Ươm mầm thiện để chống độc trong bóng đá

Thứ Sáu, 15/09/2006, 08:27

“Chống tiêu cực phải bắt đầu từ việc quản lý và giáo dục đạo đức, tư tưởng chính trị cho các cầu thủ". Một ý kiến có vẻ quá cũ nhưng lại mới và rất cần phải đi vào thực tế. Bởi một điều đơn giản, rễ càng sâu, cây càng có cơ hội vươn cao; gốc càng chắc, cây càng có khả năng chịu được sóng gió.

Nói về vai trò của công tác giáo dục, quản lý cầu thủ trẻ, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (LĐBĐVN) khóa 4 Mai Liêm Trực vẫn thường tâm đắc với hình ảnh: "Tiêu cực giống như vũng bùn trên mảnh sân lầy lội. Cầu thủ không giữ được mình mà ngã vào là dính luôn"…

Sau này, chính cái hình ảnh mà ông Trực liên tưởng đó càng trở nên thấm thía với những người làm bóng đá khi lần lượt "những đứa con yêu" của bóng đá Việt Nam như Văn Quyến, Quốc Vượng… rơi vào vòng lao lý sau vụ án "bán độ" tại SEA Games 23.

Quyến và Vượng "hư" và "hỏng" một phần cũng bởi họ sống và thở trong một môi trường quá gần với những cái xấu: Cái xấu từ các bậc "đàn anh" đi trước như Hữu Thắng, P.H… cái xấu trên băng ghế chỉ đạo và cả những cái xấu ngoài xã hội.

Trước đó, khi vụ việc liên quan đến hai cầu thủ V.T và L.T.T ở CLB HAGL tại Cup C1 Đông Nam Á vỡ lở, người ta mới giật mình nhớ lại nơi đóng quân của các cầu thủ phố núi ở Gia Lai… gần ngay một ổ cá độ bóng đá quốc tế. Bản thân hai cầu thủ này cũng từng có lần bị cơ quan chức năng triệu tập làm việc vì nghi ngờ liên quan đến ổ nhóm này.

Hôm rồi, tại Hội nghị sơ kết công tác phòng chống tiêu cực trong bóng đá, Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc cũng cho rằng, vấn đề không chỉ là bắt giữ và xử lý các vụ việc mà cốt lõi vẫn là yếu tố con người, là công tác đào tạo, tuyển chọn, giáo dục.

Cũng trên diễn đàn Hội nghị này, rất nhiều lãnh đạo đội đã chia sẻ quan điểm phòng hơn chống và bắt đầu từ cấp cơ sở mà "hạt nhân" chính là cầu thủ, đúng hơn là tạo "hệ miễn dịch" tiêu cực cho các cầu thủ qua công tác giáo dục, đào tạo, quản lý.

Còn phân tích như cách của ông Chín Lộc (Trần Vĩnh Lộc - CLB Khánh Hòa) thì công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho các cầu thủ còn yếu nên cám dỗ mới có điều kiện bám rễ vào bóng đá. Cũng từ nhận thức này, ông Lộc cũng "khoe": Trước mỗi mùa giải, Khánh Hoà đều cho các cầu thủ sinh hoạt chính trị, tư tưởng, tìm hiểu những cuốn sách về các anh hùng Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm. Một phương thức có vẻ là "khá lạ" đối với thế giới "quần đùi, áo số"!

Còn nhớ kết thúc mùa giải 2003, lãnh đạo đội Thể Công từng đưa toàn bộ "lính" lên trường Sỹ quan lục quân I (Sơn Tây) tiếng là tập huấn, nhưng bản chất là một cuộc học tập chính trị cho các cầu thủ sau một mùa giải vừa bết bát, vừa nghi vấn (đặc biệt là trận thua "có mùi" với CSG ở lượt về khiến CLB này bị BTC giải trừ 3 điểm và phạt 50 triệu đồng).

Từ 2 năm trước, tại Hội nghị - hội thảo về phòng ngừa, đấu tranh chống tiêu cực và cá độ bóng đá giữa Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an và LĐBĐVN, hiện tượng cầu thủ sinh hoạt buông thả, lãnh đạo đội buông lỏng giáo dục đạo đức, chính trị cho VĐV, từng được cảnh báo, thậm chí xếp vào một trong 9 loại hình tiêu cực của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế các đội bóng dường như vẫn quá chú trọng tới việc huấn luyện chuyên môn mà bỏ lỏng việc "huấn luyện" cái đầu cho các cầu thủ.

Thực trạng này cũng phản ánh sự thụ động của công tác chống tiêu cực bóng đá của cấp cơ sở. Nghĩa là những người làm bóng đá ở các đội vẫn chỉ quan tâm chống tiêu cực ở phần "ngọn" - quá trình thi đấu ở mùa giải, thay vì bắt đầu từ cái gốc là nhận thức tự thân của các cầu thủ.

"Chống tiêu cực phải bắt đầu từ việc quản lý và giáo dục đạo đức, tư tưởng chính trị cho các cầu thủ". Một ý kiến có vẻ quá cũ trên những bản tổng kết, nhưng lại mới và rất cần phải đi vào thực tế. Bởi một điều thật đơn giản, rễ càng sâu, cây càng có cơ hội vươn cao; gốc càng chắc, cây càng có khả năng chịu được sóng gió.

Phải bắt đầu ưom mầm thiện từ gốc và rễ

Bảo Quyên
.
.
.