Nhân 90 năm ngày sinh họa sĩ, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu (1919- 2009):

Vạm vỡ một chân dung, một tượng đài

Chủ Nhật, 27/12/2009, 10:17
Từ tấm bé, trong tâm tưởng tôi mỗi khi nói đến họa sĩ Diệp Minh Châu là tôi nghĩ ngay đến người nghệ sĩ gốc Nam Bộ cao lớn, tóc dài chuyên tạc tượng Bác Hồ. Càng về sau, trong tôi hình ảnh người họa sĩ ấy lớn hơn nhiều, bởi một cuộc đời cống hiến, một nhân cách, một tấm lòng và một tài năng. Ông chính là một chân dung, một tượng đài vạm vỡ giữa cuộc đời và trong nghệ thuật…

Một bẩm sinh nghệ sĩ

Vóc dáng cao lớn, tính cách phong lưu, ngắm ông với tư cách một nghệ sĩ tạo hình, tôi đã thật vô tâm không nghĩ rằng sau lưng ông đã từng có bao dâu bể. Cuộc đời người nghệ sĩ cách mạng ấy cũng đã trải không ít những bi kịch về thân phận. Cuộc đời ấy có quá nhiều xa cách chia ly để tận thấu về hạnh phúc và khổ đau…

Ông sinh năm 1919 tại Bến Tre rợp bóng dừa xanh bên những con kinh ngầu đỏ phù sa của dòng sông chín nhánh. Hình như trời đã phú cho ông tài năng cầm bút vẽ, nên từ thiếu nhi, mới 7, 8 tuổi đầu ông đã từng làm thầy giáo dạy vẽ kinh ngạc. Tuổi thiếu niên mê vẽ, Diệp Minh Châu nguệch ngoạc vài nét đã thấy hiện ra chân dung bạn bè.

Lớn lên một chút chàng thiếu niên đã có thể vẽ thuê phông cảnh cho những gánh hát. Đó là một bắt đầu có tính định mệnh để từ đó chàng thiếu niên ấy hướng đời mình đi trên con đường nghệ thuật. Cuộc đời người nghệ sĩ ấy đã trải qua những cuộc trường chinh vạn dặm để ra đi và trở về. Đam mê hội họa, Diệp Minh Châu đã ra Hà Nội một mình để học dự bị Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ngày anh ra đi cả nhà gào khóc lo cho cảnh một mình nơi đất khách không thân thích, tiền bạc…

Tại Hà Nội, anh đã làm tất cả để được học vẽ và anh đã chiếm được cảm tình của thầy giáo và bè bạn. Thi xong anh về lại Bến Tre và mong giấy báo trúng tuyển. Và ước mong ấy đã đến khi Diệp Minh Châu nhận thư của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương báo tin thí sinh Diệp Minh Châu đỗ thủ khoa. Thầy giáo - họa sĩ Tô Ngọc Vân đã đón anh với cái bắt tay thật chặt và chúc mừng người học trò mới. Nhà danh họa cảm kích nói: "Bàn tay này rất đáng bắt…Tôi dạy đã chục năm nhưng chưa thấy ai vẽ được như anh. Cũng chưa thể nói trước nhưng dù sao cũng chúc mừng…".

Rồi những ngày làm sinh viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội dằng dặc trôi qua, để lại ấn tượng bơ vơ nghèo khó cho chàng sinh viên nghèo. Chỉ độc có bộ vetston và đôi giày đã mòn đế, chàng sinh viên tài năng đã từng nhịn ăn, làm thêm nghề vẽ phông màn sân khấu cho các rạp hát Hà Nội, đêm đêm ngủ trên ghế khán phòng….

Bức tranh vẽ Bác Hồ cùng ba thiếu nhi bắc, trung, nam.

Nhưng biến động thời cuộc đã cắt ngang việc học nửa chừng khi Nhật đảo chính Pháp tại Hà Nội. Nhiều thầy giáo mỹ thuật đã bị bắt hoặc bỏ đi… Diệp Minh Châu bắt đầu những ngày tháng tham gia hoạt động yêu nước trong học sinh, sinh viên, thanh niên trí thức Hà thành. Cách mạng Tháng Tám như một làn gió mới làm thay đổi mọi cuộc đời.

Sự nghiệp hay là định mệnh

Diệp Minh Châu trở về quê hương tham gia kháng chiến trong bưng biền Đồng Tháp. Người họa sĩ xếp lại những bức vẽ, bút và màu và xin phép mẹ già để đi vào kháng chiến. Nghệ thuật liệu còn ý nghĩa gì khi đất nước và đồng bào bị giày xéo áp bức?…

Diệp Minh Châu bắt đầu vẽ tranh chân dung Bác Hồ tặng người dân làm ảnh treo trong nhà. Những tấm hình vẽ theo trí tưởng tượng ấy như niềm tin thành kính đối với vị lãnh tụ, nuôi một niềm tin son sắt ngày đất nước hoà bình thống nhất. Ngay từ khi ấy, nhiều người dân Nam Bộ thành đồng đã thấy ở họa sĩ này cái gì đó như một thiên mệnh thì phải. Có thể là định mệnh, hay một sự nghiệp gắn với một lý tưởng cao đẹp…

Và điều ấy đã được khẳng định khi họa sĩ chích máu của mình vẽ chân dung Hồ Chí Minh. Tại hội chợ mừng hai năm ngày Độc lập (2-9-1947) của nhân dân Nam Bộ ở xã Thiện Hộ chiến khu Đồng Tháp Mười, người họa sĩ trẻ đã triển lãm lần đầu tiên 80 bức tranh ông vẽ trong một năm tham gia kháng chiến, với hàng chục trận đánh ông được tham dự, mà một trong số đó là chiến thắng Vàm Nước Trong, thuộc tỉnh Bến Tre và trận thắng Giồng Dứa ở Mỹ Tho.

Điểm xuyết giữa triển lãm là một bức tượng Bác Hồ mới sáng tác của ông. Sự kiện trưng bày ấy quan trọng và ý nghĩa vô cùng. Cắt băng phòng triển lãm có những nhân vật quan trọng: Đại diện Xứ ủy Nam kỳ, ông Lê Duẩn, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ Phạm Văn Bạch, ông Trần Văn Trà (sau này là Bộ trưởng Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam) cùng đông đảo bà con.

Sau khi nghe đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bài ca Hồ Chí Minh muôn năm của đoàn thiếu nhi Nam Bộ giữa mênh mông sông nước của chiến khu, lúc ấy quá xúc động, họa sĩ đã tự lấy dao rạch máu cánh tay để vẽ chân dung Bác có ba em bé Bắc Trung Nam vây quanh. Máu cứ thế chảy ròng để họa sĩ vẽ bức chân dung độc đáo nhất. Chuyện vẽ đôi mắt Bác.

Lúc điểm nhãn cho bức tranh, họa sĩ lấy hai giọt máu được chấm vào hai ngón tay út để vẽ mắt của Người. Dòng máu của họa sĩ đã chảy vào tranh như ước nguyện của tác giả làm nên sự kiện có một không hai trong lịch sử nghệ thuật. Đó là bức huyết họa đầu tiên quý báu nhất đời ông. Bức tranh đã được gửi ra Việt Bắc kính dâng lên Hồ Chủ tịch kèm bức tâm thư đầy xúc động:

Kính gửi Cha già Hồ Chí Minh!

Kính Cha. Từ hai năm nay tin Cha, vâng theo tiếng gọi của Cha, con đã đưa nghệ thuật của con nhảy vào hàng ngũ Vệ quốc đoàn khu 8. Cách mạng Tháng Tám mà Cha già lãnh đạo, đã giải phóng cho nghệ thuật của con. Hôm nay trong cảnh vĩ đại của ngày lễ Độc lập chưa từng có ở Nam Bộ, sau khi nghe lời tuyên ngôn độc lập của Cha, lời kêu gọi thống thiết hùng mạnh của Cha và Lời ca Hồ Chí Minh muôn năm của đoàn thiếu nhi Nam Bộ con đã cảm xúc vô cùng và vừa khóc, con vừa cắt lấy dòng máu trong cánh tay niên thiếu của con để vẽ hình Cha và hình ba em bé Bắc Trung Nam đang chụm đầu lại dưới chòm râu của Cha trên nền lụa mà quân đội ta đã đánh tan quân địch đã chiếm lấy được ở trận Giồng Dứa hồi tháng Tư năm nay… Máu con là máu của Cha truyền cho, máu của con là máu của dân tộc, con có dám làm gì phung phí máu con đâu. Tất cả thân con, đời con là của Cha rồi…

Kính chào Cha
Mười giờ đêm 2/9/1947…

Bức họa hiện còn lưu giữ ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Phiên bản do hoạ sĩ Trần Thức vẽ hiện còn ở Bảo tàng Mỹ thuật…

Lịch sử nghệ thuật nhân loại chưa từng có một sự kiện như thế. Phải là người có trái tim nồng nàn, một ý chí mãnh liệt và tình yêu bao la mới có đủ nghị lực làm cái việc ý nghĩa như vậy. Có ai ngờ từ giờ phút thiêng liêng ấy, cuộc đời người họa sĩ ấy đã chính thức sang một trang khác. Anh đã là người nghệ sĩ lớn của cách mạng. Huyền thoại đời Diệp Minh Châu cũng bắt đầu từ ấy cho đến khi nghệ sĩ ra đi năm 1989 tại thành phố mang tên Bác... Vẽ Bác nhiều đến nỗi ông nhớ thuộc lòng không cần ảnh hay tranh mẫu nào. Có thể nói đó là một kiểu tâm họa - vẽ bằng ánh sáng trong tim…

Bác đã ở trong trái tim ông sâu đậm biết nhường nào. Cách mạng và cuộc đời cùng nhân cách Hồ Chí Minh đã là cảm hứng sáng tạo vô cùng với người nghệ sĩ. Đấy là điều kỳ diệu của lịch sử. Diệp Minh Châu đã thuộc về cách mạng, thuộc về con đường Bác Hồ đã chọn. Trong hồi ký của mình, ông viết: "Bác là đề tài bất tuyệt cho tất thảy nghệ sĩ chúng tôi".

Và những cuộc trường chinh không mệt mỏi

Viết đến đây tôi bỗng dưng thấy rằng hình như có những sắp đặt lịch sử không thể khác. Từ mơ ước cháy bỏng được gặp Bác Hồ, thì bỗng nhiên giữa năm 1950, họa sĩ được cử đi dự hội nghị sinh viên quốc tế tổ chức tại Praha, Tiệp Khắc. Đây lại là một chuyến đi nhuốm màu huyền thoại và day dứt…

Vì sứ mệnh cao cả, họa sĩ đành để lại người vợ trẻ đẹp vừa mới sinh con mấy giờ để lên đường. Có thể nói đó là một chuyến đi đầy bão táp. Bão táp và sóng gió tự thiên nhiên và tự lòng người. Khi người vợ trẻ gượng dậy sau khi sinh được năm giờ đồng hồ để từ biệt chồng, anh đã nén tiếng khóc mà động viên chị với đứa con còn đỏ hỏn trên tay: Anh chỉ đi vài tháng rồi về thôi mà!

Đoàn lên đường sang Thái Lan để từ đó đi tàu qua Quảng Châu đến Hồng Kông. Nhưng bão tố dọc đường đã làm chậm chuyến đi. Từ đây đoàn đại biểu dự Đại hội Đảng đi Việt Bắc, còn Diệp Minh Châu được chuẩn bị vé tàu sang Liên Xô học. Bão táp xoáy cuộn lòng người trai ấy. Anh nhớ nhà, nhớ con đến cồn cào. Bỗng đâu có tin điện: Diệp Minh Châu ở lại về Việt Bắc cùng đoàn.

Rồi những ngày ở Việt Bắc bên Bác đã thành kỷ niệm không bao giờ phai trong tâm hồn nghệ sĩ. Hai con người ở hai thế hệ ấy ngỡ như đã thân quen nhau từ lâu: "Thưa Bác, từ miền Nam ra đây cháu mong sớm được gặp Bác, được vẽ Bác thật nhiều để sau này cháu mang về miền Nam cho đồng bào được thấy chân dung Bác. Cháu xin Bác cho cháu được gần Bác ít lâu để vẽ".

Nửa năm được sống cạnh Bác Hồ có thể nói đó là những ngày tháng hạnh phúc nhất đời ông. Họa sĩ đã nhìn thấy ở người lãnh tụ tối cao của cách mạng Việt Nam một tâm hồn nghệ sĩ. Bác cũng có một trái tim biết rung động trước cái đẹp, một trái tim đa cảm và nhạy cảm. Người có một tình yêu thiên nhiên đất nước, con người vô cùng lớn lao.

Những ngày bên Bác, họa sĩ đã vẽ không biết mệt. Vẽ như chưa từng bao giờ được vẽ, chỉ sợ quá ít thời gian. Trong hàng trăm tác phẩm điêu khắc, tượng đài, ông dành cho Bác Hồ phần lớn trong số ấy. Những tượng đài Bác Hồ mãi mãi là niềm tự hào của ngành điêu khắc Việt…

Về đời riêng, có thể nói chưa có một cuộc đời nghệ sĩ nào phong trần sóng gió và bi thương như Diệp Minh Châu. Nhưng trái tim nghệ sĩ ấy ông đã dành cho tình yêu Tổ quốc. Sự nghiệp nghệ thuật của ông nếu tổng kết, có thể nói đó là một tượng đài vạm vỡ. Vạm vỡ tác phẩm, vạm vỡ nhân cách, cả đạo lý nghĩa tình.

Nếu cần chọn một cá nhân cực kỳ Nam Bộ hãy chọn Diệp Minh Châu. Ông cực kỳ hào hiệp lại nhân ái bao dung. Hãy nghe Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết viết về ông trên những dòng lưu bút: "Một con người mà ai cũng hết lòng yêu thương và kính trọng". Và đây, người con dâu đã nhận xét về cha của chồng: "Với đất nước và nghệ thuật, ba là một vĩ nhân, một tác giả không thể nào thay thế được… Tuy là dâu nhưng lúc nào ba cũng dạy bảo và ban cho con sự khoan dung độ lượng và thân mật "con gái tôi đây" khi giới thiệu con với bạn bè ba…".

Họa sĩ - nhà điêu khắc Diệp Minh Châu đã dành nhiều tâm sức cho đề tài Hồ Chí Minh. Hình như đó là một sứ mạng mà lịch sử trao nơi ông. Hàng chục tượng Bác Hồ khắp nơi mang dấu ấn Diệp Minh Châu. Ông xứng đáng nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt đầu tiên. Tên ông cũng được ghi vào Bách Khoa từ điển châu Âu… Bên những tượng đài Bác uy nghiêm vời vợi, cuộc đời ông, nghệ thuật của ông cũng là một chân dung, một tượng đài trong lòng ta, vạm vỡ khó quên…

Tân Linh
.
.
.