V.League 2005: Các đội bóng săn lùng cầu thủ

Thứ Ba, 09/11/2004, 19:37

Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã nâng số cầu thủ ngoại được đăng ký ở V.League 2005 từ 4 lên 5 cầu thủ. Đến thời điểm này đã có trên 50 cầu thủ nước ngoài đầu quân ở các đội chuyên nghiệp. Chuyện các đội bóng "bung" tiền ra để mua cầu thủ ngoại đã trở nên bình thường, và tác động đến chuyện mua bán cầu thủ nội ở các đội bóng trong nước.

Trong bức tranh tổng thể của bóng đá Việt Nam ở xu thế dần chuyên nghiệp hóa, làn sóng cầu thủ ngoại là một "mảng gam" đậm đã thổi vào bóng đá Việt Nam những làn gió mới. Điều không thể phủ nhận được là chính nhờ các cầu thủ ngoại có chất lượng đã kéo khán giả đến sân nhiều hơn. Những cầu thủ ngoại đang là trụ cột của một số CLB còn là người mang phong cách, lối chơi của bóng đá chuyên nghiệp đến với các đội bóng Việt Nam.

Thông qua các bản hợp đồng với số tiền lương cụ thể, các cầu thủ ngoại đã ý thức được nhiệm vụ của họ ở đội bóng mà họ phục vụ. Chính vì thế, họ luôn thi đấu hết mình trong các trận đấu. Qua ba mùa giải chuyên nghiệp, người hâm mộ bóng đá Việt Nam đã quen thuộc tên các cầu thủ như: Kiatisak, Dusit, Tawan, Chairuan, Amaobi, Enock Kyembe, Iddi, Litvinov… HLV các đội chuyên nghiệp đều thừa nhận, chính Kiatisak là cầu thủ đã tạo ra sự khác biệt phần nào cho nhà đương kim vô địch Hoàng Anh Gia Lai. Chỉ hai mùa khoác áo cho Hoàng Anh Gia Lai, Kiatisak đã góp phần mang về hai chức vô địch V.League cho đội bóng này.

Giám đốc kỹ thuật Nguyễn Văn Vinh của đội Hoàng Anh Gia Lai nói về các cầu thủ ngoại: "Đó là ý thức kỷ luật của cầu thủ chuyên nghiệp, là lối sống lành mạnh mà tôi mong thấy được ở các cầu thủ Việt Nam".

Các cầu thủ nội cũng cần phải tự khẳng định mình. Đó là một hệ quả tất yếu của không riêng gì bóng đá Việt Nam, mà ngay cả nền bóng đá hiện đại của các nước khác cũng buộc phải chấp nhận. Có điều đối với các nền bóng đá chỉ mới tập tễnh bước vào cơ chế chuyên nghiệp như Việt Nam, thì nỗi lo các cầu thủ nội không được phát huy tài năng lại càng lớn hơn rất nhiều.

Nội lực của bóng đá Việt Nam đang còn ở tình trạng yếu kém. Vì vậy, các CLB khi bổ sung nguồn cầu thủ nước ngoài đều buộc phải chọn những cầu thủ giỏi, đáp ứng được yêu cầu phải thi đấu ngay. Như vậy các cầu thủ ngoại sẽ chiếm một số vị trí trọng yếu của các đội bóng. Điều này cũng có nghĩa là các cầu thủ nội phải tiếp tục cạnh tranh để khỏi ngồi trên băng ghế dự bị.

Hiện nay, "lò" đào tạo cầu thủ ở Sông Lam Nghệ An được xem là có chất lượng tốt. Nhiều đội bóng đã thành công khi trong đội hình có những cầu thủ xuất thân ở xứ Nghệ.

Các cầu thủ từng thi đấu từ "lò" Nghệ An đều nhận được mức lương cao hơn, điển hình như Quang Trường, Phi Hùng, Thế Anh, Huy Hoàng, Xuân Thắng…, khiến nhiều cầu thủ hiện nay của Pjico Sông Lam Nghệ An dao động không ít. Trước tình trạng các đội bóng chèo kéo cầu thủ của mình, lãnh đạo Sông Lam Nghệ An phải ra "sắc lệnh" các cầu thủ không được tự tiện tiếp xúc với các CLB khác.

Hiện tại Việt Nam chưa có công ty môi giới nên tình trạng làm việc trực tiếp, hoặc "đi đêm" lôi kéo cầu thủ vẫn diễn ra. Điều đó làm cho thị trường cầu thủ nội tiếp tục hỗn độn, mặc dù ngày khai mạc V.League 2005 đang đến gần

Ngọc Mai
.
.
.