VFF phân phối 200 vé xem World Cup đi đâu?

Thứ Tư, 19/07/2006, 09:00

Ngày 18/7, trên một tờ báo thể thao, một ủy viên BCH LĐBĐVN (VFF) giấu tên đã đặt ra nghi vấn về đường đi "bí ẩn" của hơn 200 chiếc vé World Cup mà FIFA "phân phối" cho Liên đoàn.

Theo đó, ủy viên BCH này khẳng định chắc chắn rằng: "VFF được FIFA phân bổ trên 200 vé xem World Cup 2006, nhưng hầu hết các ủy viên BCH LĐBĐVN đều không biết... Tại cuộc họp BCH LĐBĐVN lần thứ 3 vừa qua, không thấy ai đề cập tới chuyện số vé World Cup này đã được sử dụng như thế nào, nếu bán thì bán ra sao, lợi nhuận (nếu có) nộp vào đâu ?".

Ông ủy viên này cũng nghi ngờ một lượng vé của Việt Nam đã "quay đầu về Thụy Sĩ" (nơi có trụ sở FIFA) và được bán ra ngoài thông qua một Việt kiều có mối quan hệ với VFF tại nước này.

Thực ra, không phải đợi tới khi "quả bom" chính thức nổ ra trên mặt báo, mà trong suốt mấy ngày gần đây, hậu trường làng bóng đã có những râm ran về vụ "vé World Cup" này. Và người ta không khó để nhận diện, luồng thông tin "nhậy cảm" này nhằm thẳng vào Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn và Chánh văn phòng LĐBĐVN Lê Hoài Anh, 2 trong số những quan chức Liên đoàn có mặt tại Đức trong thời điểm diễn ra World Cup để dự Hội nghị của FIFA. Một ngày trước khi tờ báo thể thao kia thông tin (17/7), người viết đã trực tiếp đặt vấn đề này lên bàn của Tổng thư ký Trần Quốc Tuấn.

Có vẻ như khá "sốc" với vấn đề được đặt ra, ông Tuấn thốt lên: "Chuyện khuất tất vé World Cup chỉ là tin đồn nhảm nhí. Đúng là FIFA có dành cho các liên đoàn thành viên (không có đội tuyển tham dự World Cup) một tiêu chuẩn mua vé nhất định. Cụ thể là các liên đoàn có thể đăng ký mua tối đa là 4 vé/trận (khoảng 256 vé cho cả giải). Thế nhưng, đăng ký là một chuyện, còn FIFA duyệt cho mua bao nhiều là quyền của họ. LĐBĐVN cũng đã thông báo vấn đề này cho một số đối tác, cơ quan báo chí, CLB để xem ai có nhu cầu thì mua hộ. Kết quả, chúng tôi chỉ đặt hộ các đối tác mua khoảng gần 100 vé. Đơn giản vì giá vé xem World Cup rất đắt, đồng thời không phải ai cũng có điều kiện đến Đức trực tiếp theo dõi giải đấu lớn nhất hành tinh này".

Ông Tuấn cũng phủ nhận chuyện "nhường" suất mua vé còn dư cho công ty Klein& Lam (hay là "một Việt kiều có mối quan hệ với VFF ở Thụy Sĩ") để bán lậu vé ra thị trường chợ đen.

"VFF đâu phải là đại lý bán vé của FIFA. Tiêu chuẩn vé không mua hết, chúng tôi trả lại cho họ. FIFA sẽ điều chỉnh và bán cho những đối tác có nhu cầu. VFF không dại gì làm đầu lậu vé. Thậm chí, theo quy định phân phối vé của FIFA, khi mua giúp đối tác, VFF được hưởng 10% hoa hồng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không đả động đến chuyên hoa hồng mà lấy đúng giá gốc. Chưa kể, VFF còn chịu tiền cước chuyển vé về Việt Nam cho các đối tác đăng ký".

Nếu đúng như ông Tuấn giải thích, thì sự vụ hoàn toàn không có gì là ầm ĩ và cũng chẳng hề mang mầu sắc "phe vé lậu" như các thông tin ở hậu trường trước đó, cũng như trên mặt báo hôm qua. Cầm bằng ngược lại, thì uy tín của LĐBĐVN nói chung, và một số quan chức Liên đoàn nói riêng sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Thậm chí, ở một chừng mực nào đó sẽ có những vị trí chủ chốt của Liên đoàn phải "bay" khỏi ghế trong tủi nhục.

Chính vì tính hai mặt và nhậy cảm của thông tin "vé lậu", người ta hoàn toàn có thể đặt ra câu hỏi: Việc đặt ra nghi vấn về đường đi "bí ẩn" của hơn 200 chiếc vé World Cup nhằm mục đích đảm bảo sự công khai, minh bạch trong hoạt động của Liên đoàn hay là một cú "đâm sau lưng chiến sĩ" nhằm hạ bệ lẫn nhau?  

Có hay không khuất tất trong việc phân phối hơn 200 vé World Cup của LĐBĐVN?

Và cũng có hay không một cuộc "nội chiến" nội bộ ở hậu trường VFF?

Phải chăng khung cảnh bình yên của toà nhà 18 Lý Văn Phức ở nhiệm kỳ V chỉ là vẻ bề ngoài, còn bên dưới là những đợt "sóng ngầm"?

Chẳng thế mà từ sự việc này, một lãnh đạo của Liên đoàn đã cay đắng thừa nhận ở thời điểm hiện tại, trong nội bộ VFF cũng đã nẩy sinh một số mâu thuẫn!

Bảo Quyên
.
.
.