Tưởng niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng

Thứ Ba, 23/10/2012, 11:26
Sáng 22/10, tại Hội trường số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã long trọng tổ chức lễ tưởng niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Vũ Trọng Phụng. Sinh ngày 20/10/1912, mất ngày 13/10/1939, trọn cuộc đời ngắn ngủi chỉ có 27 năm trên dương thế, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã để lại một gia tài tác phẩm không chỉ đồ sộ về số lượng trang in, đầu sách mà còn có giá trị lâu dài, bền vững với thời gian.
>> Bảo tàng riêng của “ông vua phóng sự đất Bắc”

Trong diễn văn đọc tại buổi lễ, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã khẳng định những đóng góp to lớn của Vũ Trọng Phụng với nền văn học nước nhà. Ngòi bút hiện thực sắc sảo, tỉnh táo của Vũ Trọng Phụng đã luôn hướng tới những lớp người bần cùng trong đời sống với sự đồng cảm da diết, chĩa mũi dùi vào những biến tướng kệch cỡm của xã hội.

Giáo sư Hà Minh Đức khẳng định: “Văn chương Vũ Trọng Phụng được yêu mến qua nhiều thế hệ độc giả, rất nhiều sinh viên đã làm luận văn, luận án về tác phẩm của ông. Vũ Trọng Phụng được coi là kiện tướng của các nhà văn tả chân, ông là người “gặp thời”, đó là thời của sự thành thị hóa, đề tài Hà Nội được Vũ Trọng Phụng đem lại giá trị lớn và bổ sung cho nhiều điểm còn khuyết thiếu ở các nhà văn cùng thời, như đặt ra những vấn đề: đô thị hóa, âu hóa, tha hóa... qua các phóng sự, tiểu thuyết, truyện ngắn.

Vũ Trọng Phụng là một trí thức với tinh thần tự học, tự tìm hiểu, trau dồi để trang bị cho mình lượng kiến thức sâu rộng trước khi dấn thân vào nghiệp viết văn, làm báo; chính vì vậy mà trong các tác phẩm của ông, những gì được phản ánh ở đó đều có mặt trong cuộc sống hôm nay. Có thể nói, cho đến hiện nay trong văn xuôi chưa có ai viết được như Vũ Trọng Phụng”.

Đại diện lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam viếng mộ nhà văn Vũ Trọng Phụng tại Giáp Nhất - Hà Nội.

Nhà phê bình Lại Nguyên Ân cũng đưa ra một cách tiếp cận mới: “Ngoài những thể loại nhiều người đã biết: phóng sự, tiểu thuyết, truyện ngắn, nhà văn còn viết tạp văn với bút danh Ngọa Triều, trong đó tỏ rõ thái độ ủng hộ phái hữu, ủng hộ mặt trận bình dân. Nhưng đến nay di cảo của nhà văn chưa được tái bản đầy đủ, chính xác như bản ban đầu sau mỗi lần in. Vấn đề đặt ra hiện nay là các bản thảo (gốc) đã và đang bị “xâm hại” một cách đáng tiếc, đó là sự thiếu trân trọng đối với các nhà văn quá cố, chúng ta cần phải có một thái độ làm việc khách quan, công bằng hơn”.

Lễ tưởng niệm nhà văn ngoài các gương mặt tên tuổi của giới văn chương nhiều thế hệ, còn có sự tham dự của đại diện dòng họ Vũ, con cháu trong dòng tộc và nhiều bạn đọc yêu mến văn chương Vũ Trọng Phụng.

Đặc biệt, nhà sưu tầm sách Hoàng Minh đã từ TP HCM bay ra Hà Nội giới thiệu một phần trong bộ sưu tập sách, báo, tạp chí, hầu hết đều xuất bản từ trước Cách mạng Tháng 8 có in tác phẩm Vũ Trọng Phụng, trong đó có cả các bản thảo viết tay rất quý hiếm của nhà văn. Ông Hoàng Minh bật mí, đây chỉ là một phần nhỏ trong số những hiện vật vô giá mà ông đã tìm kiếm, giữ gìn được, thể hiện tình yêu, sự đam mê đặc biệt với “ông hoàng phóng sự đất Bắc” của một độc giả bình thường có tâm với văn chương…

N.H.S.
.
.
.