'Bài ca Hồ Chí Minh': Vẫn âm vang chan chứa ân tình

Thứ Tư, 13/05/2015, 09:01
MacColl tên thật là James Henry Miller, sinh ra ở Salford (Anh). Ông đã tham gia phong trào tranh đấu của công nhân rất sớm. Ông bắt đầu sự nghiệp bằng viết nhạc giúp nhà sản xuất và là diễn viên kịch. Là người yêu thích nhạc dân gian, MacColl đã có trên một trăm đĩa nhạc thể loại này. Ông đã từng được trao giải Grammy với ca khúc “The First Time Ever I Saw Your Face”.
Trong suốt gần nửa thế kỷ qua, mỗi dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ca khúc “Bài ca Hồ Chí Minh” (The Ballad of Ho Chi Minh) của nhạc sỹ Ewan MacColl lại vang lên với điệp khúc “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh” sôi động. Đây là một trong những ca khúc nổi tiếng viết về Hồ Chủ tịch và là “bài ca đi cùng năm tháng” của âm nhạc Việt Nam.

Trong nhiều chương trình ca nhạc kỷ niệm ngày sinh và ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh do Bộ Công an tổ chức, bài hát này cũng nhiều lần vang lên, với sự thể hiện của ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, hoặc các ca sĩ người nước ngoài. Ca khúc này đặc biệt, bởi tác giả là người nước ngoài viết về vị lãnh tụ của Việt Nam, lại ra đời đúng vào đêm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 7/5/1954. Bài hát đã được NSƯT Quang Hưng đưa về Việt Nam từ năm 1967 và ông cũng là người đầu tiên thể hiện thành công.

Nhạc sĩ Ewan MacColl.

Trong di vật của giọng ca vàng Quang Hưng để lại cho vợ là NSƯT Hoàng Mỵ, còn lưu lại ký ức của NSƯT Quang Hưng về kỷ niệm với bài hát và tác giả “Bài ca Hồ Chí Minh”. Năm 1967, Quang Hưng là một trong số rất ít ca sĩ được chọn tham gia đoàn nghệ sĩ dự Đại hội liên hoan quốc tế ca hát phản kháng chiến tranh tổ chức tại La Habana (Cu Ba).

Trong đêm khai mạc Đại hội, nhạc sĩ Ewan MacColl đã cùng nữ danh ca người Mỹ, Peggy Seeger, người bạn đời của ông (và là em gái nhạc sĩ, ca sĩ nổi tiếng Peter Seeger - tác giả bài hát “Bác Hồ - thầy giáo” (Teacher Uncle Ho), biểu diễn ca khúc này. Bài hát kết thúc, những tràng pháo tay nổi lên như sấm cùng những tiếng hô vang dội “Hồ Chí Minh – Hôxê Macti, Tổ quốc hay là chết” và đề nghị hát lại nhiều lần.

Ngay đêm ấy, ca sĩ Quang Hưng đã tìm gặp 2 người bạn quý. Cùng sóng bước trên bãi biển Varadero tuyệt đẹp đầy gió Đại Tây Dương, hai nghệ sĩ Ewan MacColl và Peter Seeger đã thân tình dạy cho NSƯT Quang Hưng ca khúc “Bài ca Hồ Chí Minh”. Tác giả cũng kể lại tỉ mỉ hoàn cảnh ra đời của bài ca ấy: Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 đã làm chấn động thế giới. Ngay đêm đó, trong Câu lạc bộ Lao động ở London (Anh), các đại biểu “Phong trào đòi tự do cho các thuộc địa” đã tổ chức một cuộc mít tinh để chào mừng thắng lợi này.

Ca sĩ Quang Hưng với cây guitar được Chủ tịch Phidel Castro tặng tại Đại hội liên hoan quốc tế ca hát phản kháng chiến tranh 1967.

Nhạc sĩ Ewan MacColl ôm đàn, bước lên sân khấu với niềm hân hoan báo tin Pháp đã thất bại tại chiến trường Điện Biên Phủ của Việt Nam và đây là ngày hội lớn của tất cả những người lao động bị áp bức trên toàn thế giới. Ông nhấn mạnh: Tại sao chiến thắng đặc biệt có ý nghĩa này lại xảy ra ở Việt Nam mà không ở nơi khác?

Gần đây, tôi đã được đọc cuốn sách của một số giáo sư sử học phương Đông và Pháp, Ý... ca ngợi một nhân vật vĩ đại là Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Cuốn sách có đoạn: Hồ Chí Minh không chỉ xót thương nhân dân mình, dân tộc mình mà ngay khi còn lưu lạc nơi đất khách quê người, Hồ Chí Minh đã thấu hiểu nỗi đau khổ của những người nô lệ châu Phi, châu Mỹ...

Gấp cuốn sách lại, lập tức những cảm hứng nghệ thuật đã tràn ngập tâm hồn tôi, giúp tôi nhanh chóng sáng tác một khúc ca về Hồ Chí Minh, người đang nhen lên ngọn lửa giải phóng bừng sáng ở Việt Nam và từ đây sẽ lan nhanh tới mọi lục địa để thiêu cháy mọi áp bức, bất công. Bài hát bày tỏ tình cảm của nhân dân Anh dành cho Hồ Chí Minh, nên tôi sử dụng và phát triển làn điệu dân ca cổ Saxon, với giai điệu thiết tha, sôi nổi.

Rồi, Ewan MacColl nâng cây đàn dân tộc lên trước ngực, âm thanh như dẫn dắt người nghe đi vào những tâm sự thiêng liêng. Cả khán phòng lắng đọng trong âm hưởng “Bài ca Hồ Chí Minh” và mỗi khi Ewan MacColl hát xong một đoạn, mọi người lại hô vang: “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh!” đầy phấn khích.

Trước khi rời Đại hội liên hoan quốc tế ca hát phản kháng chiến tranh, vợ chồng nhạc sĩ Ewan Maccoll đã tặng bản nhạc “Bài ca Hồ Chí Minh” cho đoàn Việt Nam với những câu thơ ghi ngoài bìa: “Trên đời có những vật không thể thay đổi/Có những con chim không khuất phục bao giờ/Có những tên người sống mãi với thời gian/Hồ Chí Minh”.

Cũng từ Đại hội này, “Bài ca Hồ Chí Minh” nhanh chóng được phổ biến ở Việt Nam, cũng như trong lực lượng phản chiến ở Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Điển, Nga, Đức, Nhật, Cu Ba… “Bài ca Hồ Chí Minh” đã được các nghệ sĩ yêu hòa bình của Mỹ đón nhận như một vũ khí tinh thần, để tố cáo hành động xâm lược của Mỹ với Việt Nam.

Nhóm ba nghệ sĩ của Peter Seeger đã gửi một lá thư sang Anh, cảm ơn tác giả ca khúc, trong đó viết: “Mỗi khi chúng tôi hát trước những người nghe không cùng chính kiến, tôn giáo, chủng tộc, ở mọi nơi, mọi lúc, bao giờ “Bài ca Hồ Chí Minh” cũng có sức thuyết phục lạ lùng. Bởi vì Việt Nam, Hồ Chí Minh đã làm quang vinh cho nhiều người. Ca ngợi Việt Nam là ca ngợi chính mình. Bài ca được in thành bản nhạc bướm phổ biến nhiều nơi ở Mỹ, kêu gọi lực lượng phản chiến cùng hành động với nhân dân Việt Nam. Chúng tôi biết nói sao để bạn rõ, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với nhân dân tiến bộ Mỹ quan trọng đến nhường nào”.

Ca khúc “Bài ca Hồ Chí Minh” đã vang lên ở nhiều nước, vào thời điểm Mỹ đẩy mạnh cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đã có ý nghĩa quan trọng để góp phần kêu gọi nhân dân tiến bộ khắp thế giới đoàn kết và ủng hộ Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc…

Thanh Hằng
.
.
.