Ván bài lật ngửa

Thứ Sáu, 17/03/2006, 08:40

Mối quan hệ giữa LĐBĐVN và HLV trưởng A.Riedl bỗng chốc trở nên "căng thẳng" khi nhà cầm quân người Áo kiên quyết bảo vệ quan điểm sử dụng các "cựu binh" cho Cup Mùa Xuân, trong khi lãnh đạo VFF thì một mực đòi hỏi phải "trẻ hóa" nhân sự…

So với các đời HLV ngoại đã đến và đi, Riedl nổi tiếng là "cô dâu ngoan hiền, dễ bảo" của LĐBĐVN (VFF). Thậm chí, ở những thời điểm cơm không lành, canh không ngọt giữa hai bên, Riedl cũng sẵn sàng nhượng bộ để chiều lòng "người chồng khó tính". Hơn thế, chẳng giống như người tiền nhiệm Tavares hay xa hơn là Weigang, ông này còn được đánh giá là không có nhiều "chiêu" đối phó trong những tình huống "xung đột" với VFF.

Bởi thế nên "tuổi thọ" của ông thầy người Áo này trên băng ghế HLV đội tuyển được xếp vào hàng kỷ lục với 3 lần "tái hôn".

Tuy nhiên, sự gắn bó quá lâu với bóng đá Việt Nam cũng như khía cạnh tiêu cực của việc "Việt Nam hóa" đã khiến cho Riedl trở nên khá rành rẽ những đường banh ngóc ngách ở hậu trường làng bóng.

Nếu nhìn nhận dưới góc độ này, người ta có thể phần nào hiểu được tại sao Riedl đột ngột đổi thái độ khi nhất quyết "cương" với LĐBĐVN xung quanh bản danh sách triệu tập đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho Cup Mùa Xuân. Thậm chí, việc Riedl tung sớm bản danh sách đội tuyển dự kiến ra cho báo chí cũng như kiên quyết bảo vệ các "cựu binh" có thể được hiểu là đòn "tiên hạ thủ vi cường" trước VFF để thăm dò dư luận và đặt mọi sự vào chuyện đã rồi.

Vì sao Riedl trở nên "cứng đầu"? Câu trả lời là 2 chữ: "Thành tích". Ông Reidl cần những "cựu binh" đã được khẳng định tên tuổi cho "chiến dịch Mùa Xuân" để nhằm tới cái đích là một vị trí khả quan ở giải đấu này khi mà đã có những dấu hiệu cho thấy chiếc ghế HLV trưởng của ông đang lung lay. Cứ thử tưởng tượng xem, đội tuyển thi đấu tốt tại Cup Mùa Xuân thì uy tín của Riedl sẽ lên như thế nào trong con mắt các CĐV. Đồng thời, VFF sẽ không có cớ để "ly hôn" và thế chủ động trong việc chia tay hay không thuộc về nhà cầm quân người Áo. Có thể sau Cup Mùa Xuân, Riedl sẽ tự nguyện ra đi như một số nguồn tin hậu trường, nhưng đó sẽ là một cuộc ra đi trong danh dự và để lại vô vàn những lời trách cứ cho VFF từ phía các cổ động viên.

Trong khi đó, có vẻ như VFF đang "nương" theo dư luận để giương cao ngọn cờ "trẻ hóa" đội tuyển. Nguyên nhân là vì đâu? Theo bình luận của giới quan sát, trong điều kiện khó khăn về tài chính như hiện nay của Liên đoàn sẽ không hề là quá nếu như nói rằng mức lương 150 triệu đồng mỗi tháng của Riedl đang là một gánh nặng cho ngân sách. Thêm vào đó, trong suốt năm 2006, bóng đá Việt Nam gần như không có "mặt trận" chính trên phương diện đội tuyển quốc gia, cũng như là đội U-23. Thời gian "bóng chết" này là điều kiện để xây mới lại từ đầu một đội tuyển sạch và mạnh với một chiến lược gia có nhìn tầm xa, mà Riedl đã và đang cho thấy ông chỉ là một chuyên gia của những chặng nước rút.

Cũng cần phải nhắc lại, khi đặt bút ký hợp đồng với Riedl, lãnh đạo VFF từng kỳ vọng ông thầy này sẽ chung tay với họ xây dựng một kế hoạch dài hơi, bài bản trong khâu đào tạo và phát triển tài năng trẻ. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến bản hợp đồng với Riedl được ký với thời hạn 3 năm, thay vì năm một như các đời HLV ngoại khác. Thế nhưng, 1/3 "nhiệm kỳ" Riedl đã trôi qua, sự kỳ vọng có vẻ đã trở thành thất vọng và thách thức sự kiên nhẫn đối với VFF. Thế nên trẻ hóa đội tuyển quốc gia ở Cup Mùa Xuân có đồng nghĩa với việc Liên đoàn "nhất tiễn hạ song điêu": Một mặt, đặt nền móng xây một đội tuyển mới; mặt khác, tăng thêm cơ hội chia tay với Riedl để tìm một người cầm cương khác cho đội tuyển?

Vào lúc này, khó có thể chứng thực được câu hỏi về mục đích của LĐBĐVN đằng sau yêu cầu Riedl trẻ hóa đội tuyển. Thế nhưng, với cương vị "ông chủ", người đứng đầu VFF đã khẳng định, sẽ cương quyết đề nghị Riedl điều chỉnh bản danh sách đội tuyển chuẩn bị cho Cup Mùa Xuân theo chiều hướng ưu tiên cho các gương mặt trẻ.

Với cương vị HLV trưởng, Riedl có thể đem điều khoản hợp đồng quy định "HLV trưởng toàn quyền được quyết định về mặt chuyên môn" để bảo vệ quan điểm "vị thành tích" của mình.

Vô hình trung, Cup Mùa Xuân trở thành một ván bài lật ngửa giữa VFF và Riedl. Trong đó, bên nào cũng cố lái những "quân bài"- nhân sự theo chiều hướng có lợi cho mình?

Nguyên Bảo
.
.
.