Vạn Phúc nơi đất hóa tâm hồn

Thứ Sáu, 05/02/2016, 08:36
Ấn tượng rõ nhất của tôi về làng Vạn Phúc xưa kia là những ngày nắng đẹp hoặc hanh hao, ven dòng sông Nhuệ xanh mướt cây lá nổi bật từng dải lụa trắng tinh khôi được phơi dọc triền sông. Hay trong những khu vườn rộng, xen kẽ rau màu, giữa các luống hoa… đâu đâu cũng lấp loáng những tấm lụa phản chiếu ánh mặt trời.


“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”. Hình ảnh ấy, câu thơ ấy đã đeo đẳng trong kí ức biết bao người, dù là người gốc làng Vạn Phúc hay “người thiên hạ”…

Tuổi thơ tôi đã có những năm tháng gắn bó với chúng bạn làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông. Nhớ mỗi lần đi qua đình làng, lũ trẻ chúng tôi đều chững lại ngắm nghía hai ông hộ pháp nghiêm nghị trước tam quan, hàm én mày ngài, mặt đỏ như Bao Công ăn ớt. Đám trẻ con đứa nào yếu bóng vía, vào lúc nhập nhoạng tối đố dám đi qua đây. 

Làng Vạn Phúc còn có nhiều di tích cổ xưa như chùa, đền phường cửi, miếu thờ thành hoàng (cũng là tổ nghề dệt lụa tơ tằm) ven sông Nhuệ… Sau này tôi mua đất, cất nhà và trở thành người làng Vạn Phúc. Khoảng chục năm nay, Vạn Phúc đã lên phường nhưng với tôi, cái tên “làng Vạn Phúc” vẫn thân thương và da diết biết mấy và đất Vạn Phúc không chỉ là nơi ở mà còn là tâm hồn tôi. 

Hầu như hằng ngày, tôi đều đi qua “cầu Cong”, một cây cầu thẳng tắp nhưng còn lưu lại cái tên mộc mạc ấy bởi xưa kia có cây cầu cổ, gần giống với Chùa Cầu Nhật Bản ở Hội An, song không có mái, xây bằng gạch, nối từ tỉnh lộ 70 (nay là phố Vạn Phúc) vào làng. Cách cầu cong một quãng, có “Nhà lưu niệm Bác Hồ”, được ví như “Phủ Chủ tịch mùa đông năm 1946”. Nguyên bản đây là khu nhà của cụ Nguyễn Văn Dương, một nghệ nhân của làng lụa Vạn Phúc. 

Tháng 12-1946, Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo đã bí mật lưu trú, tổ chức các cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng quyết nghị trường kì kháng chiến và Bác đã viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, một áng thiên cổ hùng văn với tuyên ngôn bất hủ: “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”…

Vạn Phúc sớm trở thành cơ sở cách mạng với những ưu thế về địa lí, giáp trung tâm Hà Nội, thuận đường bộ, thuận đường sông; và trên hết là lòng dân Vạn Phúc luôn một lòng ủng hộ cách mạng. Năm 1938, Vạn Phúc đã có chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên. Trong quá khứ, dân làng Vạn Phúc cũng hết lòng ủng hộ Tây Sơn phục quốc. 

Hiện nay, người Việt Nam hầu như ai cũng biết Vạn Phúc là nơi Bác Hồ ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến vào năm 1946, nhưng ít người biết trước đó gần 10 năm, trong một báo cáo ký tên Lin gửi Quốc tế Cộng sản (tháng 7-1939), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhắc đến Vạn Phúc: “Tháng 6, hơn 3.000 nông dân làng Vạn Phúc, Hà Đông chống bán ruộng công”. Phải chăng đó cũng là căn nguyên để đến những ngày “nước sôi lửa bỏng” cuối năm 1946, Bác Hồ và Thường vụ Trung ương Đảng quyết định chọn Vạn Phúc làm địa điểm bí mật, an toàn để quyết nghị toàn quốc kháng chiến?

Trong những ngày căng thẳng đó, Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo của Chính phủ ban ngày vẫn làm việc tại Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ, số 12 Ngô Quyền, Hà Nội), nhưng ban đêm đều phải lánh về những địa điểm bí mật, bảo đảm an toàn tuyệt đối để tiếp tục họp bàn, chuẩn bị trường kì kháng chiến. 

Đầu tháng 12-1946, Bác Hồ đã chỉ đạo đồng chí Trần Đăng Ninh tìm một địa điểm an toàn ở ngoại thành. Nhớ tới Vạn Phúc, nơi đã nuôi giấu nhiều cán bộ tiền bối của cách mạng, sau khi nắm thêm tình hình, đồng chí Trần Đăng Ninh báo cáo với Bác và được Người đồng ý. Bác Hồ đã ở Vạn Phúc từ ngày 3-12 đến 19-12-1946. 

Đồng chí Vũ Kỳ, người thư kí riêng của Bác, trong dịp kỉ niệm 40 năm Toàn quốc kháng chiến, nhớ lại: “Xe đi đến thị xã Hà Đông rẽ quá trên cầu làng Vạn Phúc thì đỗ lại. Trời tối hẳn. Anh Ninh (đồng chí Trần Đăng Ninh – PV) đi trước. Đường làng lát gạch. Đến cổng xây, đồng chí Ninh dắt tay Bác qua một khoảng sân nhỏ, rồi lên cầu thang hẹp bên phải, xây bằng gạch. Tầng gác này có một phòng rộng, ở phía ngoài bày bàn thờ. 

Liền đó có một phòng nhỏ, cửa vào ngay cầu thang lên, khoảng 15 mét vuông là buồng riêng của “cậu Tú” con trai thứ cụ chủ nhà vừa dùng làm buồng học, buồng ngủ. Những người trong nhà và dân làng Vạn Phúc hồi ấy không một ai biết rằng nhà mình, làng mình được chọn làm nơi ở và làm việc của Bác Hồ… Cuộc họp lịch sử ở ngay trong căn gác hẹp tại làng Vạn Phúc, nơi làm việc của Bác Hồ lúc đó. Đồng chí Trường Chinh báo cáo tình hình và nêu ra nội dung chủ yếu của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện. Đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo những vấn đề chính về tình hình và kế hoạch quân sự”…

Vợ chồng ông Lê Văn Thành, Nguyễn Thị Hà. (Ảnh chụp tháng 11-2015).

Dù đã thành “người làng” Vạn Phúc nhưng lần nào đi qua Khu di tích nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, tôi đều bâng khuâng ngắm nhìn ngôi nhà của cụ Nguyễn Văn Dương. Chiếc cổng xây bằng gạch đã nhuốm màu thời gian quét vôi màu vàng, có nhiều họa tiết đắp nổi rất đẹp và dòng chữ số 1935. 

Bước qua cổng, rẽ phải một đoạn là đến chiếc cầu thang nơi Bác đã đặt chân lên lần đầu tiên vào buổi tối ngày 3-12 mùa đông năm 1946; tưởng như còn thấy rõ dấu chân Người. Ngôi nhà này được cụ Nguyễn Văn Dương xây từ năm 1939, đến nay kiến trúc vẫn còn hầu như nguyên vẹn. Gia đình cụ Dương mấy đời làm nghề bốc thuốc cứu người, đến đời cụ Dương thì mở rộng sang nghề dệt và buôn bán tơ lụa. Cuối những năm 30 của thế kỉ trước, gia đình cụ đã mở được cửa hàng tơ lụa tại chợ Bến Thành, Sài Gòn…

Trên căn gác, một chiếc tủ thờ có bức chân dung Hồ Chủ tịch lồng khung kính trang trọng. Mọi hiện vật được giữ gìn, bài trí như nó vốn có. Chúng tôi kính cẩn thắp nén hương thơm tưởng nhớ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, rồi bước chân vào căn buồng nhỏ. Một chiếc giường gỗ trải chiếu cói, có một cái gối mây, bên cạnh giường là bộ bàn ghế đặt một chiếc đèn bão… 

Trong tôi chợt hiện lên hình ảnh Bác ngồi bên ngọn đèn, chăm chú viết, đôi lúc Bác dừng lại đặt tay lên trán, suy nghĩ bao điều hệ trọng liên quan tới vận mệnh của dân tộc. Trong đêm đông khuya khoắt, chỉ có ngọn đèn khuya thức cùng Bác và chứng kiến những thời khắc lịch sử của đất nước…

Tôi được bà Chỉnh, một người gốc làng Vạn Phúc đưa tới thăm bà Nguyễn Thị Hà (SN 1938), người con gái của cụ Nguyễn Văn Dương. Nhà bà Hà nằm gần chợ, là khu vực trung tâm của làng Vạn Phúc. Ông Lê Văn Thành (SN 1928), chồng bà Hà cũng là một nghệ nhân nổi tiếng về nghề dệt lụa. Ông bà có chuỗi cửa hàng tơ lụa Phúc Thành khang trang gần đình làng Vạn Phúc. Tuy tuổi cao nhưng sức khỏe và trí nhớ của ông bà vẫn khá tốt. 

Những cô gái làng Vạn Phúc trong phiên chợ lụa truyền thống.

Ông Thành nhắc đi nhắc lại niềm tự hào của mình: “Ngày 19-8-1945, một trong những lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên được treo ở thị xã Hà Đông chính là trên tầng hai nhà tôi, số 84 phố Lê Lợi. Tôi là người Vạn Phúc nhưng các cụ nhà tôi vừa dệt, vừa kinh doanh nên đã mua nhiều nhà mặt phố ở trung tâm Hà Đông và Hà Nội để mở cửa hàng tơ lụa. Rồi vật đổi sao dời, sau khi nghỉ hưu, tôi trở lại với nghề dệt, vực lại nghề truyền thống của gia đình. Bây giờ các con, cháu tôi vẫn giữ được nghề và mở nhiều cửa hàng tơ lụa, sản phẩm may mặc từ lụa… Gia đình tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay là nhờ nghề dệt lụa. Bố mẹ tôi cũng được tặng Bằng có công với nước đấy, anh ạ”.

Nhớ về tuổi thơ, về cha mẹ và ngôi nhà đầy kỉ niệm nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, bà Hà bùi ngùi: Tôi khi đó còn nhỏ, chẳng biết gì cả. Chỉ có anh tôi (ông Nguyễn Tuấn Liêu, nay đã mất; từng là Đại sứ  đặc mệnh toàn quyền CHXHCN Việt Nam tại CHLB Đức - PV) năm đó 21 tuổi, rõ mọi chuyện. 

Sau này, nghe cha tôi kể lại, trước lúc từ biệt gia đình tôi vào tối 19-12-1946, Bác gặp cha tôi và cảm ơn gia đình đã chăm sóc; Bác căn dặn gia đình tích cực ủng hộ kháng chiến… Khi cha tôi hỏi về khả năng giành thắng lợi trong cuộc chiến không cân sức này, Bác khẳng định: “Nhất định là đánh được, còn lâu hay chóng là do ta. Nếu nhân dân ta ai cũng đồng lòng gắng sức thì dù giặc Pháp có máy bay, đại bác mạnh đến mấy cũng phải thua. Ta nhất định thắng!”.

Sự xúc động khiến giọng bà Hà như chùng xuống, nhất là khi nhắc đến cha mẹ mình: “Sau ngày toàn quốc kháng chiến, bố tôi là trưởng ban quyên góp kháng chiến của làng. Hôm ấy tôi đang học ở đình làng thì viên quan Tây mũi đỏ cho lính vào tìm tôi đưa về nhà. 

Đến nơi, tôi thấy anh Dần (là du kích) bị trói giật cánh khuỷu, bị đánh nhiều nên anh Dần khai ra bố tôi. Rất may bố mẹ tôi hôm đó trốn được. Bọn Tây đọc và bắt tôi chép những cuộc hỏi cung, rồi tuyên bố tịch thu toàn bộ gia sản nhà tôi… Sau này, bố tôi có kể lại trước Cách mạng Tháng Tám đã nhiều lần giúp đỡ, ủng hộ những cán bộ tiền bối về Vạn Phúc hoạt động nên khi ông Trần Đăng Ninh và ông Phúc Khánh (Bí thư chi bộ xã) đặt vấn đề mượn căn nhà hai tầng để cán bộ Trung ương ở một thời gian, bố tôi đồng ý ngay”…

Tạm biệt gia đình bà Hà, tôi trở về trên con đường thân quen hằng ngày. Khi qua cổng căn nhà nơi 70 năm trước Bác Hồ viết lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, những làn gió xuân lẫn với mùi hoa dạ hương đã man mác thổi khắp làng. Trong tiếng máy dệt đang rộn ràng của nhà ai đó có đơn hàng ngày cuối năm, có tiếng cười nói tíu tít và tiếng trẻ thơ bi bô hát theo nhịp “Xuân đã về, Xuân đến mơ màng”...

Trần Duy Hiển
.
.
.