Tuyển tập “thế nào ấy”

Thứ Tư, 02/11/2005, 09:05
Nhìn vào bề bộn tập truyện ngắn bây giờ, người ta có thể gặp tình trạng những cuốn sách có bìa na ná nhau và tên các tác giả được chọn là giống nhau. Những cái tên nhà văn ăn khách, nhiều cái truyện rất cũ. Một số NXB làm tuyển tập truyện ngắn hay, nhưng thật khó tin có tác giả được chọn tới gần chục truyện ngắn hay trong một năm và khó tin hơn là người quyết định chọn nó chính là… tác giả kiêm người tuyển chọn!

Một anh bạn nhà báo gọi điện than phiền, dạo này túng thiếu lắm hả, có mấy cái truyện ngắn in đi in lại là sao? Nhà văn ngồi ngẩn ra không biết trả lời bạn thế nào, vì quả tình anh đâu biết là mình có truyện in tuyển tập. Vừa ngượng với bạn, vừa hổ thẹn với mình, lại vừa bực bội với quân "đạo tặc" lấy truyện của người khác đi làm sách kiếm lời mà không nói với nhau một câu, nhà văn lò dò ra mấy tiệm sách giảm giá. Bây giờ người ta có mốt mua sách giảm giá, bởi vì lâu lâu lại kiếm được những cuốn sách lạ với giá còn một nửa, lại dễ kiếm những cuốn sách ăn khách nhất được cập nhật thường xuyên.

Nhà văn nhìn thấy bạn bè mình trăm hồng ngàn tía trên giá sách, anh nào cũng đẹp đẽ, sang trọng chứ không úi xùi, không giấy đen bìa vẽ như sách giáo khoa ngày xưa. Quả là thời đại văn minh điện tử, chữ gõ bằng máy ắt nhanh hơn sức kéo của ngòi bút với bàn tay người. Nhà văn vào quầy, thấy tuyển tập truyện ngắn nhiều vô kể, mà cuốn nào cũng thấy ghi "truyện ngắn hay", "truyện ngắn đặc sắc". Trong cơn hoảng loạn và hoa mắt ấy, giá kể có cuốn nào ghi "truyện ngắn vừa phải" hoặc "truyện đọc tạm được" là anh mua liền, chứ đọc cái nào cũng đặc sắc quá biết đâu ngộ chữ "tẩu hỏa nhập ma" là toi một đời người.

Nhà văn lật những cái mục lục, quả là tên anh cũng được đưa vào một số tuyển truyện ngắn, nào là truyện lãng mạn, nào là truyện đặc sắc về chiến tranh, nào là truyện ngắn hay năm 2005… Cá biệt, dù anh chuẩn bị làm ông ngoại nhưng vẫn cứ ngang nhiên mà đứng vào hàng "truyện ngắn trẻ" của một NXB địa phương. Nhà văn than, lâu nay anh vốn ít viết, công việc bếp núc cho tờ báo của anh đã chết mệt, nên khi thấy truyện in lại thì cũng một phần vui vì người ta còn nhớ đến mình. Nhưng buồn thì nhiều, buồn vì sức mình có hạn nên khiến bạn đọc mua phải "hàng giả", quanh đi quẩn lại những truyện ngắn anh đã viết từ khá lâu rồi. Người ta lại nghĩ anh "làm tiền" cũng nên…

Thế nhưng, nhà văn chưa tự an ủi mình được bao lâu thì nhà báo đã dội tiếp cho anh một gáo nước lạnh. Bây giờ công nghệ làm sách cho phép người ta không phải mất công đọc, tìm kiếm nhiều. Hãy cứ ngồi nhà, gom chục cuốn tuyển tập cũ, nhặt mỗi cuốn vài truyện rồi trộn lại thành một tuyển tập mới. Sau đó, để cho mới hẳn, hãy lên mạng vào các trang truyện ngắn của các tờ báo, tìm mấy cái truyện mới in rồi đưa vào, coi như xong một tuyển tập, không tốn công tốn sức bao nhiêu.

Một số tuyển tập thì truyện được chọn chủ yếu dựa trên những mối quan hệ cá nhân. Một biên tập viên đã chọn truyện theo những cái tên cố định trong đầu, một số người là bạn và một số người có quan hệ công việc, sau đó nếu ai không nhiệt tình thì sẽ bị gạt ra, rồi ai mà trót trách anh ta rằng sao làm sách mà không bao giờ thấy trả nhuận bút thì sẽ không chỉ không được chọn truyện mà còn bị đi nói xấu khắp nơi. Một tuyển tập được chọn với tiêu chí như thế mà gắn vào đó cả một chữ  "HAY" thì quả là bất ổn.

Với một số nhà văn có sách dễ bán thì gần như năm nào họ cũng có vài đầu sách mới mà cái khác duy nhất là tên sách và cái bìa. Có thể, rất nhiều người giống như nhà văn bị đưa vào tình trạng đã rồi, sách in xong được trả nhuận bút, đã nhận cả lời cảm ơn của người ta chẳng lẽ lại còn ầm ĩ?

Nhà văn vốn ngại đụng chạm, thế nên cứ ngậm bồ hòn làm ngọt mãi. Nhà văn chậm rãi, có cầu ắt có cung thôi, nhà văn có quyền sống bằng tác phẩm của mình nếu nó hay. Nhưng chẳng hạn, nếu cuốn sách "Thấy sướng thì cứ hét" mà ăn khách, được yêu mến thì hãy cứ tái bản cuốn ấy, đó mới là sức sống của tác phẩm. Đằng này sơn lại cái vỏ mới, còn cái lõi sắt đã mòn mỏi quá hóa đánh lừa nhau. Phạm luật thì có thể không, nhưng nó cứ thế nào ấy…

Cái "thế nào ấy" là cái dành riêng cho mỗi người..

Tâm Đăng
.
.
.