Ứng vạn biến

Chủ Nhật, 15/06/2008, 08:30
Ứng nghĩa là đáp lại lời kêu gọi, như nhất hô bá ứng, một người hô, trăm người đáp lại. Đáp lại một cách chủ động, gọi là ứng phó. Về từ ứng phó, Bác Hồ có một câu nói đặc biệt sâu sắc trong hoàn cảnh đất nước ta gặp nhiều khó khăn.

Sau khi buộc phải ký Hiệp định sơ bộ (6/3/1946), thực dân Pháp tìm mọi cách xuyên tạc, phá hoại Hiệp định này. Nhưng nhân dân Việt Nam kiên quyết đấu tranh đòi phía Pháp phải nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp định. Vì thế, từ ngày 6/7 đến ngày 13/9/1946, chính phủ Pháp phải nhận mở cuộc đàm phán chính thức tại lâu đài Phôngtennơblô, cách Pari 60km, để bàn về chủ quyền, độc lập, thống nhất của Việt Nam.

Phái đoàn ta do đồng chí Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn; Bác Hồ chỉ đạo, nhưng chỉ đóng vai thượng khách của chính phủ Pháp. Trước khi đi, Bác Hồ dặn cụ Huỳnh Thúc Kháng: "Dĩ bất biến, ứng vạn biến".

Đối với một nhà nho yêu nước, từng đỗ Tiến sĩ năm 1904, lời nói của Cụ Chủ tịch vừa đúng và vừa đủ mọi nhẽ. Vì cụ Huỳnh Thúc Kháng hiểu thấu đáo lời dặn dò, động viên, tin tưởng vào bậc chí sĩ được giao trọng trách Quyền Chủ tịch nước rằng, tình hình đất nước ta tạm thời trước mắt chưa có biến động lớn (dĩ bất biến). Nhưng thực dân Pháp rất gian ngoan, xảo quyệt, chúng ta phải chủ động chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng ứng phó với mọi biến động có thể xảy ra (ứng vạn biến). Và như thế, cả hai vị Chủ tịch và Quyền Chủ tịch nước đều rất yên tâm lo việc nước.

cây đa

Ở nước ta, nhiều người thích trồng cây đa lưu niệm, với hàm ý: cây đa tượng trưng cho sức sống mãnh liệt trường tồn, trường thọ, như biểu trưng Hội Người cao tuổi Việt Nam; ví các bậc cao niên như cây đa, cây đề, v.v. Cây đa cũng là hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt Nam trong câu: cây đa bến/giếng nước, sân đình. Hoặc về tâm linh, người Việt cổ coi cây đa và hòn đá là hai linh vật: Thần cây đa, ma cây gạo.

Ngoài những ý nghĩa trên, các nhà Nho xưa còn khuyên người ra làm quan không nên tỏ ra khôn ngoan sắc sảo hơn vua, hơn bề trên, mà có ngày nguy đến tính mạng. Họ chỉ nên coi mình như cây đa (dịch từ chữ Hán là cây dung, trồng phổ biến ở phía Nam Trung Quốc và Đài Loan), một loại cây gỗ xấu, củi cháy thì không đượm, lại khói mù mắt; gỗ đóng đồ thì mau hỏng, mối mọt. Quả đa chát xít. Vì thế, chẳng có kẻ trộm nào thèm để mắt tới cây đa. Đó là một trong những lý lẽ ghi trong sách Trang Tử.

đã, đỡ

Một trong những nghĩa của chữ đã là chỉ công việc hoàn thành; hoặc từ chuyên môn chỉ khỏi bệnh. Hỏi: "Cụ khỏi bệnh chưa?". Đáp: "Đã khỏi!". Tiếng đã sau biến âm thành đỡ, nghĩa như chữ đã, nhưng thu hẹp hơn: Chỉ một phần, chứ không chỉ toàn bộ. Hỏi: "Uống hết 10 thang thuốc, cụ thấy bệnh tật trong người thế nào?". Đáp: "Cũng đỡ!".

kệ

Kệ là một thể loại văn học Phật giáo. Một trong những chức năng chính của kệ là tóm tắt đại ý một bài thuyết pháp, một bài kinh (vốn tràng giang đại hải) thành đoạn văn hoặc thơ ngắn đủ ý, dễ hiểu, dễ thuộc.

Trong một bài thuyết pháp hoặc một bài kinh, nhiều vị tăng ni hiểu được ngay, gọi là lợi căn; nhưng cũng vị tăng ni chậm hiểu, gọi là độn căn. Vì thế, người thuyết giảng phải tóm tắt những ý chính sau mỗi bài, để người độn căn nắm được tinh thần bài giảng. Hoặc giả, vì một lý do nào đó, một vài vị tăng ni đến chậm nhiều giờ, người thuyết giảng dừng lại tóm tắt phần đã giảng để người đến sau nắm được phần nào bài giảng, tạo điều kiện tốt tiếp thu phần sau.

tụng, niệm

Niệm là đọc thầm, đọc khẽ. Phật tại tâm, niệm Phật đâu cần đọc to.

Tụng là đọc to, tròn vành rõ chữ, dõng dạc từng tiếng một. Trong chùa, hằng ngày sư thầy dạy dỗ, bảo ban các chú tiểu mọi điều, nhưng chủ yếu là học kinh nhà Phật. Đối với các chú tiểu, học kinh nhà Phật là rất khó, nên một số chú cứ đọc lí nhí. Bởi thế, sư thầy bắt chú tiểu phải đọc to, rõ ràng từng chữ một, sai đâu sửa đấy, chứ đọc lầm rầm, trò sai, thầy cũng không biết, lâu ngày thành tật, khó sửa. Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta cũng gặp các bậc phụ huynh quát con trẻ: "Đọc gì mà cứ như tụng kinh thế!" (ý nói đọc thành tiếng to)

Lê Trung Đản
.
.
.