Tưởng niệm 100 năm ngày sinh Luật sư Phan Anh

Thứ Ba, 27/12/2011, 10:10
Sáng 26/12, tại Bảo tàng Cách mạng, Hội Luật gia Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử đã tổ chức lễ tưởng niệm 100 năm ngày sinh Luật sư Phan Anh (12/1911 - 12/2011).

Luật sư Phan Anh sinh ngày 16/12/1911 tại làng Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Mồ côi mẹ từ năm 10 tuổi, ông cùng với người em ruột là Phan Mỹ (sau này làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng) theo thân phụ là nhà nho Phan Điện lưu lạc khắp nơi.

Tuy sống cực khổ, nhưng được sự giáo dục của cha, cả 2 anh em ông đều học giỏi: Phan Anh đã tốt nghiệp Tú tài Trường Trung học Bảo hộ (tức trường Bưởi), tốt nghiệp cử nhân Luật ở vị trí á khoa tại Trường Đại học Đông Dương, Hà Nội; sau đó sang Pháp để tiếp tục hoàn thiện luận án Tiến sĩ Luật. Nhưng Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ nên ông không kịp bảo vệ luận án và phải về nước.

Sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương ngày 9/3/1945, Luật sư Phan Anh được mời giữ chức Bộ trưởng Bộ Thanh niên trong Chính phủ Trần Trọng Kim. Thời gian này, ông có sáng kiến thành lập đoàn Thanh niên Tiền tuyến (còn gọi là Thanh niên Phan Anh, Thanh niên Xã hội).

Cách mạng Tháng Tám bùng nổ, ông từ chức cùng với nội các Trần Trọng Kim về sống tại Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Luật sư Phan Anh làm Chủ tịch Hội đồng Kiến thiết Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (2/3/1946), Bộ trưởng Bộ Kinh tế (1947), Bộ trưởng Bộ Công thương (1951-1955), Bộ trưởng Bộ Thương nghiệp (1955-1958), Bộ trưởng Bộ Ngoại thương (1958-1976), Đại biểu Quốc hội từ khoá II đến khóa VII, Phó Chủ tịch Quốc hội khoá VII (1981-1987).

Luật sư Phan Anh là người cùng với Luật sư Nguyễn Mạnh Tường sáng lập Hội Luật gia Việt Nam (1955) đồng thời làm Chủ tịch Hội và được bầu vào làm Ủy viên Thường vụ Hội Luật gia Dân chủ Thế giới (1955-1990); Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới của Việt Nam (1978-1990) và Phó Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới; Ủy viên Đoàn Chủ tịch rồi Phó Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (1977-1990).

Luật sư Phan Anh mất năm 1990 tại Hà Nội. Với những đóng góp to lớn của mình, Bộ trưởng – Luật sư Phan Anh đã được Đảng, Nhà nước và các tổ chức quốc tế trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng nhất, Kỷ niệm chương Bảo vệ hoà bình của Liên hợp quốc, Huân chương vàng Giôliô Quyri của Hội đồng Hoà bình thế giới…

Tại lễ tưởng niệm, các tham luận tập trung đánh giá Luật sư Phan Anh đã kế tục truyền thống của sĩ phu Bắc Hà, là sĩ phu của thời đại Hồ Chí Minh, ở cả ba phương diện: trí tuệ, phẩm chất và đức độ. Đồng thời, các đại biểu cũng đề nghị Hội Luật gia Việt Nam và Hội Khoa học Lịch sử sớm hoàn thiện hồ sơ đề nghị đặt tên Luật sư Phan Anh cho một đường phố tại Thủ đô Hà Nội.

Vì thời gian có hạn, còn nhiều hoạt động của Luật sư Phan Anh vẫn chưa được đánh giá như các hoạt động ngoại giao tại Hội nghị Fontainebleau (1946), Hội nghị Genève (1954); các hoạt động tại Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới; những đóng góp về kinh tế trong thời kỳ làm Bộ trưởng Bộ Kinh tế - Bộ Công thương - Bộ Thương nghiệp - Bộ Ngoại thương; và việc tham gia soạn thảo Hiến pháp đầu tiên năm 1946.

Bế mạc lễ tưởng niệm, ông Dương Trung Quốc - Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhấn mạnh: “Ngày hôm nay, trong cuộc đấu tranh không kém phần thử thách, chúng ta có được những đại trí thức như Phan Anh nữa hay không?”

Duy Trang
.
.
.