V.League 2005: Lạm phát ngoại binh

Thứ Hai, 31/01/2005, 11:29

Với việc LĐBĐVN tăng hạn ngạch cầu thủ ngoại lên 5 người/1 đội, V.League 2005 trở thành cuộc biểu dương lực lượng ngoại binh của 12 đội bóng. Theo danh sách đăng ký của các CLB tham dự giải với BTC, tổng số cầu thủ ngoại "tham chiến" ở V.League 2005 là 58 người.

Vốn chuộng "hàng Thái chất lượng cao" nên ĐKVĐ Hoàng Anh Gia Lai và Hoa Lâm - Bình Định chủ trương "Thái hoá" toàn bộ lực lượng cầu thủ ngoại của mình. Bước vào V.League 2005, đội bóng phố núi nhập khẩu thêm 2 cầu thủ Thái Lan khác là Choke Tawee và Vimon. Còn Bình Định cũng đón thêm 3 người Thái mới là Worrawoot, Narongchai và Manit để kết hợp cùng Nirut và Issawa thành ngũ hổ Thái Lan.

Ở một xu hướng khác, Gạch Đồng Tâm - Long An (GĐT-LA), Bình Dương, Hoà Phát - Hà Nội và LG.Hà Nội.ACB lại nghiêng những sự lựa chọn của mình về các cầu thủ có nguồn gốc Nam Mỹ. Tân binh chuyên nghiệp Hoà Phát tậu liền một hơi 4 cầu thủ Brazil để tăng cường sức mạnh của mình cho chiến dịch trụ hạng.

Ít hơn một chút là GĐT-LA và Bình Dương, mỗi đội cũng sở hữu tới 3 vũ công Samba. Còn sở thích của LG.Hà Nội.ACB thì có vẻ hơi khác khi không hướng tầm ngắm vào các cầu thủ Brazil, mà lại đặt niềm tin vào 3 ông Tây đến từ Argentina. 

SLNA, Mitsustar Hải Phòng, Đà Nẵng là những CLB thu nhận nhiều cầu thủ châu Phi nhất với các quốc tịch Burundi, Rwanda, Nigeria, Nam Phi, Uganda, Mozambique...

Chưa kể, rải rác ở GĐT-LA, Bình Dương, Thép Miền Nam-Cảng Sài Gòn (TMN-CSG), cũng có sự xuất hiện của các cầu thủ người Congo, Ghana, Cameroon.

Trong khi đó, Sông Đà - Nam Định, TMN-CSG và Delta Đồng Tháp lại "kết" những cầu thủ Đông Âu, nhất là người Ukraina. Ngoài ra, ở V.League 2005, lần đầu tiên người ta thấy xuất hiện cầu thủ người Hà Lan và Slovakia như trường hợp Van Eijs Franciscus ở LG.HàNội.ACB hay Matkobis Marek của Mitsustar Hải Phòng.

Chuyện người - chuyện ta

Kết qủa 6 trận đấu vòng 1 ngày 30/1:
- Hoà Phát – Nam Định: 3-2
- Bình Định – HAGL: 0-2
- GĐT Long An - Đồng Tháp: 2-0
- Bình Dương - CSG: 0-1
-  Hải Phòng – LG.HN.ACB: 0-0
- SLNA – Đà Nẵng: 1-0

Cùng thời điểm V.League 2005 khởi tranh, thì tại châu Âu, trung tâm của bóng đá thế giới, đang "nóng ran" bởi những bàn cãi xung quanh kế hoạch ưu tiên phát triển cầu thủ nội và kiềm chế sự lạm phát cầu thủ ngoại do Liên đoàn Bóng đá châu Âu (UEFA) đề xướng. Theo lộ trình của UEFA, bắt đầu từ mùa giải 2007, tại các giải đấu trong hệ thống thi đấu của Liên đoàn này, bất cứ đội bóng nào cũng phải đưa ra sân 4 cầu thủ thuộc diện nội địa, trong đó có 2 người phải trưởng thành từ hệ thống đào tạo trẻ của CLB. Tới năm 2009, số cầu thủ nội địa sẽ tăng lên 8, trong đó 4 người là sản phẩm của hệ thống đào tạo trẻ.

Trông người lại ngẫm đến ta. Trong khi châu Âu tăng tỷ lệ nội địa, thì bóng đá Việt Nam lại ra sức nhập khẩu ngoại binh. Tất nhiên, không thể phủ nhận được những tác động tích cực của các cầu thủ ngoại đối với sân chơi V.League. Với sự xuất hiện của những lính đánh thuê ngoại quốc, sức mạnh của các đội bóng tăng lên đáng kể, kéo theo đó là chất lượng của các trận đấu được nâng lên, tạo ra lực hút đối với khán giả, cũng như là nhà tài trợ.

Bên cạnh đó, dù không phải là những cầu thủ thực sự xuất sắc, nhưng rõ ràng sự góp mặt của các ngoại binh đã giúp cho các cầu thủ nội có điều kiện tiếp cận, học hỏi trình độ, kỹ chiến thuật và cả tính chuyên nghiệp của các nền bóng đá phát triển trên thế giới. Đồng thời, sự xuất hiện của các cầu thủ nước ngoài cũng làm tăng tính cạnh tranh, buộc các cầu thủ Việt Nam phải nỗ lực tập luyện và thi đấu mới có được vị trí chính thức trong đội hình.

Thế nhưng, rõ ràng việc lạm phát cầu thủ nước ngoài đã, đang và sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới công tác đào tạo cầu thủ trẻ. Tập trung "nhập khẩu" ngoại binh để theo đuổi những mục tiêu thành tích trước mắt, nhiều CLB đã coi nhẹ, thậm chí là để "hổng" hệ thống đào tạo trẻ của mình. Chẳng nói đâu xa, thực tế sân bãi cho thấy, thêm một cầu thủ nước ngoài là mất đi một cơ hội để các cầu thủ trẻ ra sân để tích luỹ kinh nghiệm. Mặt khác, kinh phí mà các đội bỏ ra để mua các cầu thủ nước ngoài là không nhỏ, trong khi đó việc đào tạo trẻ lại thường xuyên bị "bó" và "tắc" bởi vấn đề tiền bạc.

Lâu nay nói tới bóng đá trẻ là người ta nhắc tới trách nhiệm của LĐBĐVN, nhưng nếu chỉ mình Liên đoàn làm thôi thì chưa đủ. Thậm chí, sẽ chỉ là muối bỏ bể nếu như các CLB vẫn tiếp tục vọng ngoại một cách thái quá trong việc tuyển chọn lực lượng của mình mà quên đi việc xây cái nền đào tạo cầu thủ

Bảo Hân
.
.
.