, nhưng lại có ý kiến cho rằng cuộc trao giải này là sự “trao để mà quên”, thậm chí còn nói có tác phẩm không đáng được gọi là tiểu thuyết, tác giả chưa biết viết tiểu thuyết (?!).

Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Uỷ viên Trung Ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an trao giải thưởng văn học 10 năm về đề tài "Vì an ninh tổ quốc và Bình yên cuộc sống" cho các tác giả đoạt giải A.
Rồi thì người ta bàn luận nhiều về “văn mới”, “văn nữ”, “văn ma”, “văn sexy”, “văn trẻ”… Có người bảo văn thế mới là văn, viết thế mới là viết. Lại có người hoảng lên: Thế này thì văn chương đến thời lụn bại rồi (?!).

Lý giải về sự tréo ngoe giữa các luồng ý kiến trên như thế nào đây? Thật khó mà cũng thật dễ. Với văn chương có khen, có chê là chuyện bình thường. Vấn đề là ở chỗ khen đúng, chê đúng, khen và chê với tinh thần, thái độ nào.

Về giải thưởng, không thể là cứ giải thưởng của Nhà nước, của Hội Nhà văn đều là phải “nhất hô, bá ứng”, 100% “tâm phục, khẩu phục”, tất cả đều toàn bích, tuyệt vời! Bởi vì sao? Vì văn chương là lộc giời, văn chương như mùa vụ. Có năm trúng mùa, có năm thất bát. Và bởi vì sao nữa? Vì văn chương cũng giống như món ăn. Có nơi quen ăn cơm, có nơi thích dùng bánh như người miền Nam coi sầu riêng là trái cây nữ hoàng, nhưng lại không hợp khẩu vị người miền Bắc. Vì thế nên mới có câu “bó đũa chọn cột cờ”, vì thế nên mới có chuyện trong năm “xung” có tháng tốt, trong tháng “hạn” có ngày “đại hỷ”, trong ngày “xấu” vẫn có khi có giờ “hoàng đạo”. Người ta trao giải là trao giải cho một cuộc thi, cho một năm, cho một ngành, cho một địa phương hà cớ gì mà cứ bắt tác phẩm nào cũng phải như… “Truyện Kiều”?

Về các hiện tượng “văn mới”, “văn nữ”, “văn liêu trai chí dị”… theo tôi, sự xuất hiện của các “trường phái”, “khuynh hướng” này là tất yếu, là bình thường của đời sống văn học. Văn học “đóng băng” như thị trường địa ốc gần đây mới sợ, chứ văn học mà có bạn đọc thì không việc gì phải hoảng lên. Cuộc sống người đọc và thời gian vô cùng công bằng. Cái gì “hợp” sẽ tồn tại, cái gì “công” dứt khoát, không chóng thì chầy cũng sẽ bị đào thải.

Tôi rất thích câu “có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ” của ông bà ta. Tôi nghĩ, trong phê bình văn chương, khen đúng, phát hiện đúng, động viên kịp thời mới là khó. Chê đúng, bắt đúng lỗi cũng khó, nhưng chê chung chung theo kiểu “phán” thì quá dễ. “Thi nhân Việt Nam” của Hoài Thanh dường như “toàn khen”, ấy vậy mà trường tồn. Trái lại nhiều cuốn sách phê bình “đao to búa lớn”, “hạ” ông này, “phang” ông khác hỏi sống được mấy ngày? Phương châm “có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ”, “đãi cát tìm vàng” của một số ban giám khảo các cuộc thi, của một vài hội đồng xét tặng giải thưởng văn học và một vài cây bút phê bình văn chương gần đây đã cho một kết quả rất đáng khích lệ. Vì họ mà văn chương năm vừa rồi mới có “sự hồi sinh” của thể loại nhật ký. Nhật ký Đặng Thùy Trâm, nhật ký Nguyễn Văn Thạc đã không chỉ là một hiện tượng của văn học mà còn là một sinh hoạt chính trị rộng khắp. Rồi các “hiện tượng” Mạc Can với “Tấm ván phóng dao”, Nguyễn Ngọc Tư với “Cánh đồng bất tận”, Nguyễn Ngọc Thuần với “Trên đồi cao chăn bầy thiên sứ”… là một hiện tượng rất đáng mừng của văn học. Đó là mới chứ gì nữa.

Cái mới còn được thể hiện không chỉ ở những gương mặt mới, cây bút mới mà ở ngay cả những tên tuổi đã định hình. “Bến đò xưa lặng lẽ” của Xuân Đức, “Dòng sông mía” của Đào Thắng và “Rừng thiêng nước trong” của Trần Văn Tuấn - những tiểu thuyết đoạt giải A trong cuộc thi tiểu thuyết 2002-2004 đúng là có sự “tự vượt lên mình đáng trân trọng” của các tác giả. Với các anh, đúng như nhà thơ Chế Lan Viên viết: “Đời đã sáu mươi xuân/ Mong gì hương sắc lạ/ Mọc nhành hoa trên đá/ Mùa xuân không chịu lùi”. Những bông “hoa trên đá” ấy thật đáng nâng niu, trân trọng.

Nâng niu, trân trọng là những thái độ nên có của những người yêu quý văn học nước nhà. Cũng như kinh tế, văn học ta chưa thật phát triển, vì vậy hãy “gom góp dựng cơ đồ” trước đã rồi hãy (mới) “đi tắt đón đầu”, “đột phá”, “bứt phá” được. Và đấy cũng là cách tốt nhất để tạo ra một môi trường sáng tác lành mạnh để các nhà văn thỏa sức sáng tạo, để những “mầm non” văn nghệ xuất hiện phát triển. Tôi trộm nghĩ như vậy không biết đã đúng chưa?

Ngô Vĩnh Bình
.
.
.