V. League 2005: Thầy nội lên giá

Thứ Hai, 03/01/2005, 07:04

Chưa đầy 4 tuần nữa trái bóng V.League 2005 sẽ lăn trên sân cỏ cả nước. Sau sự kiện Tavares, trào lưu sử dụng HLV Brazil bị phá sản, các đội bóng có xu hướng lựa chọn thầy nội làm người cầm quân. Hầu hết các đội bóng đều có cuộc Việt hoá trên băng ghế chỉ đạo.

Vài tháng trước Tiger Cup 2004, việc HLV Tavares và người đồng hương Biro dẫn dắt đội tuyển Việt Nam được đánh giá là một "cú hích" cho làn sóng thầy Brazil đổ bộ lên băng ghế huấn luyện của các CLB Việt Nam từ chuyên nghiệp tới hạng Nhất.

Thật vậy, Hải Phòng trải thảm đỏ mời HLV Alberto. Sau "cơn bão" SLNA cũng phá lệ chỉ dùng HLV nội để mở đường đưa người Brazil Otavio Filho lên nắm quyền HLV trưởng. Ngoài ra, An Giang cũng đánh tiếng nhiều lần với cựu HLV trưởng đội tuyển Olympic Việt Nam Dido. Một vài CLB khác cũng dạm ngõ trợ lý HLV thể lực Biro về làm việc cho họ sau Tiger Cup 2004.

Thế nhưng, thất bại của đội tuyển Việt Nam nói chung và của ông Tavares nói riêng tại Tiger Cup 2004 đã tác động mạnh mẽ tới sự tồn tại của những ông thầy đến từ xứ sở Samba ở V.League. Cùng thời điểm ông Tavares từ chức, người đồng hương Otavio Filho cũng phải nói lời chia tay với đội bóng xứ Nghệ. Các CLB khác cũng chuyển tầm ngắm, không "săn" thầy Brazil khi chứng kiến bài học Tavares. Cứ lấy việc trợ lý HLV thể lực Biro trăn trở tìm bến đậu ở một CLB Việt Nam mà không có kết quả, cũng đủ thấy sự "hắt hủi" của các đội bóng với những ông thầy gốc Brazil đến mức nào.

Trào lưu Brazil bị phá sản, chỉ còn mỗi Carlos Alberto trụ lại với CLB Hải Phòng. Trong khi đó, các HLV ngoại mang quốc tịch khác cũng chẳng còn "hút hàng" như những năm trước. V.League 2005 chỉ còn đúng 2 gương mặt thầy ngoại cũ: Somgamsak chuyển từ Hoàng Anh Gia Lai sang Hoa Lâm - Bình Định và Calisto "vững như bàn thạch" trên cương vị Giám đốc kỹ thuật của Gạch Đồng Tâm - Long An.

"Ta về ta tắm ao ta"

Thế vào chỗ của những ông thầy ngoại trên băng ghế chỉ đạo của các đội bóng là những HLV nội. Đưa Nam Định lên ngôi á quân V.League 2004, HLV Nguyễn Ngọc Hảo tỏ ra có đủ uy tín để tiếp tục cầm quân ở đội bóng thành Nam. Ở Gạch Đồng Tâm - Long An, Huỳnh Ngọc San vẫn khoác lên mình cái danh HLV trưởng, dù rằng trên thực tế cái bóng của Giám đốc kỹ thuật Calisto bao trùm lên băng ghế chỉ đạo.

Bị coi là một ứng cử viên rớt hạng, nhưng người Đồng Tháp trông cậy ở tài năng "vượt cạn" của HLV trẻ Phạm Anh Tuấn. Tương tự như vậy, đội bóng mới lên hạng Thép Miền Nam - CSG vẫn tin dùng HLV nội Đặng Trần Chỉnh trong công cuộc trụ hạng của mình ở V.League 2005.

Tân binh chuyên nghiệp Hoà Phát-Hà Nội một đổi một, thay HLV Hoàng Gia bằng "cáo già" Trần Bình Sự. Đội bóng anh em sinh đôi với họ - LG.Hà Nội.ACB cũng áp dụng chính sách tương tự nhưng hoành tráng hơn khi mời được "Khổng Minh xứ Nghệ" Nguyễn Hồng Thanh về làm HLV trưởng, đồng thời kiêm nhiệm luôn cương vị Giám đốc Công ty Cổ phần thể thao ACB.

Tuy nhiên, dấu ấn người Việt Nam dùng hàng Việt Nam in đậm trong những cuộc chuyển giao quyền lực giữa thầy ngoại và thầy nội. Sau 2 mùa làm trợ lý cho các thầy Thái, HLV Huỳnh Văn Ảnh đã được bầu Đức đặt niềm tin để thay thế Somgamsak cầm lái đương kim vô địch Hoàng Anh Gia Lai tiến ra đấu trường khu vực.

Bình Dương sau khi sa thải HLV người Hàn Quốc Nam Dae Shik, liền mời "tướng quân" Vương Tiến Dũng về dẫn dắt "Chelsea" Việt Nam. Sau mùa giải thất vọng với những ông thầy người Anh như Morton hay Gary Philipps, Đà Nẵng quyết định chiêu hiền HLV đầy cá tính Lê Thụy Hải về với sông Hàn. Ở SLNA, sau một thời gian dài làm các tuyến trẻ, HLV Nguyễn Văn Thịnh thế chỗ Otavio Filho dẫn dắt đội bóng thành Vinh thời kỳ hậu phẫu.

V.League 2005 đã và sẽ chứng kiến xu hướng Việt hoá trên băng ghế HLV trưởng. Dẫu rằng tính hiệu quả vẫn còn phải đợi kiểm chứng, nhưng rõ ràng đây là một nét mới, thậm chí có thể là một điều đáng mừng. Đồng thời, nó cũng đặt ra một câu hỏi cho LĐBĐVN: Tại sao cứ phải dùng thầy ngoại để dẫn dắt đội tuyển quốc gia? Hãy trả lương cho các HLV nội xứng đáng và trao cho họ một cơ chế, cũng như là những điều kiện làm việc như các chuyên gia nước ngoài, không chừng liệu pháp nội lại có giá trị, ít ra là trên phương diện am hiểu bóng đá Việt Nam

Bảo Hân
.
.
.